Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thay sách – nỗi nhọc nhằn của giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên không đồng tình khi Bộ GD-ĐT không mời các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp có năng lực, có kinh nghiệm giảng dạy tham gia soạn sách. Ảnh: T.L
Tôi tâm đắc khi đọc bài “70.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình – sách giáo khoa: Cách làm ngược và tư duy cũ kỹ” của tác giả Nghiêm Huê trao đổi với giáo sư Hoàng Tụy, đăng trên Báo Giáo Dục TP.HCM ngày 13-6-2011.
Thực tế, những lần thay sách vừa qua của ngành giáo dục là những lần chúng tôi (giáo viên) phải nhọc nhằn cực khổ mọi điều. Chẳng hạn như đợt thay sách giáo khoa chương trình tiểu học 2000 mà các trường tiểu học hiện nay đang dạy. Đầu tiên là dạy thí điểm, các trường dạy thí điểm phải đi tập huấn một thời gian; rồi sau đó vừa dạy vừa điều chỉnh phương pháp cho phù hợp yêu cầu và hội họp liên tục để rút kinh nghiệm, góp ý kiến cho chương trình. Thế nhưng, những ý kiến của giáo viên trực tiếp giảng dạy gần như không được lưu ý tới. Cụ thể là bản thân tôi, trong một đợt tập huấn chương trình thí điểm môn đạo đức lớp 5, do chính người soạn sách triển khai. Khi được phân công dạy minh họa, qua nghiên cứu bài dạy, tôi đã gặp người tập huấn nêu ý kiến của mình là ghi nhớ của bài chưa nêu được ý trọng tâm của bài dạy mà nên lấy chốt ý của hoạt động hai làm ghi nhớ (chốt ý này trong sách giáo viên cũng do người soạn sách viết), người tập huấn đã đồng ý và còn nói khi in sách chính thức sẽ điều chỉnh, tôi đã dạy như trao đổi với cô. Tuy nhiên sau đó, từ lúc dạy thí điểm cho đến khi triển khai dạy đại trà trên cả nước vẫn không hề thay đổi.
Đến khi triển khai chương trình chính thức, giáo viên phải đi tập huấn cả ngày suốt gần một tháng. Điều đáng nói, là khi bắt đầu tập huấn, người triển khai bảo giáo viên “…chỉ góp ý về phương pháp, kỹ thuật đứng lớp để chuyển tải bài học đến học sinh một cách tốt nhất. Không góp ý về nội dung vì sách đã in…”. Như vậy, giáo viên chỉ có việc dạy và dạy theo nội dung sách biên soạn, mặc dù biết rằng có nhiều nội dung quá khó hiểu với học sinh tiểu học, chưa phù hợp và lạc hậu với thực tế… Sau đó, chúng tôi thực hiện chương trình mới; vừa dạy vừa lên tiết để thanh tra viên dự, ban giám hiệu dự, đồng nghiệp dự… Rồi còn phải họp tổ chuyên môn thường xuyên để rút kinh nghiệm, góp ý… làm báo cáo gửi về cấp trên. Chúng tôi còn phải làm đồ dùng dạy học mới cho phù hợp với bài dạy, do đồ dùng cung cấp chưa đầy đủ hoặc không thích hợp. Những nhọc nhằn ấy có ai thấu hiểu!
Tôi thiết nghĩ, tại sao khi Bộ GD-ĐT soạn sách không mời các giáo viên đang trực tiếp đứng lớp có năng lực, có kinh nghiệm giảng dạy cùng tham gia? Tại sao những góp ý của giáo viên về nội dung sách không được quan tâm? Với nội dung giảng dạy mà người giáo viên còn băn khoăn, thắc mắc thì thử hỏi làm sao có thể chuyển tải tốt đến học sinh. Tôi rất cám ơn giáo sư Hoàng Tụy khi ông đã nói thay giáo viên: “Với 70.000 tỷ đồng để đổi mới chương trình – sách giáo khoa, tôi nghĩ rằng chỉ cần một phần nhỏ trong số đó chi ra để đảm bảo đời sống cho giáo viên sống đàng hoàng, để yêu cầu họ phải tận tâm thực sự với nghề thì tôi nghĩ chất lượng giáo dục cũng sẽ lên…” và “…Với chính sách đối với thầy giáo như của ta mà giáo dục còn được như thế này thì đó thật sự là kì công”.
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)