Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến đến thăm trường |
Đến thăm Trường ĐH KHXH-NV thuộc ĐHQG TP.HCM, chúng tôi bất ngờ khi vào toilet và nhìn thấy… cục xà bông ở bồn rửa mặt! Nhà vệ sinh dành cho sinh viên của trường rất sạch sẽ… Ồ! ĐHTH TP.HCM cơ sở 2 (10-12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1) ngày xưa giờ thật tuyệt vời! Bất giác tôi thầm kêu lên như vậy!…
Trường ĐH KHXH-NV ngày hôm nay có thật nhiều đổi mới! Sức sống mãnh liệt của ngôi trường, một không khí giảng dạy và học tập, làm việc thật cần mẫn, hăng say, nhờ vào sự đổi mới: đổi mới tư duy dạy và học, đổi mới trong quản lý và giảng dạy, đổi mới phong cách làm việc và cả đổi mới… môi trường sống!
PGS-TS Võ Văn Sen (HT ĐH KHXH-NV – ĐHQG TP.HCM) là một người thầy rất năng động và sáng tạo! Ai từng gặp thầy nhiều lần, có lẽ cũng sẽ cảm nhận như chúng tôi về thầy như vậy. Thầy Võ Văn Sen từng làm Bí thư Đoàn trường ĐHTH TP.HCM (từ năm 1996 tách thành 2 trường thuộc ĐHQG TP.HCM: ĐH KHTN và ĐH KHXH-NV) từ năm 1991 đến 1993. Hoạt động Đoàn làm cho thầy vốn là một mẫu người năng động lại càng năng động hơn. Ba năm liên tiếp của nhiệm kỳ Bí thư Ban chấp hành Đoàn TNCS HCM mà thầy Võ Văn Sen đảm nhận, hoạt động Đoàn trở nên sinh động hơn, phong trào Đoàn đi vào chiều sâu, cụ thể và rất thiết thực. Trí tuệ của SV hoạt động Đoàn được phát huy mạnh mẽ nhờ một thủ lĩnh đoàn sống hết mình, làm hết mình cho lợi ích xã hội, của thanh niên, SV. Lòng nhân ái, bao dung của thầy Võ Văn Sen tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động Đoàn thanh niên. Tâm hồn thanh bạch mà phóng khoáng của thầy Võ Văn Sen thổi ngọn lửa nhiệt huyết cho CB Đoàn, cho SV hướng thượng hơn, sống đẹp hơn…
Một buổi tọa đàm khoa học của trường |
… Những người CB Đoàn dưới thời thầy làm bí thư (cũng như các học trò của thầy) nay trưởng thành rất nhiều, có rất nhiều người giữ trọng trách ở TW Đoàn và các cơ quan Đảng, chính quyền TP.HCM. Có thể kể ra như: anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS HCM (nguyên Bí thư Đoàn trường ĐHTH, nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM), anh Tất Thành Cang, Bí thư Quận ủy quận 2 – TP.HCM (nguyên Bí thư Thành đoàn TP.HCM), anh Trần Hoàng Danh, Trưởng ban Tuyên giáo Q.7 – TP.HCM (nguyên là Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng), anh Tăng Hữu Phong – Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ (nguyên Chủ tịch Hội SV TP.HCM) cũng là học trò Khoa Sử – ĐHTH TP.HCM…
Sau khi nước nhà thống nhất, giải phóng miền Nam 30-4-1975, không khí thanh niên rất sôi động và đầy “máu lửa”, thanh niên và sinh viên lao vào trận tuyến mới rất ác liệt, nhiệt huyết. Dưới thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch và Bí thư Thành ủy TP.HCM, thanh niên tình nguyện đi TNXP, thanh niên làm nhiệm vụ biên giới Tây Nam, làm thủy lợi nội đồng ở Củ Chi – Bình Chánh – Hóc Môn, thanh niên đi xây dựng vùng kinh tế mới ở miền Đông Nam bộ cho dân chúng lập nghiệp… tất cả những điều đó sẽ đi vào lịch sử – sẽ trở thành những trang sử hào hùng cho thời đại mai sau học tập và tiếp bước truyền thống vẻ vang ấy. Đúng vậy! Ngày hôm nay, thuở quá khứ hào hùng ấy của thế hệ cách mạng những ngày mới giải phóng miền Nam đã trở thành trang sử vàng của Đảng, của thanh niên…
Thầy Võ Văn Sen đã sống trong giai đoạn lịch sử của thế hệ thanh niên cách mạng ấy nên mong muốn học lịch sử để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đang trong một giai đoạn ác liệt và cam go nhất sau ngày giải phóng miền Nam. Thế lực Pôn Pốt đang “hoành hành” quấy phá ở biên giới Tây Nam và đang thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia. Đời sống của nhân dân và cán bộ, công nhân viên thời điểm ấy rất thiếu thốn, chật vật, khó khăn về kinh tế. Nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến lòng nhiệt tình của thanh niên. Thầy Võ Văn Sen quyết tâm học bộ môn lịch sử – ĐHTH TP.HCM để ngày mai sẽ được góp ích nhiều cho xã hội và cho sự nghiệp giáo dục của Việt Nam.
Cuộc sống những năm 1977 đến năm 1981, 1982 cho đến 1986 (trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ VI) rất thiếu thốn và khó khăn. Đời sinh viên của thầy Võ Văn Sen đã nằm trong giai đoạn lịch sử này. Bo bo và khoai mì là hai món ăn “chủ lực” của xã hội lúc ấy. Việt Nam chúng ta vừa đưa quân tình nguyện sang Campuchia, vừa “đối phó” với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, vừa “xẻ hạt gạo làm ba” cho 3 nước anh em – Việt Nam, Lào, Campuchia nên đời sống lúc ấy thiếu thốn trăm bề. Và sinh viên Võ Văn Sen cũng nằm trong gia cảnh thiếu thốn ấy.
Võ Văn Sen ở trọ trong con hẻm tại quận Bình Thạnh – TP.HCM trong một gia đình lao động nghèo khổ. Trời mưa và triều cường, nước ngập tràn con hẻm. Rác rưởi trôi vào nhà lềnh bềnh, bẩn thỉu. Thầy Võ Văn Sen vẫn bất chấp chuyện “lặt vặt” ấy, bất chấp những buổi lên giảng đường nhịn ăn sáng bụng đói cồn cào mà tranh thủ học bất cứ thời gian nào, lúc nào. Thầy chưa hề có khái niệm “đi chơi”! Thầy đã sống và học hành theo phương châm của V.I Lênin đã dạy: “Tranh thủ được thời gian là tranh thủ được tất cả!”…
Đoàn Trường ĐH KHXH và NV (ĐHQG TP.HCM) đến viếng tượng đài Bác Hồ – TP.HCM |
Đời sinh viên của thầy Võ Văn Sen khổ ải đến mức cùng cực. Thầy đạp xe đạp từ TP.HCM về Biên Hòa thăm nhà mà bụng đói đến nỗi phải ngậm trong miệng vài cục kẹo suốt mấy tiếng đồng hồ trên đoạn đường dài hơn 30 cây số… Cha mẹ, anh chị em ruột không ai biết điều này vì thầy sợ nói ra sẽ làm gia đình lo lắng hơn!!! Thầy cô và bè bạn ĐHTH TP.HCM cũng không ai biết được vì nói ra càng làm cho người khác yếu đuối hơn! Thầy tâm niệm sống là phải luôn luôn vươn lên và vượt qua chính mình!…
Thầy Võ Văn Sen hiện tại đang vừa làm quản lý vừa giảng dạy bộ môn lịch sử Việt Nam của Trường ĐH KHXH-NV. Thầy đã truyền một ngọn lửa đam mê môn lịch sử cho bao thế hệ sinh viên trong đó có tác giả của bài viết này. Những SV được thầy giảng dạy luôn luôn hào hứng và sôi nổi và… như bị hớp hồn trước nghệ thuật giảng dạy, lòng đam mê sử học, giọng nói sang sảng của thầy!
Thầy đã có 1 năm trao đổi khoa học ở Đại học Hardvard (Mỹ) và 2 năm giảng dạy ở Nhật. Thầy cũng đã truyền bá văn hóa và lịch sử Việt Nam bằng tiếng Anh cho sinh viên Mỹ, sinh viên Nhật ở Trường ĐH KHXH-NV và Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)…
Thầy đã kinh qua nhiều công việc quản lý như lãnh đạo Phòng QL NC-KH-HTQT của Trường ĐHTH TP.HCM và Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. Với vốn sống và bề dày kinh nghiệm quản lý và giảng dạy nên hiện tại bộ máy quản lý của nhà trường do thầy làm Hiệu trưởng đã đi vào phong cách khoa học và nề nếp. Bất cứ ai đến làm việc và giao lưu với Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM đều cảm nhận được cách làm việc năng động, nhiệt tình và đầy hiệu quả của nhà trường.
Thầy Võ Văn Sen tâm niệm: cả cuộc đời của thầy là cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và rèn luyện nhân cách, đạo đức, lòng nhiệt tình cách mạng cho thế hệ trẻ…
Xin được chúc thầy nhiều sức khỏe để lãnh đạo nhà trường ngày một phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo!…
Tháng 11-2009
Thành Ngọc
Bình luận (0)