Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

THẦY TÔI

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm đầu thập niên 80, Bình Chánh nghèo lắm, đến nỗi đi học, đối với nhiều bạn là một nhu cầu xa xỉ. Bát cơm chưa lành nên nhiều bạn phải gãy ngang, ra đời bươn trải. Trường nghèo, vỏn vẹn chỉ chừng 20 lớp học, bàn ghế chỏng chơ. Cách trung tâm thành phố không xa, nhưng đi lại là cả một trở ngại. Phương tiện phổ biến bấy giờ là những chiếc xe đò xập xệ, đu đeo ngột ngạt. Nhiều thầy cô chọn lấy cách “sáng đạp xe 20 cây số” để đến với học sinh. Và chúng tôi, những đứa may mắn được cắp sách đến trường, luôn trân quý những người thầy, người cô gian nan cõng chữ.


Thầy tôi (bìa trái) trong một chuyến tham quan tại đất nước Chùa tháp

Thầy phụ trách môn văn và gây ấn tượng cho lớp tôi ngay từ buổi học đầu tiên bằng chất giọng miền Trung ấm áp. Ánh mắt thầy chìm nổi theo mỗi nhịp văn thơ, xót xa cho thân phận của các nhân vật, hoặc bừng lên niềm vui khôn tả của văn thơ thời kỳ đổi mới. Tôi hiểu thầy tôi đã đặt hết tâm huyết vào từng câu từng chữ. Học với thầy, tôi cảm giác được từng sợi tơ tằm nhả ra trong khoảnh khắc thăng hoa. Văn chương vốn ít nhiều lãng mạn, qua thầy lại một lần nữa thành nhạc, thành thơ! Giữa thời củi quế, gạo châu, tôi cảm nhận niềm vui của thầy khi chọn lấy nghề thanh sạch. Ôm cây đàn đệm cho cái giọng hát quê mùa, chân chất của học trò, thầy đã hòa đồng vào chúng tôi, cảm thông nhiều hơn, hiểu nhiều hơn hoàn cảnh của từng đứa một. Để rồi từ đó, thầy đã mạnh dạn đề đạt với nhà trường cùng hội phụ huynh học sinh thực hiện những hoạt động ý nghĩa, tích cực hỗ trợ cho những hoàn cảnh học sinh khó khăn, giúp cho nhiều bạn tiếp tục đến trường. Có khi thầy còn phải tự mình đi liên hệ và vận động các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội tài  trợ cho trường các quỹ khuyến học, quỹ chung tay.

Tôi không có cơ duyên học nhiều với thầy, chỉ chừng mươi tiết học, nhưng tôi thật ngưỡng mộ thầy về kiến thức và hơn nữa là tấm lòng thầy dành cho mảnh đất “nắng bụi, mưa bùn”, thầy viết:

“…Thương cho cây lúa một lần trổ bông

Nơi tôi đến một chiều đông

Đất trời lành lạnh mà lòng bâng khuâng…

… Bình Chánh ơi, Bình Chánh ơi

Quê hương mảnh đất con người tôi yêu…”

Càng về sau tôi càng hiểu hơn, thấm thía hơn cái “bâng khuâng” của thầy nơi mảnh đất mồ hôi oằn ngọn lúa, và những “cây lúa” ấy đã trở mình đơm hạt, ánh lên những tia hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn nhờ vào một phần sự vun đắp của thầy.

Năm 2006, tôi gặp thầy trong sảnh của Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng khi đến thực hiện hợp đồng quảng cáo cho công ty tôi đang làm việc. Thầy nhận ra tôi ngay, gọi chính xác tên đứa học trò xa xửa xa xưa. Vẫn tính giản dị thường khi, thầy làm việc trong căn phòng nhỏ, vỏn vẹn một bàn bureau nhỏ, chật kín hồ sơ, tài liệu, một kệ sách ngăn nắp, bên trên trang trí lọ hoa bằng giấy có mấy con chuồn chuồn gỗ dập dềnh theo cánh quạt quay. Thầy đưa tôi quyển “Dấu ấn 30 năm” với 69 tác phẩm đoạt giải báo chí trong thời gian từ 1975 đến 2005. Và thầy có tên trong đó cùng với 3 tác phẩm đoạt giải khuyến khích Giải Báo chí Hội Nhà Báo TPHCM các năm 1986, 1995 và 1998 với bút danh Kiều Phan. Lần gặp lại đầu tiên đó, thầy không quên dặn dò tôi nếu có thông tin gì về các hoàn cảnh học sinh khó khăn hãy báo cho thầy biết để thầy tìm cách hỗ trợ trong khả năng có thể.

Có đọc các bài viết của thầy mới hiểu được cái tình thầy đối với nghề, với học trò, đồng nghiệp. Có đọc các bài viết của thầy mới hiểu dù rời bục giảng thầy vẫn nặng lòng với con đường thầy từng chọn và gắn bó gần suốt 10 năm. Từng câu, từng chữ thấm đẫm chất nhân sinh, nơi đó, thầy trăn trở về mỗi ngóc ngách của nền giáo dục. Thầy không ngần ngại chạm thẳng vào thực trạng thi cử để rồi băn khoăn “Làm sao tránh được vết xe đổ?”, nói về những căn bệnh hình thức tưởng chừng vô hại mà hệ lụy khó lường “Bằng tú tài – mới chỉ là cái tên”. Thầy còn hòa mình vào những mảnh đời không may mắn khi thấu hiểu “Nỗi lo của những thí sinh nghèo”. Đối với đồng nghiệp, nhất là những thầy cô dạy các trường ngoại thành, thầy đã sống cùng họ, thông cảm với “Những người gieo chữ giữa vùng sâu”, đau cái đau của họ như chính mình trong cùng cảnh ngộ, để rồi đưa ra các giải pháp thiết thực để ổn định đội ngũ giáo viên vùng sâu, vùng xa. Đọc “Trước cổng trường”, tôi nhận ra được cái nhìn rất bao quát, rất khoan dung nhưng cũng rất kiên quyết đối với những vấn đề xã hội đang từng ngày làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm hồn của học sinh, đấu tranh thẳng thắn với các quan niệm kim tiền trong môi trường giáo dục.

Vừa là phóng viên, vừa là biên tập viên, công việc bộn bề nhưng thầy luôn sắp xếp tham gia gần như thường xuyên trong các chương trình thiện nguyện, phối hợp với các bác sĩ nha khoa khám chữa răng miễn phí cho trẻ em Nhà Bè, Cần Giờ…, phối hợp với các tổ chức xã hội tặng quà và động viên người già neo đơn. Ngoài ra thầy còn phối hợp với các quân khu đi thăm chiến sĩ Trường Sa trong những thời điểm nhạy cảm nhất, để rồi có những trang phóng sự rất sâu sắc về những người đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất trên biển đảo quê hương…

Là một người đa cảm, dễ mủi lòng, nhưng thầy chưa hề dễ dãi, nhất là đối với bản thân. Với gia đình thầy là một người cha, người chồng gương mẫu và trụ cột, có phần nghiêm khắc. Với đồng nghiệp thầy luôn sẻ chia, thấu hiểu và trân trọng. Với học trò thầy là người anh, người bạn có thể cảm thông, hòa đồng nhưng luôn chuẩn mực. Năm 2019 tôi có dịp đi du lịch đất Chùa Tháp cùng thầy, qua chuyến đi, tôi cảm nhận càng nhiều hơn tính bao quát, quan tâm của thầy đối với những người bạn chung đoàn, ân cần và chu đáo, nhắc nhở chúng tôi cẩn thận từ bước chân khi leo lên các bậc đá đền Angkor Wat, nhắc nhở chúng tôi đến cả cái nón, cái áo chống nắng.

Mặc dù tính chất công việc khá phức tạp, đòi hỏi chuyên môn và bản lĩnh, cộng với những thăng trầm của cuộc sống phủ trùm lên ánh mắt, mái đầu, tôi chưa bao giờ tìm thấy ở thầy một chút nào phiền muộn. Ngay cả khi lâm bệnh trọng, thầy vẫn duy trì tối đa các sinh hoạt thể lực và tinh thần mỗi bữa. Cho đến hôm nay, đến thăm thầy, tôi xót xa khi nhìn thấy cơ thể thầy suy kiệt, lại vừa phải đối chọi với những cơn đau thấu tận tủy xương. Ấy vậy mà thầy tôi vẫn giữ được ánh mắt, nụ cười đón nhận mọi hoàn cảnh. Nhưng Thầy ơi! Hôm nay mây trắng đã bay về trời…

Thanh Nguyệt – 03/4/2023

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)