Nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành sư phạm, ngày 8-10-1981, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu mỗi thầy cô giáo phải trả lời cho được các câu hỏi: “Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.
Đối với người thầy, vấn đề ứng xử trong nhà trường phải lấy việc nâng cao văn, trí, lễ, đức… cho người học làm trọng. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn học sinh viết chính tả. Ảnh: N.Trinh |
Ở đây chúng tôi xin bàn về một vế trong những lời dặn dò rất tâm huyết và có ý nghĩa đó, chính là “thầy ra thầy”, bởi đó là vế quan trọng hơn và thực sự quyết định. Bởi khi người thầy đã đúng là thầy thì dễ dàng thuyết phục, động viên để trò thể hiện vị trí của người trò. Và khi người thầy đúng là thầy thì mới có thể yêu cầu trò đúng là trò, hay ít nhất là không thể trách trò được.
Trong những tình huống sau đây, người thầy nên ứng xử thế nào cho đúng vai trò người thầy? Thầy nhìn thấy rác thì nên cúi xuống nhặt hay gọi học sinh đến nhặt hay lờ đi coi như không thấy? Thầy nghe học sinh nói xấu mình, liệu có nên kêu lại để trách phạt hay để có dịp thì nhẹ nhàng nhắc nhở hay báo với giáo viên chủ nhiệm hoặc cố tình lờ đi? Thầy nghe học sinh nói tục thì gọi em đến mắng chửi hay ôn tồn nhắc nhở, hoặc coi như không nghe đến? Có học sinh nhiều lần không thuộc bài, thầy cứ đúng “phép công” là cho điểm 0 hay cho em “nợ” và trả vào lần sau hoặc báo với giáo viên chủ nhiệm để có biện pháp chấn chỉnh? Trường có đề bảng “Xuống xe dắt bộ qua cổng”, thầy có việc gấp nên chạy ào vào sau khi gật đầu chào bác bảo vệ hay bình tĩnh xuống xe, dắt bộ như không phải có việc gấp?… Những câu chuyện có tính chất tình huống sư phạm như thế hẳn rất nhiều và cũng hẳn có nhiều lựa chọn để xử lý, tùy người và tùy trường hợp, chứ không phải có chung một đáp án.
Sự lựa chọn của người thầy trong từng tình huống có thể bộc lộ điều mà chúng ta băn khoăn là “thầy đã thực sự là thầy chưa”. Người thầy có phải là thầy đúng nghĩa hay không phải thể hiện qua việc ứng xử với chính mình, với người khác, với việc. Đối với mình, phải thể hiện (trước học sinh) những đức tính của một con người có đạo đức, như phải giữ chữ tín, đã hứa thì phải giữ lời, đồng thời phải luôn cân nhắc khi hứa; phải luôn không tự cao, tự đại, tự mãn, mà luôn học tập cầu tiến bộ, nhất là tự học – tự học không chỉ để nâng cao kiến thức mà còn để làm gương cho học sinh; luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, thấy đúng phải biết bảo vệ, thấy sai phải biết đấu tranh, nhất là với lợi ích chính đáng của học sinh; luôn tự kiểm điểm để phát huy điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân, biết chú trọng học cái hay của chính học trò… Bên cạnh đó, các đức tính nhân, trí, lễ, liêm… cũng phải được thực hiện thường xuyên, đúng mực. Các biểu hiện này không chỉ thông qua việc giảng dạy trên lớp, qua các hành vi mà còn qua trang phục, lời nói…
Với người khác, người thầy phải nghiêm mà từ, có nguyên tắc nhưng linh hoạt, gần gũi mà không xô bồ, nhân ái mà không dung túng cho sai lầm… Nghiêm là phải tỏ ra cứng rắn, chặt chẽ, chỉnh tề, không để xảy ra sai sót nhưng có sự khoan thứ, nhất là với các lỗi không cố ý, lỗi lần đầu. Có nguyên tắc là tuân theo những điều mình đã định ra nhưng có sự uyển chuyển với từng người, với từng trường hợp, tránh định kiến hoặc thiên vị. Gần gũi là thể hiện sự chan hòa, dễ thích nghi với người khác nhưng không luông tuồng, làm mất tính nghiêm hay tính nguyên tắc. Nhân ái là biết yêu thương người khác, bảo vệ những điều mình thấy đúng nhưng không bao che, dung túng với sai lầm, tránh ưu ái không hợp lý. Người khác ở đây trước hết phải học trò của mình, cho nên người thầy thể hiện là thầy thì chính là phải được học trò thừa nhận. Người khác còn là đồng nghiệp trong nhà trường, kể cả những người như lao công, giám thị, bảo vệ…
Với việc, chủ yếu là việc dạy học trên lớp, ứng xử trong nhà trường, thì phải lấy việc nâng cao văn, trí, lễ, đức… cho người học làm trọng. Do đó, trên lớp phải bảo đảm dạy những kiến thức đúng đắn, bằng thái độ, lời lẽ đúng mực; việc ra đề, kiểm tra, chấm điểm phải thực sự khách quan, công tâm, tránh việc vì ưu ái cho học sinh đến học thêm mà cho biết trước đề kiểm tra hoặc chấm điểm “nương tay”. Chú trọng trao đổi hai chiều, trong không khí cởi mở, thẳng thắn, tránh áp đặt, “đóng khung” kiến thức. Trong các ứng xử, phải giữ sự công bằng, tạo sự thuyết phục cho học sinh, tránh xử sự cảm tính, thiên kiến; trong những vấn đề có liên quan đến việc học, sinh hoạt, biểu lộ hạnh kiểm của học sinh, dù ở lớp của mình hay của đồng nghiệp thì cũng giữ thái độ đúng mực, bảo vệ cái đúng, bảo vệ học sinh…
Người thầy cần tự tạo ra cho mình một vị trí phù hợp để khẳng định người thầy của mình. Chẳng hạn, trong vấn đề kiến thức, người thầy phải luôn nắm chắc kiến thức ở lĩnh vực mình giảng dạy, hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, sai lầm; phải luôn cập nhật, bổ sung những kiến thức mới để tránh những lạc hậu, lỗi thời. Trong các vấn đề ứng xử, giao tiếp, quan hệ…, người thầy cũng phải tuân thủ những chuẩn mực, nhất là các quy tắc đạo đức của nhà giáo. Dĩ nhiên, những tiền đề để “thầy ra thầy”, còn có yêu cầu ở trường sư phạm phải tuyển chọn đầu vào thật nghiêm ngặt, quá trình đào tạo phải thực sự nghiêm túc cả “văn” lẫn “lễ”! Khi “thầy ra thầy” thì đã xác lập một vị trí, một đòi hỏi, một sự tác động/thuyết phục để “trường ra trường”, “lớp ra lớp”, “trò ra trò”. Dù người thầy chỉ là một chủ thể trong lớp, trong trường nhưng chủ thể đó mang tính chủ động rất cao, thậm chí có thể chi phối, chính vì vậy sẽ đóng vai trò gần như quyết định để hình thành các vị trí khác. Cho nên, đòi hỏi người thầy cao không phải chỉ vì để cho trường, cho lớp, cho học sinh mà còn cho chính bản thân người thầy!
Trúc Giang
Bình luận (0)