Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thay khớp gối – nên hay không?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

BS đang điều trị cho một bệnh nhân bị thoái hóa khớp. Ảnh: Quốc Vinh

Hiện nay, số lượng người bị bệnh thoái hóa khớp ngày càng tăng. Thay khớp gối sẽ giúp người bệnh vận động, đi lại bình thường. Tuy nhiên, theo lời khuyên của BS không phải ai hoặc người ở độ tuổi nào cũng có thể phẫu thuật để thay khớp gối. 
Thế nào là thoái hóa khớp?
Trong dân gian, thoái hóa khớp còn được gọi là viêm xương khớp. Theo thống kê, đây là một căn bệnh mà người cao tuổi thường hay bị mắc phải (trên 60 tuổi). Tuy nhiên, những bệnh nhân trẻ tuổi nếu chấn thương đầu gối do bị té ngã trong khi vận động, chơi thể thao như bóng chuyền, bóng đá cũng có thể bị thoái hóa khớp. Khi đã bị đau khớp gối nếu người bệnh còn vận động và đi lại nhiều thì rất dễ bị cứng khớp gối.
Trong chuyên môn ngành y, thoái hóa khớp là hiện tượng lớp sụn bọc hai đầu xương của khớp gối bị mòn, khô dẫn đến trục bị lệch làm cho khớp gối bị thay đổi cấu trúc và biến dạng. BS. Cao Bá Thưởng – Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết: “Có hai nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp: Nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát, trong đó nguyên nhân chính là do viêm khớp. Bên cạnh viêm khớp, tuổi tác, bệnh tiểu đường và cách vận động sau khi chấn thương cũng gây nên thoái hóa khớp”. Nhưng, theo lời khuyên của BS chuyên khoa, chỉ có những bệnh nhân có khớp gối bị tổn thương nặng, sụn khớp gối bị mòn hoặc bệnh lý thấp khớp phá hủy mặt khớp mà điều trị nội khoa trong một thời gian dài không có kết quả thì mới nên thay khớp gối.
Thay khớp gối nhân tạo
Thay khớp gối là loại bỏ đi khớp bị hư hỏng và thay vào đó là khớp gối mới nhân tạo. Việc thay khớp gối thành công sẽ trả lại chức năng vận động cho người bệnh trong sinh hoạt như lên xuống cầu thang, đi bộ, đi xe đạp nhẹ nhàng… Tuy nhiên, khớp gối nhân tạo không thể mang lại cho người bệnh những vận động mạnh mẽ như khớp người bình thường. Hơn nữa, theo khuyến cáo của nhiều BS trong kỹ thuật thay khớp gối vẫn có thể xảy ra các biến chứng ngoài mong muốn như hoại tử da, nhiễm khuẩn, bong khớp… Tuổi thọ của khớp gối nhân tạo cũng không dài, chỉ từ 10 đến 15 năm mà thôi. Vì vậy, nên thận trọng thay cho những người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) để hạn chế rủi ro. Tất nhiên, phải trừ các trường hợp bất khả kháng như tai nạn giao thông hoặc tổn thương quá nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Điều này có nghĩa là không phải ai cứ bị viêm khớp hay thoái hóa khớp là phải đi thay không cần biết hậu quả sẽ như thế nào. Đó là chưa nói đến tốn kém tiền bạc và thời gian nữa. Đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh huyết áp không ổn định đái tháo đường, bệnh tim mạch nặng, bệnh phổi mạn tính… thì cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định lên bàn mổ.
Trước khi thay khớp gối BS phải gây mê toàn thân hoặc gây tê tủy sống để giảm đau cho người bệnh. Sau khi rạch da, BS sẽ thấy rõ phần sụn bị hư hỏng. Bằng dụng cụ chuyên biệt, BS giải phẫu sẽ định vị và cắt bỏ phần sụn hư hỏng sau đó mới đặt khớp gối nhân tạo vào. BS. Tăng Hà Nam Anh – Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Đại học y dược TP.HCM cho biết: “Khi phẫu thuật phải để chân bệnh nhân theo trục thẳng nhằm tránh trường hợp lệch khớp gối. Nếu đặt chân cong thì khớp gối thay sẽ bị lệch và có ảnh hưởng đôi chân về sau”.  Cũng theo BS. Nam Anh, sau khi thay thì phải kiểm tra có bị trật hay không bằng cách gấp đầu gối lại để thử. Chỉ khâu vết thương là loại chỉ đặc biệt gọi là chỉ tự tiêu”.
Ngọc Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)