Thầy Dương Minh Thư và các em học sinh của trường |
Nằm cách mặt tiền đường Điện Biên Phủ chưa đầy 10m nhưng Trường Tiểu học Điện Biên (594/1 Điện Biên Phủ, P.11, Q.10) có thể nói là một trong những trường nghèo nhất trên địa bàn TP.HCM. Theo thầy Dương Minh Thư – Hiệu trưởng nhà trường thì nguyên nhân chính là do trường bị “treo” từ 10 năm nay.
“Tôi đã bị “sốc”…”
Năm học 2005-2006, thầy Thư được phân công về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Điện Biên. “Khi về đây, thật sự tôi đã bị “sốc”. “Sốc” vì trường không ra trường. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cái sân trường được ghép bằng những tấm dale đã gãy và lòi cả sắt, có những cây sắt lòi lên khỏi mặt sân 7-10cm. Không ngày nào là không có học sinh bị té chảy máu chân do đụng phải cây sắt. Nhưng điều tôi lo lắng nhất là nếu các em té nằm xuống đất rồi bị mấy cây sắt đâm vào bụng…”, chuyện đã xảy ra 8 năm rồi nhưng khi nhắc lại trên gương mặt thầy Thư vẫn còn phảng phất nét lo lắng cứ như chuyện của ngày hôm qua.
Không chỉ có vậy, một góc của sân trường, nếu nói nặng lời thì chẳng khác nào “bãi rác”, nói nhẹ thì đó là một cái kho. Bởi tất cả những thứ không dùng đến đều nhét vào đó, thậm chí lá khô cũng được quét tấp vào đây. Bờ tường từ trong lớp học ra ngoài hành lang đều mang một màu cũ kỹ của thời gian…
“Phụ huynh tới trường, nhìn thấy là không muốn cho con học”, thầy Thư nhớ lại.
Đúng vậy! Trong khi phần lớn các trường học trên địa bàn Q.10 nói riêng và TP.HCM nói chung đều quá tải, 45-50 học sinh phải chen chúc trong một lớp học thì Trường Tiểu học Điện Biên không năm nào tuyển đủ học sinh. Hằng chục năm qua, năm nào nhà trường cũng chỉ tuyển được 1/4, thậm chí là 1/5 so với chỉ tiêu. Cụ thể như năm học 2012-2013, chỉ tiêu của trường là 90 học sinh nhưng chỉ tuyển được 20 em. Hiện tại trường có 5 lớp (mỗi khối 1 lớp) với tổng cộng 120 học sinh.
“Trường Tiểu học Điện Biên là trường “chuẩn quốc tế” vì sĩ số học sinh thấp, từ 20-25 em/lớp”. Câu nói vui của thầy Thư khiến cho người nghe có cảm giác chua xót.
Làm sao mà không chua xót được, trước khi làm Hiệu trưởng trường “chuẩn quốc tế” chỉ vỏn vẹn 5 lớp với trên 100 học sinh, thầy Thư đã từng làm Hiệu trưởng ở những trường có vài chục lớp với cả ngàn học sinh. Gần nhất là làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn với 30 lớp, mỗi khối 6 lớp. Chỉ 1 khối ở Trường Tiểu học Trần Nhân Tôn thôi cũng đã đông học sinh hơn cả Trường Tiểu học Điện Biên.
Nếu cứ ngồi mà so sánh, xót xa và “sốc” thì mãi mãi Trường Tiểu học Điện Biên chỉ là một ngôi trường “bị bỏ quên” – phụ huynh bỏ quên, chính quyền địa phương bỏ quên. Huống hồ, không biết từ lúc nào thầy Thư đã yêu những học trò nghèo và những giáo viên khó khăn của ngôi trường này.
“Cũng là học sinh, sao học sinh của mình thiệt thòi quá. Cũng là giáo viên, sao giáo viên trường mình lại thua thiệt các trường trong quận. Từ đó tôi nảy sinh tình cảm với hết thảy giáo viên và học sinh của ngôi trường này. Và tôi quyết định gắn bó với nó, nếu cấp trên có điều đi trường khác tôi cũng không đi. Tôi muốn ở lại để coi mình có thể làm được gì cho học sinh và giáo viên của ngôi trường này”, thầy Thư tâm sự.
Và việc đầu tiên thầy Thư làm chính là đeo bám UBND phường để họ ủng hộ nhà trường. Tiếp theo là họp phụ huynh, kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ nhà trường. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cái sân trường với những thanh sắt lòi ra đã được láng xi măng lại, học sinh tha hồ chạy nhảy, vui đùa trong giờ chơi mà không sợ bị tai nạn. “Bãi rác” ở góc sân trường được dọn đi, thế vào đó là những chậu cây kiểng. Trường, lớp cũng được sơn sửa lại… Có thể nói, Trường Tiểu học Điện Biên đã được khoác một “chiếc áo” mới – trường đã thật sự ra trường, lớp đã đúng là lớp.
Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi năm 2 lần thầy Thư xách cặp đi gõ cửa các doanh nghiệp (vốn là bạn cũ) để “xin” quà cho học sinh nghèo. Tết thì quà bánh, gạo nếp, dầu ăn – những thứ phục vụ cho bữa ăn. Đầu năm học mới thì tặng quần áo, sách vở, cặp để phục vụ việc học hành của các em.
Lớp 1 “không đụng hàng”
“Sự chênh lệch về kinh tế của người dân ở P.11 khá lớn. Người giàu thì rất giàu, người nghèo lại quá nghèo. Chính vì vậy, những người giàu khi đến trường nhìn thấy cơ sở vật chất nhỏ bé thì tìm đủ mọi cách để “chạy” cho con sang các trường “điểm” ở Q.10, Q.3. Còn người nghèo, vì không thể “chạy” được nên đành để con học tại trường”, thầy Thư khẳng định.
Chính cái sự nghèo của phụ huynh mà đã “đẻ” ra nhiều chuyện “tréo ngoe”. Đặc biệt là lớp 1 (năm học 2012-2013), có rất nhiều chuyện khiến thầy Thư và các đồng nghiệp đau đầu…
Đau đầu nhất là trường hợp của học sinh Nguyễn Lê B.H. Vào học từ ngày 13-8 và học bán trú từ đầu tháng 9 đến nay nhưng gia đình B.H. vẫn chưa đóng bất kỳ đồng nào cho trường, kể cả tiền ăn 22 ngàn đồng/ngày. Khi cô Nguyễn Thị Thúy Nga – giáo viên chủ nhiệm liên hệ với phụ huynh thì mẹ em trả lời: “Tôi không có tiền đóng, tôi cho con nghỉ học”. Và hơn một tuần nay, B.H. đã không tới lớp. Thế là thầy Thư bàn với cô Thúy Nga tìm đến nhà em B.H. Theo địa chỉ thường trú ghi trong hồ sơ, cô Thúy Nga tìm đến nhà em B.H. và ngỡ ngàng khi biết được sự thật. Ba mẹ em B.H. đã ly dị, em ở với mẹ. Mẹ không còn ở P.11, Q.10 mà chuyển về tạm trú tại P.Cô Giang, Q.1. Người mẹ không có nghề nghiệp ổn định, nay làm việc này, mai làm việc khác nên thu nhập rất bấp bênh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con đường đến với tri thức của B.H. vô cùng gập ghềnh…
“Ngày 3-10, sau nhiều lần liên lạc, tôi mới gặp được phụ huynh của em B.H. Tôi vừa xưng là Hiệu trưởng của trường em B.H. học thì phụ huynh nói ngay: “Tôi không có tiền nên cho con nghỉ học, từ nay cháu sẽ không tới trường” và đòi tắt máy. Lúc đó tôi nói: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn đến đâu thì chị cũng nên tới trường gặp Ban giám hiệu để cùng nhau tìm hướng giải quyết. Khoản tiền nào nhà trường miễn giảm được cho em thì chúng tôi sẽ miễn giảm…”. Mặc tôi nói, phụ huynh vẫn cương quyết cho con nghỉ học và tắt máy”, thầy Thư kể lại.
Cũng trong ngày 3-10, thầy Thư đã làm báo cáo gửi các cơ quan liên quan để cùng nhau tìm giải pháp đưa em B.H. trở lại trường.
Ngoài B.H., lớp 1 còn có rất nhiều học sinh “đặc biệt”. Đó là trường hợp của em Trần Anh Th., vào lớp học là xé tập nhai và nuốt – một trong những dấu hiệu của bệnh tự kỷ. Nhà trường đã tư vấn phụ huynh nên đưa em đi khám nhưng gia đình làm ngơ. Một trường hợp khác là em Nguyễn Thiên A. bị chậm phát triển, nói năng rất ngây ngô, học kém. Rồi trường hợp của em Huỳnh Ngô Nh.Ng. cũng rất éo le. Ba có 2 vợ, em là con vợ bé (hiện mẹ em đang ở quê), em sống với ba và vợ lớn của ba. Ba chạy xe ôm nên gia đình tương đối khó khăn. Em thiếu sự quan tâm của gia đình, ngày nào đi học nếu không thiếu tập cũng thiếu bút. Trường hợp của em Nguyễn Hữu Ngh. cũng vậy, dạo này em thường xuyên nghỉ học. Nguyên nhân là do em sống với ba nhưng ba mới bị gãy tay nên không đưa em tới trường được. Vì thiếu bàn tay người mẹ mà nhiều hôm Ngh. đến trường trong bộ quần áo lem luốc, thiếu sách thiếu vở. Cũng như Ng., Ngh. học rất yếu, đến nay đã học được gần 2 tháng mà chưa biết phân biệt các dấu…
Thầy Thư tâm sự: “Ngày nào, sau giờ tan học, giáo viên cũng phải “lôi” các em ở lại để phụ đạo miễn phí. Ấy vậy mà phụ huynh còn không chịu…”.
8 năm qua. Mỗi ngày qua đi, thầy Thư cùng các giáo viên của ngôi trường “treo” này đều cố gắng “giành giật” với phụ huynh để học trò của mình được đến trường học cái chữ. Nhiều thế hệ học sinh đã ra trường, trong đó có nhiều em đang học THPT mà trước đó các em cứ ngỡ mình sẽ không còn cơ hội đến trường…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)