Đến xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên hỏi thăm về thầy giáo Lê Văn Tùng không ai là không biết.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thường xuyên xảy ra bão lũ, thầy Tùng đã theo học chuyên ngành Giáo dục thể chất ở Đại học Vinh. Sau đó, thầy về quê nhà phụ trách công tác đoàn, đội tại trường THCS Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).
Không chỉ là tổng phụ trách đội có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình hoạt động Đội tại cơ sở trong nhiều năm liền, thầy Tùng còn vinh dự là một trong 10 tổng phụ trách Đội tiêu biểu nhất cả nước năm 2011, nhận giải thưởng “Cánh én hồng” do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức với hai mô hình được đánh giá cao là “Lớp học trên sông” và “Nhóm học tập theo tổ liên gia”. “Lớp học trên sông” dạy bơi miễn phí cho hơn 2.000 em vùng thường xuyên xảy ra mưa lũ.
Những việc làm của thầy Tùng không phải vì thành tích, vì trách nhiệm của một tổng phụ trách Đội mà xuất phát từ lương tâm của một người thầy giàu lòng nhân ái, nhân văn. Thầy Tùng như một người lái đò lặng lẽ, cần mẫn hàng ngày dạy bơi cho các em học sinh với mong muốn duy nhất là ngày càng nhiều học sinh biết bơi để không em nào còn bị chết đuối nữa.
Còn nhớ, một ngày nắng hạ đầu năm 2005, trên đường đi dạy về, nghe tiếng trẻ con kêu cứu thảm thương dưới dòng sông Rác, thầy Tùng đã vứt xe, lao nhanh xuống dòng nước lớn cứu hai em nhỏ lên bờ an toàn. Hóa ra đó là hai cậu học trò- Hoàng Văn Hải và Lê Quốc Minh- do thầy làm chủ nhiệm. Trên đường đi học về, các em đã xuống sông tắm mát nhưng do không biết bơi nên đã sảy chân trượt vào vũng nước sâu. “Đêm ấy, tôi trằn trọc không ngủ được, nghĩ phải làm một việc gì đó", thầy Tùng chia sẻ.
Nghĩ là làm, ngay ngày hôm sau, thầy Tùng vạch ra kế hoạch dạy bơi cho các em trong xã. Ban đầu chỉ là một nhóm học sinh do thầy Tùng kèm cặp dạy bơi, dần dần hình thành nên lớp học bơi miễn phí. Lớp học sơ khai được thành hình cạnh chân cầu Trung Lĩnh (địa điểm hiện nay) vào dịp hè 2005 và nhận nhiều lời đàm tiếu của người dân. Buồn nhưng thầy thầm nghĩ, “chắc là do người ta chưa nhận thức đầy đủ, rồi mình sẽ làm cho họ hiểu”. Với suy nghĩ đó, thầy lại vui vẻ và tiếp tục sự nghiệp “hoạt động tình nguyện” giàu tính nhân văn của mình.
Đến nay, lớp học bơi của thầy Tùng mỗi năm đón từ 200 đến 400 học sinh tham gia. Riêng hè 2011, có khoảng 200 học sinh, bao gồm cả nam lẫn nữ. Học viên hầu hết thuộc các xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung, Cẩm Lộc; nằm trong độ tuổi tiểu học đến trung học, có cả một số đoàn viên-thanh niên địa phương. "Chỉ cần các em chưa biết bơi, ham học và mong biết bơi giỏi là tôi sẵn sàng cho tham gia và không lấy bất kỳ một đồng học phí nào", thầy Tùng cho biết.
Thầy còn đi vận động phụ huynh, động viên các em nhỏ học bơi cũng như tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu soạn giáo án riêng cho từng lứa tuổi, nhóm học viên khác nhau. Do trang thiết bị hỗ trợ cho việc học bơi còn nhiều thiếu thốn, ngoài số phao bơi được một số tổ chức tài trợ đã gần hỏng thì hàng năm, thầy Tùng còn phải tự bỏ tiền túi mua bổ sung dụng cụ phục vụ cho nhu cầu học bơi ngày càng đông. Học viên không chỉ được trang bị các kỹ thuật bơi thông thường mà còn được hướng dẫn các phương pháp cứu đuối và lánh nạn cơ bản khi gặp các tình huống nước chảy xiết. Điều đáng ghi nhận nữa là, từ khi có hoạt động này, tại địa phương không còn tình trạng trẻ em đuối nước diễn ra như trước đây.
“Có công mài sắt”… Giờ đây, lớp học bơi của thầy đã trở thành một địa chỉ gửi gắm niềm tin của người dân. Hộ nào có con trong độ tuổi đều tự nguyện đăng ký gửi con cho thầy dạy bơi trong mỗi kỳ nghỉ hè. Riêng lễ khai giảng trong mùa hè vừa rồi, lớp học đã nhận được sự quan tâm của ngành lao động, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là phụ huynh học sinh với niềm tin sâu sắc và sự tôn trọng. Chị Phan Thị Hồng, ở xóm 1, xã Cẩm Trung, một người dân cho thầy mượn bạt và loa máy miễn phí phục vụ lễ khai giảng cho biết: “Thầy Tùng bỏ công từ hè này sang hè khác chỉ mong cho mấy đứa trẻ biết bơi để phòng tránh đuối nước. Chúng tôi chỉ giúp đỡ thầy vài việc vặt thì có đáng gì. Mà đâu phải là giúp thầy, giúp cho con em mình đấy chứ. Ở đây, sông nước nguy hiểm nên trẻ em cần phải biết bơi. Con nhà tôi chưa đến tuổi để được đón nhận nhưng sau này chắc chắn tôi sẽ cho nó theo học!”.
Nếu có dịp gặp thầy Tùng, bạn sẽ không khỏi bị cuốn hút bởi sự trẻ trung, yêu đời, luôn vui vẻ, đầy nhiệt huyết của “người lái đò” 34 tuổi này. Phải chăng, những người luôn sống vì hạnh phúc của mọi người như thế sẽ mãi giữ được vẻ tươi sắc của tuổi thanh xuân bởi “xuân không chỉ của đất trời mà còn là xuân của lòng người”?
Theo Thúy Hằng
(QĐND Online)
Bình luận (0)