Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Thầy giáo Vật lý Trần Văn Nga: Những bí quyết dạy học sinh đoạt giải vàng Quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Cứ qua mỗi kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và quốc tế, báo chí cả nước lại xướng tên những học sinh của Trường chuyên Phan Bội Châu, đã xuất sắc mang lại vẻ vang cho nền học thuật nước nhà. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau vinh quang của những cậu học trò xứ Nghệ đó có bóng dáng của một người thầy giáo trẻ tuổi nhưng vô cùng tâm huyết. Đó là thầy giáo Trần Văn Nga, Chủ nhiệm bộ môn Vật lý Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).

Không có gì ngoài lòng đam mê
Thầy Trần Văn Nga sinh năm 1976 ở Đô Lương (Nghệ An), trong một gia đình có truyền thống sư phạm. Cha là giáo viên dạy Vật lý, mẹ là giáo viên dạy Hóa nên từ nhỏ cậu bé Nga đã thích nghề giáo. Bản thân cậu cũng yêu Vật lý, bởi đây là ngành học giúp giải thích được nhiều hiện tượng trong thiên nhiên.
Tốt nghiệp ĐH Vinh Khoa Vật lý năm 1999, Trần Văn Nga quyết định học tiếp lên thạc sỹ. Quá trình học ĐH và Thạc sỹ luôn đạt điểm tổng kết cao nhất khóa, khi ra trường anh quyết định thi tuyển làm giáo viên của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Sau 2 vòng thi giải bài tập và thao giảng, Trần Văn Nga đã trúng tuyển vào trường, bắt đầu sự nghiệp làm thầy từ đây.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ (26 tuổi) nhưng chuyên môn giỏi, năm 2002 thầy bắt đầu được phân công chủ nhiệm khóa chuyên Lý đầu tiên. Đến nay, sau 3 khóa chủ nhiệm, bảng thành tích của các thế hệ học sinh chuyên Lý Phan Bội Châu ngày càng dày lên, một phần nhờ công sức và tâm huyết của thầy Nga. Khóa nào thầy chủ nhiệm, lớp cũng đạt kết quả thi tốt nghiệp và đại học xuất sắc, 100% học sinh đỗ đại học, giành phần lớn các giải cao của học sinh giỏi (HSG) tỉnh. Các học sinh chuyên Lý nói chung và học sinh được thầy Nga đào tạo nói riêng đều đạt giải tốp đầu trong kỳ thi HSG quốc gia các năm và đứng vị trí đầu của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế. 
Trong đó tiêu biểu là em Nguyễn Tất Nghĩa đã giành được HCV trong kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế năm 2007 (lúc này Nghĩa đang học lớp 11). Em cũng vinh dự được chọn là một trong 9 học sinh xuất sắc nhất của Olympic Vật lý quốc tế, là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục nhận giải thưởng "Vinh quang Việt Nam". Năm 2008, Nghĩa tiếp tục thi và là Thủ khoa toàn quốc kỳ thi HSG quốc gia (năm học lớp 12). Không dừng lại ở đó, em còn giành luôn cả HCV Olympic Vật lý châu Á và HCV Olympic Vật lý quốc tế. Hiện Nghĩa đang học theo diện học bổng toàn phần ở ĐH MIT của Mỹ.
Học sinh Nguyễn Trung Hưng của lớp 12A3 K37 cũng là một trong những gương mặt xuất sắc, em từng được lọt vào đội tuyển Olympic Vật lý châu Á (tại Đài Loan) và đạt Bằng khen. Trong kỳ thi Olympic Vật lý châu Á tại Israel tháng 5/2011, 2 học sinh của chuyên Lý Phan Bội Châu là Nguyễn Trung Hưng (Hưng đạt giải nhất HSG quốc gia năm 2010 và 2011) và Nguyễn Huy Hoàng đều đạt HCĐ (2 huy chương duy nhất của đoàn HS Việt Nam).
Gần đây nhất, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đình Hội (Hội 2 năm lớp 11 và 12 đều đạt giải nhì HSG quốc gia) qua 2 ngày thi tuyển gay gắt tại Hà Nội đã vượt qua 28 HS đạt giải quốc gia cao nhất để lọt vào đội tuyển 5 người đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế tại Thái Lan tháng 7/2011. Và kết quả là Hoàng giành được HCV, Hội giành HCB.
Học nhiều, thương trò để truyền lửa
Để có được những tấm huy chương cao quý của các thế hệ học trò ngày hôm nay, theo tôi một phần rất lớn ở công của những thầy giáo tận tâm như thầy Trần Văn Nga. Quá trình học luôn đạt điểm tổng kết cao nhất khóa, sau khi ra trường trúng tuyển vào ngôi trường chuyên danh giá nhất của tỉnh, rồi được phân công chủ nhiệm lớp chuyên nhưng thầy Nga vẫn không ngừng rèn luyện, học hỏi.
Thầy Nga và các học trò ở sân bay Nội Bài khi mới trở về từ cuộc thi lớn.
Đến giờ vẫn vậy, ngoài giờ giảng, thầy miệt mài sưu tầm tài liệu, đọc và nghiên cứu rất nhiều sách vở, internet, và tham khảo, học tập các đồng nghiệp, trường bạn. Thầy cho rằng thực tế cuộc sống dạy cho mình nhiều điều lớn lao, và sự làm việc tận tụy sẽ có nhiều tài liệu, giúp học sinh tiếp cận tốt với kỳ thi.
Nguồn tư liệu của thầy chủ yếu là các sách chuyên đề HSG phổ thông, các giáo trình ĐH đại cương dành cho sinh viên, đề thi Olympic các nước, đề thi quốc gia, quốc tế, các tạp chí chuyên ngành… Mục đích của việc tham khảo nhiều tư liệu là để mở rộng phông kiến thức cho HSG, bởi theo thầy Nga, "người thầy phải có tầm bao quát rộng lớn hơn thì mới có thể giảng dạy cho học trò được".
Khá "mát tay" khi bồi dưỡng HSG nhưng thực tế thì bí quyết thành công đối với những học sinh đạt giải quốc tế là phải có tư duy, hết sức chăm chỉ và nỗ lực không ngừng. "Mỗi thành công đều xuất phát từ các phía: trò có tư chất và gặp được thầy, sự cộng hưởng của 2 thầy trò và sự quan tâm đặc biệt của các cấp mới tạo nên sự thành công. Nếu thiếu một trong các vế ấy thì có may mắn đến đâu cũng không thể làm được…". Thầy giáo Trần Văn Nga nhận định.
Tuy nhiên tôi lại cho rằng cách truyền lửa đam mê của thầy cho trò cũng quan trọng không kém, và biệt tài của thầy Nga là ở chỗ đó. Thực tế có nhiều giáo viên giỏi, nhiều thầy cô tâm huyết với học trò, nhưng không phải bất cứ giáo viên nào cũng biết cách "điểm đúng huyệt", khiến học trò say mê và bứt phá lên được. Biệt tài của thầy là hình thành cho học sinh niềm đam mê với Vật Lý, đi theo con đường KHKT, coi khoa học là cái nghiệp của đời mình.
Chia sẻ về "biệt tài truyền đam mê" của mình, thầy Nga bộc bạch: "Trước hết là bản thân mình sẽ dạy học sinh bằng cả tâm huyết, để các em phát huy hết khả năng tự học và tự đọc. Bên cạnh đó thì trong quá trình giảng dạy thông qua các tấm gương của các nhà khoa học, các anh chị khóa trước nay thành công trên các giảng đường ĐH danh tiếng trong và ngoài nước để hướng học sinh quyết tâm theo đuổi con đường của mình…".
Ngoài những tâm sự của thầy, chúng tôi còn được biết, thầy Nga rất nhiệt tình trong giờ giảng, và thường dạy thêm cho HSG mà không thu một đồng kinh phí nào… Các lớp học thêm của thầy ở trường bao giờ cũng tan muộn nhất, nhiều hôm học "quên cả giờ", tối mịt mới ra về. Trong những dịp cao điểm học ôn chuẩn bị cho những kỳ thi lớn thì các học trò sẽ đến nhà "cắm trại sống" với thầy, ăn ngủ học hành ở nhà thầy. Thầy dí dỏm: "Có thể vì thấy thầy tận tâm tận lực như vậy nên các em thương thầy và chịu khó học hơn…".
Một "ông đồ Nghệ" sáng trong, tâm huyết!
Trong hơn chục năm giảng dạy, kỷ niệm ấn tượng nhất trong tâm khảm người giáo viên trẻ tuổi ấy là cảnh tượng sáng sáng đánh thức học trò. Thời gian ôn thi HSG quốc gia ở xứ Nghệ là mùa đông lạnh thấu xương, "nằm trong chăn cũng thấy rét", học sinh của thầy phải thức học 1 – 2h sáng đánh vật với những bài toán khó, đến khi lăn ra ngủ say sưa thì 6 – 7h lại phải tỉnh dậy để tiếp tục học.
"Các em lớp 11, 12 đang là tuổi ăn tuổi ngủ mà ăn thì vội, ngủ thì ít khiến mình rất thương… Nhưng vì con đường phía trước nên thầy trò vẫn phải tiến lên". Còn khoảnh khắc xúc động nhất đối với thầy có lẽ là những lúc nhìn học sinh của mình tự tin quàng vào cổ những tấm huy chương danh giá. "Nhiều khi mình vui quá mà nước mắt cứ trào ra…". Thầy Nga tâm sự.
Một điều thú vị mà chúng tôi được biết về thầy Nga là những hy sinh, cống hiến của thầy không phải nhằm mục đích giành về những giải thưởng cho bản thân. "Các giải thưởng rất đáng quý và động viên mình rất nhiều trong quá trình giảng dạy, tuy nhiên mình luôn tâm niệm mình đang làm việc, đang phấn đấu, và mình cứ làm hết lòng, vì sự trưởng thành của học sinh đã". Thầy luôn đặt sự nghiệp của học sinh lên hàng đầu, vì "nếu khóa nào không thành đạt thì mình thấy hối hận, thấy có lỗi với học sinh bởi điều đó sẽ ngăn cản con đường tiến tới thành công của các em. Bởi lẽ việc nhận được những giải thưởng, huy chương của ngày hôm nay mới chỉ là sự khởi đầu cho những thành công lớn hơn về sau".
Hiện nay trong cuộc sống hiện đại có nhiều tác động, biến đổi, thì những người thầy vẫn giữ được đạo làm nghề sáng trong, nhiệt huyết như thầy giáo Trần Văn Nga thật đáng trân trọng. Chúng tôi xin kết lại bài viết về thầy với sự tri ân sâu sắc, bằng lời nhận xét của thầy giáo Đậu Văn Mùi, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu: "Thầy Nga là một trong những người hiếm hoi còn giữ được phong thái của ông đồ Nghệ ngày xưa". Một năm học mới đã đến gần, xin chúc "ông đồ Nghệ" ấy tiếp tục vững tay chèo, đưa các thế hệ học trò xứ Nghệ cập tới bến bờ tri thức cao quý.
Nguyễn Huy Hoàng (chủ nhân HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2011):
"Thầy Nga rất nghiêm khắc với chúng em nhưng cũng rất vui tính, và đặc biệt là quan tâm đến từng học sinh. Trong lớp có vài bạn hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy đã vừa tự bỏ tiền túi, vừa đề nghị cả lớp đóng góp tiền giúp đỡ các bạn trang trải học phí và các khoản đóng góp chung khác. Về học lực, nếu bạn nào học yếu thầy sẽ thường xuyên nhắc nhở, và cử những bạn học khá kèm cặp…".
Nguyễn Tất Nghĩa (chủ nhân của 2 HCV Olympic Vật lý quốc tế
năm 2007 và 2008):
"Thầy là một người rất quan tâm, chăm sóc và đặc biệt là truyền cảm hứng cho học sinh. Hiện nay phong trào học trường chuyên, thi HSG quốc gia ở cả nước nói chung đang bị giảm sút do ảnh hưởng của phong trào du học, học sinh lo tập trung ôn thi ĐH… Nhưng học sinh của thầy Nga chưa bao giờ thiếu động lực và quyết tâm. Quyết tâm học, phấn đấu không những vì tương lai của bản thân, vì muốn chinh phục đỉnh cao tri thức mà còn vì sự cảm kích, muốn báo đáp tấm lòng, công ơn của thầy".

Theo Quỳnh Vinh
(CAND)

Bình luận (0)