Nhịp cầu sư phạmGương sáng

“Thầy Hai” dạy kèm

Tạp Chí Giáo Dục

Đã 70 tuổi vẫn đứng lớp dạy kèm cho hàng trăm đứa trẻ nghèo. Chuyện khuyến học ở Vang Quới Tây không có thầy Hai chắc khó nhiều!

“Thầy Hai” gần 70 tuổi, tên thật là Nguyễn Hữu Luận. Ở Vang Quới Tây (Bình Đại, Bến Tre) từ chủ tịch xã cho tới mấy đứa nhỏ đều gọi thầy bằng cái tên trìu mến này. 
Thầy Hai nói ông chỉ có nỗi âu lo lớn nhất là tuổi già, l
lỡ sức yếu thì không ai kèm tụi nhỏ.

 “Dạy cho đỡ buồn!”

Thầy Hai thường nói vậy về chuyện dạy kèm của mình nhưng thực tế gần 10 năm rồi, “chuyện đỡ buồn” này đã lấy hết thời gian và sức già của thầy khi số học trò theo lớp dạy kèm của thầy có lúc đến hơn trăm đứa.
Nguyên cớ dạy kèm đến vào năm 1999, khi ba con gái của thầy đều tốt nghiệp đại học, đi làm xa, trong nhà chỉ còn vợ chồng già. Việc học hành, đỗ đạt của hai con gái cũng do một tay ông kèm cặp nên. “Rảnh quá cũng buồn nên tui gọi sắp nhỏ trong xóm tới bày học” – thầy Hai kể đơn giản về những ngày mở lớp.
Ban đầu lớp dạy kèm chỉ có sáu học sinh, toàn mấy đứa mất căn bản. Thầy Hai nhớ lại, khi đến nhờ dạy kèm, nhiều đứa đang học lớp 6 nhưng kiến thức cơ bản ngồi nhầm đến hai, ba lớp. Bởi vậy môn gì thầy cũng dạy, cốt chỉ để học trò không nản mà bỏ học. Vì vậy, ông thầy già 70 tuổi phải chỉ đến toát mồ hôi thì học trò mới hiểu.

Ông Nguyễn Nhựt Minh,Chủ tịch UBND xã Vang Qưới Tây (Bình Đại, Bến Tre) cho biết:
“Không chỉ tâm huyết trong việc kèm cặp cho các cháu học sinh, thầy Hai còn phân tích, làm công tác tư tưởng để các em học sinh và phụ huynh nhận thức được rằng chỉ có con đường học vấn mới xóa được đói nghèo. Thầy cặm cụi làm từng cái phiếu điều tra trình độ học vấn của người dân trong xã, hoàn cảnh kinh tế của các gia đình trước lúc có con em đậu đại học và sau đại học. Từ đó đưa ra số liệu, dẫn chứng cụ thể, đầy thuyết phục và ngày càng tạo niềm tin cho bà con. Chuyện khuyến học ở Vang Quới Tây không có thầy Hai chắc khó nhiều!”.
Nhờ sự tận tụy của thầy Hai, việc học của học trò ngày một biến chuyển, nhiều em từ yếu kém lên học sinh khá, giỏi. Tiếng lành đồn xa, phụ huynh trong xã cứ thế “vô tư” gửi con em đến học ngày một nhiều. “Ngoảnh qua ngoảnh lại lên tới hơn trăm đứa hồi nào hổng hay!” – thầy Hai kể. 
Bởi vậy, lúc đầu thầy Hai chỉ dạy mấy tháng hè nhưng nhiều năm nay thầy dạy quanh năm, có ngày chạy “sô” cả sáng, chiều. Nhưng dạy lu bu cỡ nào, học trò đông tới mấy thầy cũng không lấy một cắc học phí. Thậm chí “thấy đứa nào nghèo quá, ổng lại còn mua tập vở, bút sách, quần áo cho tụi nó nữa” – ông Nguyễn Văn Đạm, một người hàng xóm của thầy Hai kể.
Nhờ tận tụy vậy mà lớp học kèm của thầy Hai giờ đứa yếu cũng cũng đạt điểm tốt nghiệp phổ thông, đứa khá hơn vào trung cấp, cao đẳng. Vui nhất là từ ngày mở lớp đã có gần 20 đứa từ bàn tay của thầy nay đã tốt nghiệp đại học.
Lập quỹ khuyến học từ tiền dưỡng già
Ngày đứng lớp, đêm đến hay lúc rảnh, thầy Hai lại lo cập nhật kiến thức đủ môn học để kịp thời kèm cho những học trò hổng kiến thức căn bản. “Chuyện dạy coi như là ổn, sức già này còn lo được nhưng chuyện học ở đây thiếu thốn nhiều quá” – thầy Hai âu lo khi quê thầy còn nghèo, đa phần các em ngoài việc học còn phụ gia đình làm thêm kiếm sống nên chuyện tụi nhỏ học yếu là bình thường.
Nghĩ vậy rồi thầy Hai băn khoăn: Phải chi có một quỹ khuyến học để giúp đỡ các cháu. Mang băn khoăn này vào cương vị phó chủ tịch Hội Khuyến học xã khi được  bà con bầu vào năm 2007, thầy Hai đã vận động thành lập quỹ khuyến học. Trước đó cũng đã có quỹ nhưng cứ vận động từng năm rồi sau đó cũng chi phát hết ngay cho học sinh nghèo trong xã. Nay thầy Hai có cách làm mới, tự mình mang 30 triệu đồng tiền dưỡng già, nhờ vậy bà con cảm động góp thêm được mấy chục triệu đồng nữa. Số tiền này được gửi vô ngân hàng lấy lãi, đầu năm học hay khi có em nào gặp hoàn cảnh khó khăn mới rút ra giúp đỡ. Năm rồi, số tiền trong quỹ đã tròm trèm trăm triệu đồng.
Nói tới chuyện quỹ khuyến học, thầy Hai mừng và quả quyết: “Gì thì gì, tiền mình chưa nhiều nhưng nhất quyết không để lúc nào hụt dưới 50 triệu đồng. Kẹt quá, tui kêu tụi nhỏ (mấy đứa con gái của ông) góp thêm cho đủ, được như vậy tôi mới yên tâm” .
Hai chữ “yên tâm” của thầy Hai, nghe mới biết chuyện dạy kèm đã thành chuyện hệ trọng với tuổi già của thầy. Nói vậy chứ thầy Hai vẫn chưa hết chuyện để lo. Mà chuyện gần nhất, thường trực nhất là: “Tuổi tui nay cũng cao, còn kèm được cho cháu nào đỡ cháu nấy. Cũng sợ mai rày đau yếu, không ai kèm tụi nhỏ…”.
Theo Trường Giang
Pháp Luật TPHCM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)