Suốt bốn năm nay, hàng trăm học sinh nghèo Trường THPT Tam Bình (Vĩnh Long) đã được ăn cơm trưa miễn phí suốt một tháng rưỡi để dùi mài kinh sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kinh phí do trường vận động, các giáo viên luân phiên nấu bếp chuẩn bị bữa ăn cho học trò.
Những bữa cơm tiếp sức cho các em học sinh vượt qua khó khăn -Ảnh: MINH GIẢNG
|
Từ bếp ăn của trường, mô hình này đã lan rộng ra tất cả các trường THPT trên địa bàn huyện Tam Bình.
Gần hết tiết cuối, các cô giáo hối hả múc thức ăn. Các thầy thì tất bật dọn bàn, bưng thức ăn chia cho các bàn. Tiếng trống hết giờ vang lên, cả trăm học sinh khối 12 kéo về dãy hành lang với 15 bàn ăn đã được các thầy cô dọn sẵn. Các em phụ chia cơm, bưng thức ăn và rôm rả ăn ngon lành. Bữa cơm hôm nào cũng đảm bảo đủ ba món: mặn, canh và rau. Hôm nay bữa cơm có cá kho, canh ruốc và dưa leo.
Nguyễn Thái Học – lớp 12C4 – chia sẻ: “Nhà em cách trường 5km. Cha mất, mẹ đi làm thuê làm mướn ở Sài Gòn, chị gái cũng đi làm ở Sài Gòn nên chỉ mình em ở nhà. Trước đây đi học về em tự nấu cơm, bữa nào không có gì thì ăn mì tôm. Từ ngày tăng tiết buổi chiều, trường cho ăn cơm nên em khỏi phải đạp xe đi về, tranh thủ ở lại ôn bài. Cơm ở đây rất ngon, bạn bè ăn cơm như trong gia đình”.
Cả trường vào bếp!
Để có được những bữa ăn thế này, các thầy cô phải chuẩn bị từ khuya với các phần việc được phân công rõ ràng. Anh bảo vệ nấu cơm từ 4g sáng để đề phòng cúp điện. 4g30, cô Trần Thị Trinh – “bếp trưởng” – đi chợ để 7g30 các cô giáo khác bắt tay chuẩn bị bữa ăn. Vì trường chưa có nước máy nên bếp ăn có hẳn đội chở nước gồm năm thầy giáo.
Thầy Lê Thanh Liêm ở tại nhà tập thể của trường. Buổi sáng khi đi dạy, hành trang ngoài giáo án còn có hai thùng nước chở lên trường để các cô nấu ăn, chiều lại chở hai thùng không về! Lịch đăng ký nấu ăn được dán tại bảng thông báo của trường. Giáo viên rảnh ngày nào sẽ tự nguyện đăng ký nấu ăn ngày đó. Nhiều hôm tuy không đăng ký nhưng nhiều giáo viên cũng đến trường tham gia nấu ăn. Học sinh ở trường đã quá quen với hình ảnh những cô giáo áo dài thướt tha ngồi làm bếp trong giờ giải lao. Học sinh cũng không còn xa lạ với cảnh những thầy giáo nghiêm nghị nhưng nhuần nhuyễn nhặt rau, chở nước, dọn bàn ăn mỗi ngày.
Cô Huỳnh Thanh Trúc chia sẻ: “Nhìn học trò nghèo mà thương, mình chỉ bỏ ít thời gian nhưng giúp được các em rất nhiều. Lúc nấu thì cũng hơi mệt nhưng nhìn các em ăn ngon lành, ăn hết rồi đem tô lại bới cơm nữa, hết nồi cơm thì vui lắm. Niềm vui đó khiến nhiều giáo viên dù không đăng ký cũng vào phụ chuẩn bị bữa cơm cho các em tươm tất”.
Thầy Lê Thanh Liêm cười nói: “Nhà tập thể cách trường 3km nên năm thầy giáo phải thay phiên nhau đi chở nước để các cô kịp nấu. Lúc đầu có người nói giáo viên mà “tay giáo án, tay hai thùng nước” cũng hơi mắc cỡ nhưng giờ đã quen. Công sức cô thầy bỏ ra chỉ là phần nhỏ nhưng điều các em học sinh nhận được sẽ lớn hơn rất nhiều. Đó mới là điều quan trọng”.
Thầy cô chuẩn bị bữa ăn cho học sinh – Ảnh: MINH GIẢNG
|
Mong nhiều học sinh được giúp đỡ
Không chỉ giáo dục nhân cách
Một giáo viên nói rằng những bữa ăn như thế này không chỉ giáo dục nhân cách cho học sinh về lòng yêu thương, sự đùm bọc, sẻ chia mà còn khơi dậy lòng nhiệt huyết, hết mình vì học sinh thân yêu trong giáo viên. Những bữa ăn không chỉ giúp học sinh vượt qua khó khăn trước mắt mà sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp về mái trường, bạn bè và thầy cô.
Từ mô hình của Trường THPT Tam Bình, UBND huyện Tam Bình đã chỉ đạo các trường THPT khác trên địa bàn cố gắng thực hiện việc làm này. Và năm học này, toàn bộ năm trường THPT tại Tam Bình đã có bếp ăn tiếp sức mùa thi. Hàng trăm học sinh nghèo đang được tiếp sức trong tình yêu thương và đùm bọc của nhà trường và xã hội.
|
Cô hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Lạc nhớ như in: “Một buổi trưa năm học 2005-2006, tôi thấy có một em ngồi ở ghế đá nên hỏi sao không đi ăn. Em nói là ăn rồi. Khi nào? Dạ buổi sáng. Câu trả lời làm tôi nhói lòng. Lần khác, hai em mang cơm theo trong ca nhựa để ăn trưa. Chỉ có vài con cá khô và cơm trắng nhưng các em ăn ngon lành. Tìm hiểu mới biết hai em nhà xa nên phải mang cơm theo. Gia đình thuộc diện xóa đói giảm nghèo nên bữa cơm vì thế cũng chẳng có gì. Nhìn học sinh của mình mà thấy xót xa. Tôi bàn với ban giám hiệu tìm cách hỗ trợ các em và đó cũng là khởi nguồn của bếp ăn ngày hôm nay”.
Đêm ca nhạc gây quỹ của trường sau khi xây dựng nhà tình thương cho một hộ neo đơn còn dư 5 triệu đồng. Số tiền này được quyết định dùng hỗ trợ cơm trưa cho những học sinh nghèo ở xa. Trường phát phiếu ăn để trưa học sinh xuống căngtin ăn.
“Đơn xin thì nhiều nhưng trường chỉ có thể giúp được 34 em, nhìn những em khác mà ngậm ngùi” – cô Lạc cho biết. Năm học tiếp theo, trường giải quyết được cho 116 em. Năm học 2007-2008, vật giá leo thang, nếu cứ phát phiếu ăn tại căngtin, kinh phí hiện có sẽ không giải quyết được bao nhiêu em nên trường quyết định tổ chức nấu ăn. Kinh phí do giáo viên góp mỗi người một ít và vận động thêm bên ngoài. Riêng phần nấu nướng thì giáo viên chịu trách nhiệm để tiết kiệm chi phí.
Năm nào cũng vậy, trường tổ chức bếp ăn trong sáu tuần trước ngày thi tốt nghiệp THPT. Học sinh ăn xong, tự dọn dẹp chén đĩa vào một góc rồi lên lớp chuẩn bị cho giờ ôn tập buổi chiều. Lê Thúy Quyên – lớp 12A3 – chia sẻ: “Nhà xa trường nên nếu đạp xe đi về sẽ rất mệt, buổi chiều học sẽ không hiệu quả. Bữa ăn ở đây ngon và nhiều tình thương, bạn bè cũng gần gũi và gắn bó hơn. Ăn xong có thể ôn bài cho giờ học buổi chiều”.
Nhìn học trò ăn cơm ngon lành, nét mặt cô Lạc giãn ra, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt cô hiệu trưởng sắp về hưu. “Khi ăn cơm, các em vui vẻ, thân thiện và thương yêu nhau, đó là niềm vui lớn. Chỉ mong các em sau này khi thành đạt hãy quay về giúp đỡ những đàn em của mình có được những bữa ăn như thế này”. Dẫu vậy, trên mặt cô vẫn hằn lên những nỗi lo lắng khác. “HS ở đây còn khó khăn lắm. Nhìn những chiếc áo sờn vai, những bâu áo không lành lặn, thương mà không biết làm sao. Chắc chắn những trường khác cũng có những học sinh rất khó khăn. Nếu có nhiều bếp ăn như thế này, các em sẽ được tiếp sức và động viên rất nhiều để chuẩn bị cho những kỳ thi cam go sắp tới” – cô tâm sự.
MINH GIẢNG (TTO)
Bình luận (0)