Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thầy Tây trò Ta & thầy Ta trò Tây

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng có nhiều giáo viên từ Âu – Mỹ đến giảng dạy ở Việt Nam, và ngược lại, giáo viên Việt Nam sang giảng dạy ở trời Tây.
Nhiều người thầy nước ngoài hạnh phúc khi biết Việt Nam có một ngày dành riêng cho nhà giáo. Còn người thầy Việt du giảng xa xứ lại có được sự tôn trọng tinh tế từ sinh viên nước ngoài.
Thầy Chis trao đổi với sinh viên trường BUV
Thầy Chis trao đổi với sinh viên trường BUV.
Khách đi qua đường Bà Triệu- Hà Nội, ngay vỉa hè nơi nhà để xe của Đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam- BUV) thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một ông Tây cao lớn tóc bạc trắng ngồi uống trà đá. Sinh viên đi ngang qua ông Tây đều kính cẩn “Hello teacher” (Chào thầy).
Đó là thầy Christopher Jeffery đến từ Vương quốc Anh mà mọi người vẫn quen gọi là Chris: “Ngồi ở đó, sinh viên qua thấy tôi họ sẽ có cảm giác gần gũi hơn với giáo viên nước ngoài”.
Mới gặp lần đầu, cứ ngỡ ông thầy lịch lãm đến từ xứ sở sương mù có vẻ xa cách và lạnh lùng “phớt ăng lê”. Càng trò chuyện càng thấy không phải vậy. Thầy cởi cà vạt gấp lại cầm ở tay, ngồi thoải mái trên ghế, mỉm cười nói với tôi: “Ở Anh, tôi đi dạy đã 18 năm.
Nhưng khi đang nhận được lời mời của BUV sang Việt Nam để làm giám đốc Học vụ, tôi không mất quá 10 phút để quyết định. Khi tôi từ chức và rời London tới Hà Nội, bạn bè bảo tôi bị điên. Nhưng tôi biết Việt Nam là mảnh đất của những cơ hội. Rồi sau đó một năm, bạn bè bảo tôi là người may mắn nhất thế giới”.
Chỉ một năm ở VN, thầy Chris đã cùng các cộng sự gây dựng nên trường Đại học Anh quốc nề nếp, phong cách dạy và học chuyên nghiệp. Mặc dù quy trình tuyển dụng rất nghiệm ngặt, nhưng sinh viên Việt Nam theo học ngày một đông để tiếp cận chất lượng giáo dục kiểu Anh.
Song điều khiến Chris bất ngờ, cảm động lại đến từ ngày 20-11. Ngày nhà giáo Việt Nam hôm ấy, thầy được sinh viên tặng rất nhiều hoa và những lời chúc mừng. Ông thầy người Anh vốn giỏi tiết chế cảm xúc mà mắt cũng rưng rưng. “18 năm dạy học ở Anh, tôi chưa từng nhận được hoa chúc mừng như thế này.Tôi chưa được nhận sự trân trọng nghề giáo ở bất cứ nơi nào trên thế giới như ở Việt Nam”.
Sinh viên Việt Nam cũng khiến thầy Chris bất ngờ bởi sự thông minh và lúc nào cũng tràn đđầy năng lượng. Những ngày đầu lên lớp, sinh viên thường rụt rè, thậm chí tránh gặp thầy. Nhưng bằng kinh nghiệm của mình, thầy Chris đã khiến các em mạnh dạn đặt ra những câu hỏi nếu chưa hiểu vấn đề.
Chỉ hai tuần sau, sinh viên bắt đầu “quay” thầy bằng nhiều câu hỏi khó. Những câu hỏi ấy làm cả thầy và trò đều hứng khởi, giờ học trở nên sôi nổi hơn rất nhiều. Thầy Chris mang đến phong cách giáo dục Anh: học đồng thời phải nghiên cứu, đọc sách, phân tích vấn đề và báo cáo cho giáo viên.
Giáo sư Lennon và sinh viên lớp Visk trong ngày giảng đường mất điện.
Giáo sư Lennon và sinh viên lớp Visk trong ngày giảng đường mất điện..
Những sinh viên vốn quen cách học “thầy đọc trò ghi” thời gian đầu đã bị “sốc”. Nhưng thầy Chris thuyết phục: “Yếu tố quan trọng nhất trong việc học không phải là thời gian thầy lên lớp mà là kỹ năng. Thầy dạy cho các em kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá, thuyết trình vấn đề.
Nếu các em không có những kỹ năng đó thì dù có thông minh nhất thế giới cũng không ai biết”.
Phong cách học ấy đã thấm vào sinh viên từ lúc nào không hay và những bài kiểm tra của họ gửi sang London chấm thường được đánh giá rất cao.
Một ngày mới của Chris bắt đầu lúc 5 giờ sáng bằng mấy vòng chạy bộ bên Hồ Gươm. Thầy yêu khung cảnh bảng lảng sương khói và tiếng chuông từ nhà thờ Lớn vọng tới. Sau đó, Chris sẽ có một lịch làm việc dày đặc: nói chuyện trước học sinh một trường phổ thông nào đó ở Hà Nội, lên lớp dạy một vài tiết, chấm bài, nói chuyện với sinh viên. Cuối ngày, Chris thường mệt lử, nhưng luôn mỉm cười. Thầy mê bia hơi Hà Nội, phở và nem rán. Nhưng thầy ít “dám” ăn phở, vì mình quá cao, đưa thìa lên miệng thì nhiều bánh phở đã rơi “dọc đường”.
Gần đến ngày 20-11, thầy Chris có cảm giác hồi hộp. Chris tâm sự rằng mình hơi “e lệ” khi đứng giữa rất đông sinh viên, nhận hoa và lời chúc mừng. Nhưng tình cảm của những sinh viên người Việt khiến ông thầy người Anh này đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình và đã quyết gắn bó lâu dài ở đây.
Giáo sư người Mỹ được tặng hoa trong ngày 20-10
Tôi đến lớp Visk 2001 chuyên ngành quản lý-khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đúng vào lúc mất điện. Đã biết trước lịch cắt điện nhưng giáo sư Lynn Lannon- Đại học Keuka ở New York – Hoa Kỳ và các sinh viên vẫn lên lớp. Trên bảng, mấy sinh viên đang nắn nót viết dòng chữ “Happy teacher day” bằng phấn trắng.
Giáo sư Lannon cảm kích khi đọc những dòng chữ ấy. Mấy chục năm đi dạy ở nhiều nước trên thế giới, bà chưa bao giờ biết có một “Teacher day”. Cách đây mấy tuần, vào ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, bà được sinh viên tặng hoa.
“Yếu tố quan trọng nhất trong việc học không phải là thời gian thầy lên lớp mà là kỹ năng. Tôi dạy cho các em kỹ năng nghiên cứu, tìm hiểu và khám phá, thuyết trình vấn đề. Nếu các em không có những kỹ năng đó thì dù có thông minh nhất thế giới cũng không ai biết” – Thầy Christopher Jeffery.

Sinh viên nói với bà: “Cô yêu Việt Nam, giảng dạy ở Việt Nam thì cũng là phụ nữ Việt Nam”. Năm 2005, bà du lịch Việt Nam. Rồi sau đó, đang dạy ở Côn Minh-Trung Quốc, bà chuyển tới khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội theo một chương trình liên kết giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Bà dạy quản trị kinh doanh, kỹ năng lãnh đạo, marketing và các sinh viên lập tức được “nếm mùi” những môn học này theo kiểu Mỹ.
Lê Mai Anh, lớp trưởng lớp Visk chia sẻ: “Giáo sư Lennon có cách dạy rất sinh động và giàu tính thực tế. Giáo sư đặt cho chúng em đề tài “Hãy làm một dự án để tạo ra sự thay đổi tích cực ở trường học của mình”. Đề tài rất khó vì sự thay đổi này phải diễn ra trong thực tế chứ không phải “vẽ” ra trên giấy”.
Cuối cùng thì nhóm của Mai Anh cũng đã chọn dự án “Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy trong trường học”. Poster cảnh báo hiểm họa cháy nổ được dựng lên, những cuộc hội thảo kỹ năng phòng cháy chữa cháy được tổ chức.
Những nhóm còn lại chọn các dự án như làm sao để nâng cao hiệu quả của phòng y tế và căng tin nhà trường. Tất cả đều được giáo sư Lennon “soi” rất kỹ về tính khả thi và tư vấn cách thực hiện. Nhờ những dự án ấy mà khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia được hưởng lợi và sinh viên thì nhận ra cách học chay xa rời cuộc sống mới “nguy hiểm” làm sao.
Trước đây, khi vào khoa Quốc tế ở làng sinh viên tôi thấy xe đạp xe máy để rất bừa bãi lộn xộn. Nhưng hôm nay, đã thấy có cổng với barie và bảo vệ giữ xe bằng máy điện tử. Đó cũng là một trong những dự án của giáo sư Lennon và các học trò.
Theo Phùng Nguyễn
(TP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)