Đất nước tưng bừng thống nhất (1975) non sông liền một dải, Bắc – Nam như cội với cành xanh tốt. Ngày hội non sông là cơ hội các nhà giáo văn học hai miền gặp gỡ, giao lưu và đoàn kết như anh em trong một nhà. Những tên tuổi lớn của các giáo sư văn học ở các trường Đại học Sài Gòn, các viện đại học Huế, Đà Lạt, Cần Thơ có dịp chung sức cùng với các giáo sư văn học các trường đại học từ miền Bắc trở về chi viện bắt tay tiếp tục xây dựng nền đại học nước nhà vững bước tiến lên. Các giáo sư văn học nổi tiếng của miền Nam như Thanh Lãng, Bửu Cầm, Nguyễn Hiến Lê, Giản Chi, Nguyễn Văn Trung, Bùi Xuân Bào, Trần Trọng San, Nguyễn Khuê phấn khởi, tin tưởng và sẵn sàng mang hết khả năng trí tuệ của mình cho việc nghiên cứu, giảng dạy văn học đại học trong hoàn cảnh mới sau ngày thống nhất.
Trường Sư phạm xưa |
1.”Văn kỳ thanh bất biến kỳ hình” trước đây giới nghiên cứu và giảng dạy văn học ở Hà Nội tôi được nghe tiếng của các vị qua sách vở, hôm nay trong thời gian đầu khi giảng dạy ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn (nay là Trường Đại học Sư phạm TP.HCM) có dịp tiếp xúc tôi càng kính phục các thầy. Đó là các giáo sư chuyên sâu, khả kính từ chuyên môn đến tư cách nhà giáo. Biết giáo sư Giản Chi là người tinh thông Hán văn và văn học Trung Quốc tôi đã đến nhà cụ ở đường Hoàng Diệu (quận 4) để thăm và học hỏi nhiều điều về nhà thơ Vương Duy “Thi Phật” – Trung Quốc đời Đường. Giáo sư đã là bậc cao niên nhưng chân tình, khiêm nhường và rất tinh thông văn hóa truyền thống. Giáo sư Trần Trọng San là chuyên gia về thơ Đường – là tác giả của các thi tập Thơ Đường xuất bản ở miền Nam trước ngày giải phóng. Biết giáo sư thân tình và luôn nhiệt tình giúp đỡ nên tôi cũng đến nhà riêng để học hỏi thêm về lĩnh vực mà tôi còn khiếm khuyết. Giáo sư Nguyễn Văn Trung nhà ở đường Duy Tân Q.3 là một nhà lý luận văn học mà tôi cũng thường xuyên gặp gỡ và trao đổi về lý luận văn học phương Tây. Các giáo sư Văn học Việt văn và Hán văn ở Trường Đại học Vạn Hạnh và Đại học Sư phạm Sài Gòn cũng để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp mà đến nay tuổi già, sức yếu nhưng tôi không thể nào quên. Đó là giáo sư Bùi Xuân Bào chuyên về văn học phương Tây, khi nghe ông nói chuyện, báo cáo chuyên đề tôi cảm nhận rất nhiều điều thú vị, bất ngờ mà lâu nay mình chưa biết về phương pháp luận nghiên cứu văn học, nhất là mối quan hệ giữa Văn – Sử – Triết ở Tây phương. Các thầy cô giáo trong khoa lúc đó như giáo sư Lê Hữu Mục, thầy Phan Hồng Lạc, thầy Phạm Văn Đang, cô Cao Minh Nhiệm, tôi không thể nào quên và cảm thấy họ rất chân thành, gần gũi không có gì xa cách. Các vị giáo sư ở miền Nam có một đặc điểm chung là ăn mặc tươm tất, chỉnh tề, nói năng nhỏ nhẹ, từ tốn, thái độ cung kính, lịch sự và rất tinh thông ngoại ngữ Pháp văn, Anh văn, Hán văn và thầy cô nào cũng nhuần nhuyễn, đọc thông viết thạo. Họ đúng là bậc thầy uyên bác, chuyên sâu, mô phạm, rất xứng đáng mang danh là các bậc “Giáo sư đại học” được đồng nghiệp và sinh viên quý mến, kính trọng mà không thể nào diễn tả bằng lời.
2. Thế hệ sinh viên miền Nam ngày mới giải phóng rất dễ thương và đáng yêu. Các em ăn mặc gọn gàng, nghiêm chỉnh, thái độ lễ phép, cởi mở, chan hòa và đặc biệt tôn kính với thầy cô giáo trong trường, trong khoa mà không hề có sự phân biệt đối xử là thầy cô từ miền Bắc vào và các thầy cô ở miền Nam. Đối với các giáo sư “tại chỗ” (tên gọi các thầy cô giáo cũ) các em tôn trọng, yêu mến đã đành riêng đối với các thầy cô giáo chi viện từ các trường đại học ở miền Bắc vào các em lúc đầu bỡ ngỡ, e dè và có chút mặc cảm nhưng sau đó lại cởi mở và chân tình. Tôi quý các em, căn dặn, chỉ bảo đủ điều nhằm làm cho các em an tâm, phấn khởi để chuẩn bị bước vào năm học mới sau ngày giải phóng. Tôi mang đến cho các em những hiểu biết ban đầu về nền văn học cách mạng, văn học các nước phổ biến ở miền Bắc, nhất là văn học Nga – Xô Viết và Trung Quốc. Từ chỗ xa lạ và khó hiểu dần dần các em cảm nhận được sự sâu sắc của nền văn học mới. Chúng tôi làm công tác chủ nhiệm lớp, hướng dẫn các em sinh hoạt ngoại khóa, xinêma văn học, đi thực tế, thực tập và lao động công ích do thành phố phát động. Qua tôi, các em hiểu được về miền Bắc, về nhà trường xã hội chủ nghĩa và về văn học cách mạng. Tôi nói thật với các em về hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề của miền Bắc do chiến tranh, nhất là về đời sống nghèo khổ của đồng bào, học sinh, sinh viên miền Bắc trong 20 năm. Điều tôi không bao giờ quên để nói với các em rằng nhân dân miền Bắc vô cùng yêu mến như máu thịt với đồng bào miền Nam đang hy sinh chiến đấu. Sinh viên, thanh niên miền Bắc vô cùng cảm phục tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của phong trào học sinh, sinh viên Huế, Sài Gòn trong 20 năm tranh đấu. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Những đêm không ngủ”, “Dậy mà đi”, “Nối vòng tay lớn” của các em như tiếp thêm sức mạnh cho thanh niên, học sinh, sinh viên miền Bắc lúc đó. Thanh niên, sinh viên miền Bắc hiểu và khâm phục tinh thần đấu tranh bất khuất, quật khởi của sinh viên Phật tử Quách Thị Trang. Phong trào đấu tranh, xuống đường của sinh viên Sài Gòn, Trường Đại học Vạn Hạnh của các em do các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi trong “Tổng hội sinh viên Sài Gòn” lãnh đạo. Sinh viên, thanh niên miền Bắc yêu mến các anh hùng và các nhân vật lịch sử như Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Thắng, Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư và bà luật sư Ngô Bá Thành. Các em rất ngạc nhiên khi tôi đứng giữa giảng đường và cất cao giọng hát say sưa các bài hát trong phong trào sinh viên của các em. Đó là bài “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh, “Người mẹ Bàn Cờ” nhạc của Trần Long Ẩn, thơ Nguyễn Kim Ngân, “Dậy mà đi” nhạc của Nguyễn Xuân Tân phổ thơ Tố Hữu… Tôi kể cho các em nghe về “anh Trỗi, chị Quyên” qua tác phẩm “Sống như anh” của Trần Đình Vân, những câu chuyện hấp dẫn về “giáo sư Lê Quang Vịnh” và “nụ cười chiến thắng của chị Võ Thị Thắng” bất tử. Tôi kể cho các em về người anh hùng Hoàng Lệ Kha ở Tây Ninh.
Nay là Trường Đại học Sư phạm TP.HCM |
Qua các em tôi hiểu thêm nhiều về miền Nam trong 20 năm bị tạm chiếm. Trước đó tôi cứ nghĩ rằng sinh viên miền Nam, nhất là sinh viên Sài Gòn phải là con nhà giàu, học giỏi, dư ăn, dư mặc nên có điều kiện học tập. Tôi còn có sự suy nghĩ sai lệch và thiển cận về các em, rằng các em là thành phần bị tiêm nhiễm nhiều nề nếp giáo dục của đế quốc thực dân nên vong bản, ngoại lai, chạy theo lối sống Tây phương xa lạ với truyền thống dân tộc… Thời gian không bao lâu qua sự biểu hiện thì các em không phải là những lớp người trẻ như vậy. Trừ một số ít là con em của tầng lớp trên, còn đa phần các em sinh viên ở các trường đại học đều là con em nhân dân lao động, có cảm tình và gắn bó với cách mạng qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở khắp mọi miền đất nước.
Rất nhiều em sinh viên Sài Gòn là gốc từ các người nghèo khổ, chiến tranh ác liệt ở miền Trung theo cha mẹ trôi dạt mưu sinh kiếm sống và lánh nạn ở miền Nam. Vì xuất thân từ gia đình nghèo khổ nên các em sinh viên người miền Trung chịu khổ, ham học và tinh thần tranh đấu rất cao. Sinh viên Đại học Vạn Hạnh và Văn Khoa Sài Gòn là nơi nhen nhúm và bùng lên ngọn lửa tranh đấu mạnh mẽ của các em tiếp bước theo truyền thống của phong trào sinh viên Trần Văn Ơn từ năm 1950 ở Sài Gòn. Phong trào đấu tranh của sinh viên và Phật tử ở Huế cũng để lại trong tôi một sự cảm phục rất lớn. Tôi cùng các em làm báo tường, tập văn nghệ, đốt lửa trại, ca hát nhảy múa thâu đêm ở sân trường Đại học Sư phạm và Vạn Hạnh.
3. Năm 1976, tình hình thành phố và miền Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, phức tạp nhưng dần dần bắt đầu ổn định và đi vào nề nếp. Khí thế chiến thắng bừng bừng dâng lên, các trường đại học chuẩn bị cho năm học mới sau ngày giải phóng. Đội ngũ giảng viên tại chỗ an tâm và tin tưởng. Giảng viên các trường đại học từ miền Bắc vào “thỉnh giảng” và chi viện về quản lý, giảng dạy, đào tạo ngày càng đông. Các giáo sư văn học nổi tiếng ở miền Bắc như Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ và hàng chục các thầy, giáo sư đầu ngành ở miền Bắc đều vào “thỉnh giảng” ở miền Nam.
Năm 1977, năm học mới bắt đầu không khí phấn khởi, hồ hởi thể hiện rất rõ trong nhà trường Đại học Sư phạm. Lớp sinh viên cũ còn giữ lại để tiếp tục học và thi tốt nghiệp. Giảng dạy lớp học chuyển tiếp này là do các giảng viên có trình độ và uy tín từ các trường đại học được mời vào “thỉnh giảng”. Lần đầu tiên sinh viên Sài Gòn được học tập với các thầy giáo “cách mạng” không khỏi sự xa lạ và ngỡ ngàng nhưng rồi dần dần các em cũng quen và rất thân mật, lễ phép với các thầy. Các em không bao giờ quên được sự tận tâm, nhiệt tình và chuyên môn sâu của các thầy “cách mạng”. Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp và Sư phạm Hà Nội cử giảng viên vào “thỉnh giảng” rất hùng hậu và có chất lượng để lại ấn tượng tốt đẹp cho thầy và trò trường đại học mới giải phóng theo chương trình và phương pháp giảng dạy mới.
Làm công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên trong những năm này đối với tôi là một thách thức rất lớn vì tôi là một cán bộ trẻ. Vì thiếu thầy cô giáo nên chúng tôi phải đảm nhiệm nhiều công việc với mục đích là ổn định việc dạy, học, lao động, thực tế, thực tập. Lớp tôi chủ nhiệm là một lớp có nhiều sinh viên người miền Bắc đã tốt nghiệp phổ thông nhưng vì miền Nam nên lên đường nhập ngũ, nay giải phóng rồi các anh được trở về học tập. Từ thực tế những năm học tập rồi giảng dạy ở miền Bắc nên ít nhiều tôi cũng có kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp nên tôi quyết tâm giúp đỡ các em sinh viên xuất ngũ làm quen với môi trường giáo dục mới. Những ngày đi lao động thực tế ở vùng rau Tân Thắng, ngoại thành Hóc Môn, vùng biên giới Tây Nam, những đêm lửa trại bập bùng ánh lửa đã thật sự có ý nghĩa trong việc rèn luyện đạo đức, tác phong sư phạm cho sinh viên ở một thành phố mới giải phóng. Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng thầy trò chúng tôi vẫn lạc quan tin tưởng ở hôm nay và ngày mai. Niềm sung sướng trào dâng khi thành phố giải phóng, đất nước hòa bình, non sông liền một dải chưa được bao lâu thì thành phố này cùng cả nước đứng trước thử thách, hiểm nguy ở hai đầu biên cương đất nước. Rồi “bế quan tỏa cảng”, “ngăn sông cấm chợ”, ở giữa vùng đất lúa Nam bộ mà dân thành phố phải ăn độn ngô, khoai, sắn, bo bo. Hàng hóa, lương thực thực phẩm đều khan hiếm.
Sài Gòn sẽ “xé rào”, “bung ra” và sẽ “chiến thắng”. Sài Gòn “vì cả nước”, “cùng cả nước” mà vững bước đi lên. “Thành phố mười mùa hoa” (1975 – 1985), để rồi thành phố 20 năm mở cửa đổi mới (1986 – 2006) và đến hôm nay thành phố đã thực sự thay da đổi thịt sau hơn 40 năm (1975 – 2016). Trường Đại học Sư phạm TP.HCM hôm nay rất hoành tráng, khang trang và hiện đại vô cùng.
Hôm nay, sau hơn 40 năm “Thành phố 40 mùa hoa” và Trường Đại học Sư phạm TP.HCM “40 mùa hoa” (1976 – 2016) thầy và trò chúng tôi ngày ấy sống, làm việc, học tập và giảng dạy đã coi thành phố này là quê hương. Thời thanh niên trai trẻ, thời kỳ giải phóng hân hoan của thầy trò chúng tôi đã trôi qua. Tất cả chúng tôi đã đầu điểm bạc, nghỉ hưu và không còn đứng trên bục giảng nhưng chúng tôi vẫn thiết tha yêu mến, tự hào và gắn bó với “thành phố tôi yêu” và mái trường “Đại học Sư phạm tôi yêu”. Thầy trò chúng tôi ngày ấy người còn, người đã đi xa nhưng hôm nay về hội trường từ ánh mắt, nụ cười mọi người đều nói với nhau rằng: “Ngày ấy không quên”.
PGS. Hồ Sĩ Hiệp
Bình luận (0)