Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy giáo trẻ lọc nước khe núi cho bản cao

Tạp Chí Giáo Dục

Biến bã mía thành than hoạt tính để lọc nước từ khe suối cho bản người Dao ở thôn Ngọn Ngòi (xã Ngòi A, Văn Yên, Yên Bái), thầy giáo trẻ Nguyễn Anh Đức và hai học trò được tuyên dương sáng tạo trẻ năm 2017 tỉnh Yên Bái.

Thầy giáo trẻ lọc nước khe núi cho bản cao
Thầy giáo Nguyễn Anh Đức cùng các học trò đang lắp đặt sản phẩm lọc nước khe núi tại nhà anh Phượng Ton Mậy ở huyện Văn Yên, Yên Bái.

Một lần đến thăm nhà học trò ở bản Ngọn Ngòi, bản có 80 hộ người Dao nhìn bể nước đục ngầu mà người dân lấy từ khe, thầy Đức nghĩ mãi: Làm sao có nguồn nước sạch cho bản nhỏ sinh hoạt đảm bảo sức khỏe? Câu chuyện về những đứa trẻ trong bản thường bị bệnh tiêu hóa, phụ nữ mắc bệnh phụ khoa, bệnh ngoài da càng khiến thầy Đức trăn trở cho một công trình nghiên cứu – tìm ra một chất liệu lọc nước từ khe núi cho những bản cao.

Ống nước thầy Đức

Bã mía, thứ nguyên liệu sẵn có mà người bán hàng nước mía khắp các nẻo đường vứt thải, thầy và hai học trò Hoàng Văn Cường, Hà Văn Mười lớp 12A1, đi gom về. Kiến thức hóa học và những dụng cụ thí nghiệm sẵn có trong trường cùng sự trợ giúp của ban giám hiệu khi thầy trình bày ý tưởng, đã cho ra đời loại than hoạt tính có tính năng lọc bỏ khoáng độc trong nước trên khe núi.

Một dụng cụ bằng những ống nhựa to như bắp đùi lắp ghép vào nhau dài khoảng 1m, bên trong chứa những gói than hoạt tính, nhét thêm hai đụn xơ mướp ở hai đầu, thầy Đức và hai học trò cùng phóng viên Tiền Phong vác đồ trèo lên vách đồi nhà anh Phượng Ton Mậy ở bản Ngọn Ngòi lúc trời đã ngả về tối dưới làn mưa núi. Bên bể nước đầy váng lềnh phềnh hứng từ khe núi về nhà Mậy vẫn dùng làm nước ăn, thầy Đức chặt thêm mấy cành tre làm giá đỡ, chỉ một loáng đã lắp ghép xong một công trình lọc nước. Làn nước trong vắt chảy ra từ ống nhựa có than hoạt tính. Thầy Đức nói ống nước đã khử hết khoáng canxi và magiê, những váng rêu cũng đã bay biến. Thầy còn tự tin uống luôn cốc nước.

Ông trưởng thôn đi cùng vui ra mặt, nói rằng bản Ngọn Ngòi rất mong một ngày nhà nào cũng có “ống nhựa thầy Đức” lọc nước ăn. Cái khổ, cái nghèo vì bệnh tật do nguồn nước từ nay sẽ phải bỏ bản mà đi. Ông càng vui hơn khi thầy Đức nói rằng chỉ vài ba trăm ngàn là có thể mua dụng cụ này khi nó được sản xuất số lượng lớn. Tự người dân có thể thay thế, vận hành, sửa chữa mà không tốn kém là bao.

Thầy Đức và hai học trò về bản Cao lắp đặt dụng cụ lọc nước khe núi.

Miệt mài

Hai học trò kể với Tiền Phong, có những ngày ba thầy trò bỏ bữa, quên ăn ở lì trong phòng thí nghiệm. Mười một tháng tỷ mẩn với hóa chất, lò sấy, băm thái, đục cắt dụng cụ, làm đi làm lại, nhóm cứ miệt mài cho đến ngày thành công. Vỡ òa niềm vui khi thầy trò được giải cao trong cuộc thi sáng tạo của Tổng cục Môi trường. Một số chuyên gia môi trường nước ngoài đã tìm đến gặp thầy ngỏ ý giúp sức về nguồn lực nếu thầy trình bày dự án thiết kế và dự toán chi phí khi triển khai trên diện rộng toàn vùng sơn cước Tây Bắc. Đây cũng là niềm đau đáu của thầy giáo trẻ, khát vọng sớm  đưa sản phẩm được sử dụng ở khắp các thôn bản cao tỉnh Yên Bái, theo thầy có thể cần đến tiền tỷ vì lượng người dân đang dùng nước khe núi tự nhiên trên khắp vùng núi trong tỉnh đang rất lớn.

Đam mê nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn là sinh viên khoa Hóa Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Nguyễn Anh Đức đã có nhiều sản phẩm khoa học được vinh danh. Tốt nghiệp đại học, năm 2009 thầy Đức đến nhận công tác tại trường THPT Chu Văn An. Thầy đã được trao giải sáng tạo khi thiết kế thành công sản phẩm “Thắp sáng góc học tập trẻ em vùng cao” bằng loại pin năng lượng đơn giản, đang được hàng ngàn hộ dân sử dụng. Cái tài và cái tâm của một thầy giáo trẻ dành cho những sáng tạo tác động thiết thực đến đời sống của người dân Tây Bắc đã được Tổng cục Môi trường và Trung ương Đoàn TNCS HCM vinh danh năm 2016. Và hôm nay, thầy lại được chọn là một trong 10 gương mặt sáng tạo trẻ tiêu biểu của tỉnh Yên Bái năm 2017.

Ông trưởng thôn đi cùng vui ra mặt, nói rằng bản Ngọn Ngòi rất mong một ngày nhà nào cũng có “ống nhựa thầy Đức” để lọc nước ăn. Cái khổ, cái nghèo vì bệnh tật do nguồn nước từ nay không còn ám ảnh. Ông càng vui hơn khi thầy Đức nói rằng chỉ vài ba trăm ngàn là có thể mua dụng cụ này khi nó được sản xuất số lượng lớn. Tự người dân có thể thay thế, vận hành, sửa chữa không tốn kém là bao.

Tùng Duy – Hạ Hòa (TPO)

Bình luận (0)