Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thầy ra thầy – trò ra trò

Tạp Chí Giáo Dục

Bàn thêm về các trường sư phạm cần “mô phạm” hơn về tác phong trong đó có việc giáo sinh mặc đồng phục, riêng nữ đừng quên chiếc áo dài.

Hầu hết các bạn cà phê 246 đều tán thành việc đồng phục, ít nhất là ngày thứ hai chào cờ trong tuần. Tuy nhiên vài ông bạn không đồng ý, anh Tư gốc là doanh nhân to giọng:

– Mấy ông “cổ lỗ sĩ” quá, thời buổi hội nhập toàn cầu mà còn đòi đồng phục; thấy ông chủ facebook không, áo thun quần jeans ngày này qua ngày nọ đi khắp thế giới, có đồng phục đâu mà cả tỷ người mến mộ?! Trường học chứ có phải “tu viện” đâu mà đòi hỏi đồng phục nghiêm chỉnh!

– Lớp học ở Mỹ tui coi trên ti vi, ông Năm tiếp lời, thấy sao “lộn xộn”, bàn ghế có xếp hàng ngay thẳng như ở mình đâu, thầy giáo muốn mặc gì mặc, thậm chí thầy cô ngồi lẫn với học trò, trông có vẻ thân thiện lắm, không biết tụi nhỏ có học được không?!

– Ừ thì người ta tổ chức lớp theo kiểu mới VNEN đó, bàn ghế có khi xếp theo nhóm, theo tổ, ngang dọc tùy mấy em, thích và tiện cho việc trao đổi là được, lớp tự quản mà; thấy xã hội của họ phát triển thì chắc bọn trẻ học tốt chứ – anh Ba nhà giáo ra vẻ hiểu biết nói – bây giờ thành phố có điều kiện tiếp cận giáo dục thế giới nên có nhiều đổi mới lắm mấy ông ơi!

– Ông Năm tiếp, ngành giáo dục cũng đã tổ chức nhiều chuyến đi tham quan đây đó học tập nhiều chuyện hay về vận dụng, học trò nhờ, phụ huynh nhờ, đất nước phát triển, nhưng cũng nên nghiên cứu cẩn thận rồi hẵng làm cho nó chắc, cho nó tới nơi tới chốn!

Ông Tám nhà giáo tìm cách “hạ nhiệt” mấy ông bạn “Nói gì thì nói nhưng ở đâu thì cũng phải coi trọng và thực hiện tốt phương châm Thầy ra thầy – Trò ra trò. Thầy phải có kiến thức vững chãi, phương pháp sư phạm nhuần nhuyễn và đặc biệt là phải rèn luyện nhân cách tốt; còn trò là phải năng động, sáng tạo và làm chủ quá trình học hỏi của mình, không thụ động, ỷ lại và lệ thuộc bằng cấp; làm sao để trường ra trường, lớp ra lớp; hình thức và nội dung giáo dục cũng không xa rời nhau. Trường sư phạm là cỗ “máy cái” của ngành cần phải đi tiên phong trong vấn đề này là phụ huynh và xã hội an tâm hen các anh!”.

Tám Sài Gòn

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)