Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thầy giáo trẻ hát rap giảng Vật lý náo động cư dân mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian qua, khắp các diễn đàn từ Bắc chí Nam xôn xao truyền nhau một bài hát do thầy Bùi Như Lạc, một giáo viên trẻ dạy Vật lý của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) sáng tác và biểu diễn.

Màn biểu diễn đặc biệt của thầy được một học sinh đăng tải lên mạng với nhan đề: Teach or Rapper. 
Phải chăng, lối dạy truyền thống đã không thể khiến các học sinh tiếp thu vào đầu nên thầy phải dạy bằng…rap để kịp với trào mới giới trẻ hiện nay.
Thầy hát rap giảng Vật lý
Trong nền nhạc đệm hết sức réo rắt, nhẹ nhàng, thầy Bùi Như Lạc cất giọng đọc rap một cách chậm rãi, từ tốn.
Thoạt đầu, mới nghe thì có vẻ như phần trình diễn của  thầy chỉ mang tính vui nhộn, ngộ nghĩnh và phù hợp với giới trẻ hiện nay. Nhưng đằng sau đó là cả một nỗi lòng ẩn chứa bên trong của người thầy dạy lý…
Thầy giáo Bùi Như Lạc (áo trắng). Ảnh: nguyendu.net.
Đầu tiên là màn giới thiệu, bày tỏ nỗi bức xúc của người một người thầy đam mê môn vật lý mà không thể khiến học trò của mình chăm chỉ học bài.
“Tôi đây là thầy giáo, hôm nay thầy đứng đây, cầm mic rồi rap lên bài này, cho các em hiểu thế nào là Physic. Một môn học thật hay, nó làm thầy đắm say, làm triệu người mê mẩn, nhưng thật tiếc, các em nào biết, tối ngày hẹn hò và lo yêu đương nhăng nhít.”
Và bài học bắt đầu với lời mở đầu giống như bao giờ giảng bình thường khác: “Chương 1 bài 1 ở sách giáo khoa 11. Điện tích.” 
Tuy nhiên, cách thầy giảng giải cho học sinh thì thật khác thường. Thay cho giọng điệu nghiêm túc là lối nói hết sức “Xì tin”, đúng kiểu của 9X bây giờ. Không những vậy, thầy còn lấy ví dụ rất ấn tượng, thậm chí gây sốc:
“Xài điện thì nhiều mà không hiểu mới đau. Cùng dấu thì đẩy, trái dấu thì hút nhau, có nhiêu đó dạy thật lâu, vậy mà, vậy mà ko hiểu. Thầy ví dụ thế này, các em đừng xỉu: Giống như nam với nữ, cùng giới thì còn lâu, trái giới thì âu sầu, cùng giới mà yêu nhau là việc làm sai trái, là thằng biến thái…”
Nhạc điệu tiếp tục réo rắt và thầy cũng tiếp tục đọc Rap giảng bài về lực Cu-lông và lực Vectơ.
Xen kẽ những lời giảng về lý thuyết quen thuộc, thầy cũng bày tỏ nỗi bức xúc của mình khi học sinh không chịu chăm chú học bài. Có thể thấy thầy giáo đã mượn lời ca, điệu hát để mắng học sinh rất khéo:
“Lực là vectơ mà sao cứ ngu ngơ, lớp 10 học kiểu gì mà lên đây như con khỉ, thầy nhắc lại một lần các em nghe cho kỹ. Điểm đặt phương chiều và kèm theo là độ lớn, đùng có mà xớn xác mà cộng như lớp 1, đừng có mà bộp chộp mà nhân như lớp 2, đừng có mà ra oai, tưởng mình thế là tài. Phải chịu khó tập trung khi thầy đang giảng bài. Cộng 2 vectơ ta dùng quy tắc hình bình hành, làm một vài ví dụ để thuộc công thức cho nhanh.”
Như người trồng cây mong đến ngày hái quả, người thầy cũng trông đợi vào kết quả thi cử của học sinh.
Tuy nhiên, nỗi thất vọng nhanh chóng ụp xuống khi “không phải một vài mống mà là một đống” học sinh bị điểm trung bình.
"Kết quả thật tệ làm thầy mém té ghế. Mấy bài cho kẹo mà dưới trung bình mới ghê, không phải một vài mống mà là một đống. Thầy tự trách mình và thao thức nhiều đêm, suy nghĩ thật nhiều và thầy nhận ra một điều: Đám đấy đầu rỗng giống như trái banh lông, chỉ biết ăn diện như cái bình bông di động.”
Bức xúc là thế nhưng thầy vẫn không bỏ cuộc. Bài hát kết thúc bằng một sự nhẫn nại, quyết tâm theo đuổi sự nghiệp trồng người với  hi vọng các em có thể trưởng thành, là người có ích cho gia đình và xã hội:
“Tự an ủi mình và thầy típ tục hành trình, gieo mầm tri thức cho những ai cần mình, giúp các em trưởng thành và nuôi sống gia đình, nuôi sống bản thân, giúp ích cho xã hội, không làm kẻ phạm tội là thầy mãn nguyện lắm rồi.”
Học sinh khoái chí 
Sau khi bài rap này được đăng tải lên mạng, không chỉ các học sinh của trường Nguyễn Du mà  học sinh ở khắp các miền cũng đều tham gia bàn tán sôi nổi.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, nhưng phần lớn các em đều tỏ ra hết sức thích thú với phần trình diễn đặc biệt của thầy.
Theo nhận xét của một số học sinh thì mặc dù thầy “Rap chưa chuẩn, beat dở òm, flow cũng không ổn” thể nhưng lyric (lời) thì “cực đỉnh”.
Một em có nick là MafiaboyII còn hứng chí phân tích hết sức chi tiết từ hoàn cảnh sáng tác đến âm điệu, lời lẽ của bài hát trên diễn đàn trường Nguyễn Du rằng:
“Mới biết tin là nghe liền! Thầy công nhận chịu chơi thiệt! Lyrics thì cũng tạm được nhưng mà rất ý nghĩa!!! Thầy rap Gangs mà giọng điệu cứ từ tốn thế thì ai mà sợ! Nói chung là mặc dù không chuyên nghiệp cho lắm nhưng thầy là người tiên phong trong lĩnh vực này!”.
Nói chung các em rất ấn tượng với phong cách “xì tin” của thầy giáo và liên tục đưa bình luận động viên thầy “tiếp tục phát huy phong độ”.
Một cựu học sinh trường Nguyễn Du chia sẻ:"Mặc dù lời có hơi thô tí, nhưng rất đúng, làm thầy gần gũi với học sinh nhiều hơn".
Những bạn khác, cũng từng là học sinh của trường đều đồng ý rằng thầy làm như vậy thể hiện sự hòa đồng với học sinh.
Thậm chí, các học sinh còn hí hửng khoe thông tin “hậu trường” về ngôi sao mới nổi này: haha! thầy Lạc là thầy dạy lý, con của cô Mai dạy Công nghệ và thầy Quế. Lớp mình hay gọi thầy là "Trẫm" vì thấy dạy xưng mình là "Trẫm", một học sinh có nickname là Gòn bật mí.
Có những cực học sinh nghe bài rap xong bỗng tiếc hùi hụi vì “chưa được thầy dạy bữa nào, chỉ mới được mẹ thầy dạy thôi”. Nhưng “danh tiếng thầy nổi như cồn” nên vẫn ngưỡng mộ.
Thậm chí một học sinh còn hân hoan ra mặt dù bị thầy…”chửi”: “Không ngờ thầy biết Rap luôn đó !! Mà thầy chửi học sinh ác quá à …. nhưng mà nghe cũng hay, dzui!” (BinZero1993).
Và cũng không ít lời chỉ trích 
Chuyện một thầy giáo “phá cách” giảng bài một cách không bình thường như vậy chắc chắn sẽ có những phản ứng trái chiều.
Phần lớn đó là những người lớn, không chấp nhận lối ăn nói theo kiểu của giới trẻ bây giờ. Anh NMT, một người từng là giáo viên thực tập của trường Nguyễn Du cho rằng: Dù biết qua bài Rap thầy Lạc muốn nói lên thực trạng học tập của học sinh nhưng ngôn từ thì lại là một vấn đề lớn, nhiều vấn đề cần suy ngẫm”.
Một cựu học sinh có nickname là Nobita còn tỏ ra khá bức xúc. Anh cho rằng “thầy đáng lẽ phải là “người đặt viết và ghi bài giảng chứ sao lại rảnh đời đi sáng tác rap rồi đưa lên mạng”.
Một số người khác cũng cho rằng có đôi chỗ ngôn ngữ hơi thô thiển, mà một thầy giáo lại viết những lời như vậy thì “không ổn chút nào”.
Lặng lẽ cúi đầu nhận tội
Sau khi nghe bài hát ngộ nghĩnh mà sâu sắc này, không ít học sinh cúi đầu…nhận tội.
Dường như ngàn vạn lời quở trách của thầy trên lớp có lẽ cũng không thể thấm thía và có sức lan tỏa lớn bằng những lời “chửi” được gửi gắm trong âm điệu vui nhộn của Rap. M
Mặc dù bị thầy mắng nhưng các em không hề tức giận mà đều biết nhận lỗi một cách thành khẩn.
Một học sinh tỏ vẻ thông cảm với thầy: “Thầy dạy cũng được. Nhưng năm ngoái lớp mình lừi wa’ (lười quá-PV) nên học bê bết. Tội nghiệp chắc thầy bức xúc dữ lắm đây”.
Một học sinh khác cũng có chung nhận định: "Thầy Lạc bức xúc quá dữ quá mà. Xét ra, bài này đáng để suy ngẫm chứ! Năm ngoái lớp mình không chịu học nên thành ra điểm đứa nào đứa nấy vê bết mà đó đâu phải lỗi của thầy". (Killua1412 – diễn đàn Trường Nguyễn Du).
Thậm chí, các em còn thành khẩn khai báo nguyên nhân cụ thể để thầy bức xúc và tức khí viết bài rap này là do “lớp B6”. Bởi thế, học sinh nghe xong đều mang một cảm giác "tội lỗi vô cùng".
Có học sinh gọi thầy Lạc với cái nickname thân thương là thầy Đậu phộng đã viết: “Thầy Đậu phộng rap nghe bùn wé!!! thầy làm em cảm thấy có tội wé. hjc hjc.” (Thầy Đậu phông rap nghe buồn quá. Làm em cảm thấy có tội quá. Hic hic.-PV).
Có em thì lại trầm ngâm, tâm đắc với những lời thầy viết rằng mấy câu cuối “rất hay và ý nghĩa đối với học sinh bây giờ”. 
Theo Sinh Phạm
VietNamNet

Bình luận (0)