Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy lấy khăn bàn lau tay

Tạp Chí Giáo Dục

Hết tiết học, một học sinh chạy theo tôi, cứ tưởng em hỏi bài. Nhưng không, em hỏi: “Thầy ơi, tại sao các thầy cô sau mỗi lần cầm phấn viết bảng lại lấy khăn trải bàn lau tay?”. Giật mình với câu hỏi bất ngờ, tôi chỉ tạm chống chế: “À, chắc các thầy cô vì lý do gì đó quên mang khăn tay, theo thói quen nên lau nhầm”. Tưởng thoát nạn ai ngờ lại bị thêm một câu hỏi góp ý: “Sao nhà trường không chuẩn bị khăn tay riêng cho từng lớp học để các thầy cô lau tay vậy thầy?”. “Ừ, để thầy nêu ý kiến với ban giám hiệu, vậy em nhé!”.
Tưởng rằng chuyện nhỏ ấy thế mà không nhỏ chút nào. Nhiều giáo viên trong lúc cầm phấn viết bảng đều dính phấn vào tay, những lúc như vậy thường lấy giẻ lau bảng lau tay; tuy nhiên khi phải dừng tay lật trang sách hay “gãi ngứa” đâu đó trên cơ thể, thầy cô thường lấy khăn trải bàn lau tay. Cứ nghĩ là sạch, nhưng chắc gì đã sạch hơn giẻ lau bảng! Vì giẻ lau bảng dơ bẩn còn được học sinh mang giặt sơ qua với nước để bớt bụi phấn bám vào, nhưng khăn trải bàn xem tưởng sạch nhưng cả học kỳ may ra học sinh chỉ giặt một vài lần.
Vì lý do nào đó mà lớp không còn khăn tay để thầy cô lau hay vì điều kiện nhà trường chưa có thì mong các thầy cô chú ý thêm. Bởi giáo viên luôn dạy học sinh giữ vệ sinh trong khi thầy cô thay nhau lau cái khăn bàn dơ bẩn. Khuyên học sinh không bôi bẩn mà chính thầy cô bôi bẩn đồ dùng. Nhắc nhở các em ý thức thực hiện thói quen tốt trong khi thầy cô chưa làm gương. Những hành động được giáo viên khuyến khích học sinh như không xả rác bừa bãi, không bôi bẩn tường nhà, không hái hoa hay bẻ cành cây… Xấu hổ lắm thay khi học sinh truy vấn những điều nhỏ nhặt mà hằng ngày tôi luôn miệng nhắc nhở các em.
Lúc học sinh hỏi thầy cô những câu hỏi như thế tức là các em đã có ý thức về sự việc ấy và lẽ đương nhiên các em thấy mâu thuẫn trong lời nói hay cái gì đó không nhất quán nơi người thầy.
Nghe thắc mắc của học sinh xong, ngồi ngẫm nghĩ tôi thấy không riêng gì mình mà cũng còn nhiều giáo viên vô tình từ bao giờ xem khăn bàn là khăn tay, vô tư xem đó như đặc quyền của mình. Mong tất cả giáo viên để tâm hơn, giáo dục nhiều khi đơn giản chỉ là nói và làm nhất quán với hành động nhỏ bé.
Nguyễn Thanh

Bình luận (0)