Một gia đình sẽ giữ được hạnh phúc nếu các thành viên trong tổ ấm biết giúp đỡ, động viên nhau cùng tiến bộ để vượt qua mọi thử thách. Ngược lại, nếu chỉ biết nhìn vào những mặt yếu của người thân với một thái độ phân bì, so sánh thì những kết quả thu hoạch được nhiều khi lại trái ngược với mọi điều mong muốn.
Chuyên gia tâm lý Trần Đăng Thảo – Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật TP.HCM cho rằng, so sánh trong cuộc sống là bản tính từ trước tới nay của con người không ngoài mục đích hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn để phấn đấu.
Phản tác dụng nếu so sánh theo hướng tiêu cực
Đó là lý do mà nhiều bậc cha mẹ thường có mong muốn con có nhiều bạn tốt vì họ quan niệm: “Muốn chơi chọn bạn mà chơi”. Lúc này, những người bạn tốt trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Suy nghĩ, thái độ và hành vi của những người bạn tốt luôn có ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành phẩm chất và nhân cách cho con trẻ. Thực tế cho thấy hiện nay, nhiều phụ huynh mang nặng tâm lý lúc nào cũng muốn con mình hơn con người ta về mọi mặt nên chỉ cần “thua em kém chị” một chút là tỏ ra thất vọng. Lúc đó cha mẹ thường lấy hình ảnh của bạn bè con mình để đưa ra so sánh theo kiểu: “Con không bằng bạn A”, “Mày tệ hơn thằng B”… Chính điều này vô tình làm cho con tổn thương do bị người lớn đánh giá thấp. Thạc sĩ Thảo cho biết, không chỉ hiện tại mà cả sau này, khi lớn lên đứa trẻ sẽ tự ti, mặc cảm với chính bản thân mình. Ý chí phấn đấu bị sụt giảm do thiếu tự tin. Trong hôn nhân, người vợ so sánh chồng mình với chồng người khác với một thái độ coi thường cũng đem lại những mâu thuẫn không đáng có trong hạnh phúc gia đình. Bị xúc phạm, lòng tự ái trỗi dậy làm cho người chồng không kiềm chế được những hành vi chuẩn mực dễ làm rạn mứt mối hòa khí trong gia đình.
Nếu người mẹ biết an ủi con sau một thất bại nào đó thì con sẽ có thêm nghị lực để đứng dậy đi tiếp. Ảnh: I.T |
Rất cần những lời động viên
Thạc sĩ Thảo khuyên: “Có trường hợp cần so sánh nhưng cũng không nên lạm dụng sự so sánh trong cuộc sống. Tốt nhất là mọi người phải biết động viên lẫn nhau”. Nếu người mẹ biết an ủi con sau một thất bại nào đó thì con sẽ có thêm nghị lực để đứng dậy đi tiếp. Đó cũng là cơ hội để những năng khiếu khác được phát triển tốt. Đối với vợ chồng, nếu chỉ nhìn thấy nhược điểm của người bạn đời thì rất khó tha thứ cho nhau. Bởi vì trong cuộc sống ai cũng có thể mắc khuyết điểm, sai lầm dù ít hay nhiều. Lúc nào cũng phân bì, so sánh theo kiểu “anh không bằng chồng người ta”, “con sao học dở hơn mấy đứa bạn chung lớp”… thì dễ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình. Với người thân trong gia đình hãy bằng lòng với những gì đang có trong hiện tại, đôi lúc phải biết tha thứ cho nhau. Thạc sĩ Thảo cho biết, tốt nhất vợ chồng nên bàn thảo với nhau để tìm hướng giải quyết thích hợp nhất. Tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” cũng không giải quyết được gì bởi vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Con bạn có thể yếu về mặt này nhưng so với đứa trẻ khác lại có những ưu điểm nổi trội hơn. Khi cha mẹ “khám phá” được điều này thì sẽ có lời “thôi thúc” thích hợp. Khi so sánh là có hàm ý không hài lòng với người được đưa ra để so sánh nên dễ bị mất lòng. Vì thế nếu “bất đắc dĩ” cần sự so sánh thì cũng phải thật khéo léo có nghệ thuật. Đó chính là cách động viên tốt nhất để người thân (vợ, chồng, con, cháu) nhanh chóng tiến bộ.
Phan Quang
Bình luận (0)