Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thầy trò cùng… đổi gió

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 3 năm thực hiện, chương trình Dạy học bằng giáo án điện tử cùng lớp học ngoài trời của Trường Tiểu học Hanh Thông(Gò Vấp, TP.HCM) tỏ ra hiệu quả khi nhiều học sinh hứng khởi đến trường.
Hứng thú với chiếc màn hình LCD 
Như đã thành thói quen, cứ đến giờ học có sử dụng máy vi tính, các học sinh chạy thật nhanh đến chỗ ngồi. Một đoạn nhạc được cất lên. Chỉ trong vòng 2 phút, bàn ghế đã xếp thành từng nhóm nhỏ. Nhạc vừa dứt cũng là lúc học sinh ngồi ngay ngắn háo hức chờ đợi những gì được chiếu trên màn hình. 

Tiết học sinh động với giáo án điện tử. Ảnh: Minh Quyên
Những bài học không còn khô khan như trước mà được cụ thể hoá bằng những hình ảnh, thước phim hay sinh động.
Môn lịch sử có câu hỏi trắc nghiệm, những bản đồ địa lí được kết hợp hiệu ứng nhấp nháy với tô màu khi cần nhấn mạnh, môn Tập viết có hình ảnh minh họa kèm nét chữ chạy tự động … Từ lớp 1 đến lớp 5, hầu hết các bài học của các môn đều đã được soạn thành giáo án điện tử. 
Cô Đàm Thị Tính, giáo viên lớp 4 cho biết việc soạn giáo án điện tử với nhiều thầy cô trong trường không khó nhưng có khi phải thức khuya hay ngủ trưa ít lại để soạn cho kịp, thấy học trò hứng khởi lại quên hết những vất vả. 
Cô Tính kể những năm trước đây khi dạy về các môn năng khiếu cô chỉ nói nên học sinh rất khó hình dung, từ khi có máy, hình ảnh các môn như bóng đá, võ thuật, đánh đàn… hiện ra rất rõ ràng, học sinh lại học rất chăm chú và hiểu nhanh hơn. Chưa kể những bài học trắc nghiệm, không khí trong lớp nóng lên hẳn vì các nhóm thi đua trả lời trước khi màn hình hiện ra đáp án. 
Hiện trường có 38 lớp học đều được trang bị một máy vi tính màn hình LCD 21 inch, có 5 lớp màn hình 32 inch. Việc triển khai soạn và sử dụng giáo án điện tử đã được 3 năm nhưng chỉ cách đây một năm, tất cả các lớp mới được trang bị máy đầy đủ.
Thạnh Lộc, học sinh lớp 2 bày tỏ: “Con rất thích giờ học trên máy, học môn nào con cũng không thấy chán”. 
Vui chơi trong giờ giải lao ngoài công viên. Ảnh: Minh Quyên
Giáo án điện tử của các giáo viên được thu thập từ nhiều nguồn: từ Internet, tự soạn, đồng nghiệp, các buổi thao giảng, ban giám hiệu… Bàn ghế trong các lớp được thiết kế rời để học sinh di chuyển dễ dàng khi có nhu cầu học nhóm và chiếu phim, hình ảnh… 
Nhiều thầy cô giáo sắm cả máy quay phim, chụp hình để tìm thêm hình ảnh cho các em. Hình ảnh học sinh chơi dưới gốc cây được chụp lại và dùng minh họa cho hình ảnh bóng mát trong sách lớp 1, cảnh các em vui chơi, học hành, nghỉ trưa còn được chiếu lại cho phụ huynh xem khi có điều kiện. 
“Thấy học trò háo hức nên không biết cực khổ nữa, càng làm, càng thấy say mê” Cô Hồng Thảo, giáo viên lớp 1 chia sẻ. Học sinh trong lớp cô Thảo từ ngày có hỗ trợ chương trình viết chữ, học sinh viết chữ đẹp và ngay ngắn hơn hẳn. Đặc biệt, có một học sinh nữ khiếm thính trong lớp này vẫn có thể tiếp thu bài bình thường qua hình ảnh trên máy mà không cần lời hướng dẫn của cô giáo.  
Thầy trò cùng đổi gió 
Mỗi tháng, một lần, thầy và trò Trường Hanh Thông lại đổi gió bằng cách chuyển lớp học ra ngoài trời. Phối hợp với Công ty Du lịch Hoa Đan, trường tổ chức cho các em học sinh đến công viên Gia Định. 
Những hướng dẫn viên của công ty giúp các em học sinh chơi trò chơi vận động, các thầy cô giáo của trường lại lo soạn phần kiến thức. Mỗi buổi học ngoài trời có 4 lớp, mỗi lớp lại có 4-5 nhóm. Tại công viên, thầy cô cùng những hướng dẫn viên chia làm 4 trạm. Các học sinh sẽ phải có giấy thông hành để qua các trạm. Mỗi trạm ngoài các trò chơi vận động, các nhóm còn phải thi đua làm bài kiểm tra và được chấm điểm tại chỗ.
Chị T.Phương, phụ huynh học sinh lớp 4 cho biết con trai chị mỗi khi đến ngày học ở công viên tỏ ra rất nôn nóng, lúc về lại huyên thuyên kể chuyện hết sức vui vẻ. 
Hứng khởi trong học tập, học sinh tiếp thu bài sẽ nhanh hơn.Ảnh: Minh Quyên
Mỗi khối đều có một chương trình thi đua riêng biệt, như với lớp 2, 4 trạm tương ứng với 4 môn thi: Toán, Tiếng Việt, Đạo đức và Tự nhiên Xã hội. Đủ các trò chơi được bày ra, công viên những ngày có học sinh đến học lại ồn ã tiếng cười, tiếng hát. Nhiều cậu học trò nhễ nhại mồ hôi nhưng chân vẫn chạy, nghiêng ngả theo trò chơi. 
Theo cô Tường Định, giáo viên lớp 2 cho rằng việc học ngoài trời khiến cả cô, trò đều thỏai mái, những trò chơi khiến học sinh tiếp thu bài nhanh hơn trong lớp nên thầy, cô giáo còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi và soạn bài khác cho các em. 
Thùy Trang, học sinh lớp 2 nói rằng em thích được học ngoài công viên vì được chạy khắp nơi và chơi nhiều trò chơi mà không hề thấy mệt. 
Trước đây, khi nhìn thấy sân trường vẫn còn tù túng với học sinh, thầy Đặng Thanh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hanh Thông, Trưởng Phòng Giáo dục quận Gò Vấp đã đi khảo sát nhiều công viên và cuối cùng nhận thấy công viên Gia Định là nơi phù hợp, an toàn nhất. 
“Những khó khăn ban đầu không ít, chỉ mong muốn làm sao đáp ứng được nhu cầu, tâm lí của học sinh là vui chơi, giải trí kết hợp với việc học”, thầy Thanh Tuấn bày tỏ. Đầu năm nay, thầy đã không ngại mất hơn cả tháng trời, đến trên 5 cơ quan để hợp lí hóa thủ tục cho học sinh được học tập tại công viên.                                  
Việc bố trí máy tính ở các phòng học cùng với việc học ở công viên đều do thầy Tuấn kêu gọi và phát động. 
Qua đây, mỗi giáo viên có thêm nhiều thời gian để phát huy và truyền đạt được ý tưởng, sáng tạo của mình đến cho học sinh. Nguồn kinh phí của máy vi tính, các buổi học ngoài trời do phụ huynh đóng góp cho thấy xu hướng xã hội hóa giáo dục một khi phụ huynh thấy được lợi ích của con em mình.  
Hiện trường Hanh Thông đang tiến hành việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lí. Điểm số của học sinh cũng đã được đưa lên máy để tiện việc theo dõi. 
“Chắc chắn mô hình này sẽ được nhân rộng ra các trường trong thành phố trong thời gian sắp tới”, thầy Thanh Tuấn khẳng định. 
Minh Quyên (Vietnamnet)

Bình luận (0)