Hơn 30 nắm gắn với nghề, thầy Phan Văn Tánh vẫn luôn trăn trở với tương lai thế hệ trẻ
|
Nhiều thế hệ học sinh (HS) gọi thầy là vị Hiệu trưởng khó tính. Nhưng có một điều lạ là nhiều em khi vào ĐH hay ra đời làm việc, từng một thời “e dè” bởi những lời răn dạy khắt khe của thầy lại rất chăm viết thư, gọi điện thăm hỏi thầy. Thậm chí, có em HS vào quân ngũ, không thể về trường cũ đã nhờ mẹ đến cám ơn thầy trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…
1. “Sân trường đầu giờ sáng và chiều chỉ có mỗi thầy và… ông Hoàng Hoa Thám!”. Đó là cách ví von của HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.Đà Nẵng) khi nói về sự quản lý nghiêm túc, có phần khắt khe của thầy Hiệu trưởng Phan Văn Tánh. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, với gần 15 năm làm công tác quản lý ở hai ngôi trường: THPT Ngũ Hành Sơn và THPT Hoàng Hoa Thám, thầy Tánh chưa bao giờ vắng mặt ở sân trường vào đầu giờ học. Thậm chí hôm nào bận họp, thầy cũng tranh thủ… lên sân trường một lúc rồi mới an tâm quay về, đi tới chỗ họp. Thầy bảo: “Học trò đến trường chỉ để học chữ, phép tính thì không thể gọi là tới trường học. Người giáo viên (GV) bên cạnh việc truyền tri thức còn phải có trách nhiệm rèn luyện, uốn nắn để các em hình thành nhân cách tốt. Như vậy mới có thế hệ trẻ vẹn toàn cả về tài năng và lòng nhân ái”. Mỗi bài học của thầy đều xuất phát từ những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của HS. “Mỗi người GV đều có cách để dạy học trò mình trở thành những công dân tốt. Với tôi, tiếp cận, làm quen, tìm hiểu tâm tư rồi có những cách ứng xử hợp lí, hợp tình để học trò tâm phục khẩu phục, không chỉ tránh mắc sai phạm lần sau mà còn trở thành người gương mẫu trước tập thể, bạn bè và xã hội”, thầy Tánh cho biết.
2. Thầy Tánh không bao giờ to tiếng hay quát nạt ai, kể cả đồng nghiệp và HS khi có lỗi. Khi một HS nào đó vào sân trường chưa chỉnh tề trang phục, mang quà vặt vừa đi vừa ăn hay nói năng thiếu lễ phép, thầy đều gọi riêng em đó trao đổi một cách nghiêm túc. Nhiều cô cậu HS ban đầu tỏ ra rất khó chịu nhưng khi hiểu ra ý nghĩa từ câu chuyện của thầy đều cảm mến, chăm ngoan hơn.
Còn nhớ, hôm 20-11-2014, đang loay hoay với công việc, thầy nghe tiếng gõ cửa, một bà mẹ còn bận nguyên áo quần lao động, lóng ngóng ôm bó hoa tươi. Hỏi ra mới biết, con trai bà – một em HS từng nhiều lần trái tính, trái nết bị thầy Hiệu trưởng mời lên phòng trò chuyện nay đang trong quân ngũ không về được nên nhờ mẹ mua hoa đến tặng thầy. Nhớ lại, thầy Tánh xúc động nói: “Tôi rất ngỡ ngàng và hạnh phúc. Người GV, có lẽ không hạnh phúc nào bằng sự tiến bộ, trưởng thành của học trò”.
Đặc biệt, thầy luôn quan tâm đến từng hoàn cảnh HS. Bổ sung kịp thời từng cuốn sách mà các em còn thiếu để tạo điều kiện tốt hơn cho việc học. “Nắm rõ hoàn cảnh HS, tạo điều kiện cho các em có đủ sách giáo khoa bằng việc cho mượn sách trong thư viện nhà trường cũng là một cách giúp các em hiểu rõ hơn từng bài học, từng lời ghi nhớ, công thức trong sách. Như vậy các em vừa học tốt, vừa tránh được tình trạng đọc chép tồn tại trong nhà trường”, thầy Tánh chia sẻ.
Các em HS tìm hiểu Hoàng Sa, Trường Sa qua tư liệu sưu tầm của thầy Tánh |
3. Tuổi trẻ cần có ước mơ và lý tưởng. Gần trọn cuộc đời công tác trong ngành giáo dục, thầy Tánh luôn tâm niệm điều đó. Muốn có lý tưởng, trước hết phải hiểu rõ cội nguồn, quê hương, nơi mình lớn khôn. Năm 2012, thầy bắt tay vào sưu tầm tranh ảnh, bài báo, tư liệu có liên quan về biển đảo, Hoàng Sa và Trường sa. “Tôi mong muốn qua những tư liệu đó, các em HS hiểu thêm về cội nguồn, tình yêu Tổ quốc”, thầy Tánh nói. Mỗi tư liệu sưu tầm được, thầy chọn lọc, sắp xếp theo thời gian…, rồi giới thiệu cho HS, giúp các em nâng cao kiến thức lịch sử. Ngoài ra, thầy còn khuyến khích HS cùng sưu tầm để nguồn tư liệu thêm phong phú. “Sưu tầm thôi thì chưa đủ, quan trọng là qua đó các em có được những kiến thức về tư liệu mình sưu tầm được. Ví như HS sưu tầm bức ảnh về trận hải chiến trên đảo Gạc Ma thì phải biết sự kiện diễn ra thời gian nào? ở đâu? vì sao?… Đây là cách giúp các em tiếp cận, hăng say hơn với môn lịch sử”, thầy Tánh chia sẻ.
Thầy Tánh còn phát động nhiều cuộc thi như: Vẽ tranh về biển đảo; thi viết cảm nhận về biển đảo… Đặc biệt, thầy khởi xướng phong trào “Tìm địa chỉ đỏ”. Địa chỉ ấy là các di tích lịch sử, gia đình mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng… Đáng mừng nhất, sau khi trở về từ những địa chỉ đỏ ấy, nhiều em HS tình nguyện quay lại để giúp đỡ gia đình mẹ Việt Nam anh hùng neo đơn như dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, mua gạo tặng các mẹ… “Muốn có những thế hệ trẻ giàu nhiệt huyết và tình yêu Tổ quốc, không thể nói suông bằng những bài giảng lý thuyết khô khan, giáo điều sách vở. Chính những hành động thiết thực, ý nghĩa đó thể hiện tình cảm chân thành, xuất phát từ cảm nhận của trái tim các em”, thầy Tánh cho biết.
4. Ở thầy Tánh, thật khó có thể vẽ đầy đủ chân dung một con người giàu nhiệt huyết với nghề, với HS… Chỉ qua những câu chuyện đời, chuyện nghề chầm chậm trôi theo câu chuyện của thầy để chúng tôi có thể hình dung về một con người, một tấm lòng gắn bó với nghiệp đưa đò. Gần 30 năm thủy chung với nghề giáo, thầy luôn trăn trở và có một khát khao thường trực. Đó là uốn nắn các thế hệ HS thành những công dân đủ tri thức và giàu lòng nhân ái. Với thầy, giỏi về kiến thức thôi chưa đủ, muốn xây dựng quê hương giàu đẹp cần có cả cái tâm, cả tình yêu thực thụ tiềm ẩn trong mỗi trái tim. Thầy không ngừng tìm tòi, khơi dậy, đi đầu trong các hoạt động bề nổi. Khơi gợi trong mỗi thế hệ HS tinh thần tự giác, khát vọng được học cao độ. “Trẻ em là những mầm cây xanh non nớt. Chúng lớn lên mạnh khỏe, thẳng đứng hay gầy yếu, vẹo xiêu là do người uốn nắn tác động mà nên”, thầy trải lòng.
Chiều phảng phất mưa bụi. Hồi trống trường vừa dứt, sân trường ồn ã tiếng nói cười, tiếng bước chân của các HS tinh nghịch. Chúng tôi đứng lặng, nhìn dáng thầy lặng lẽ dõi theo các em. Sân trường là nơi đón bao nhiêu thế hệ HS đến rồi đi. Vẫn một đôi mắt thầy gửi gắm niềm tin, hi vọng về tương lai tươi sáng cho các em!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)