Nhận thấy việc dạy học bằng lý thuyết suông không những không mang lại hiệu quả cao mà còn khiến học sinh khó hiểu, chán nản, nhất là đối với môn vật lý – môn học phải thuộc nhiều công thức và tính toán – thầy Hoàng Tuấn Vũ (giáo viên bộ môn vật lý Trường THCS Phú Lợi, Q.8, TP.HCM) đã sử dụng những vật liệu phế thải để học sinh có thể vừa học vừa hành.
Thầy Hoàng Tuấn Vũ
Bằng cách học này, các em học sinh không chỉ thích thú, dễ hiểu bài mà còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, có thể áp dụng trong đời sống thực tiễn như: máy bắt muỗi, đèn học, nhà nổi, đê chống lũ…
Từ vừa học, vừa chơi…
Kiến thức vật lý được áp dụng rất nhiều trong đời sống thực tế. Tuy nhiên để học tốt môn này không phải là chuyện dễ dàng, có không ít em học thuộc lòng nhưng lại không hiểu vấn đề hoặc học trước quên sau… Nhận thấy được thực tế này, từ năm 2018, Câu lạc bộ STEM của thầy Vũ ra đời. Đây chính là nơi lý tưởng để học sinh vừa học, vừa chơi. Tâm sự về nỗi lòng của mình, em Nguyễn Đức Trung (lớp 8A1) cho biết: “Trước đây em không thích môn vật lý vì khó hiểu, khó nhớ. Từ khi tham gia câu lạc bộ, em thay đổi hoàn toàn, không chỉ thích học hơn mà còn được thầy hướng dẫn, chỉ dạy tận tay để tạo ra những vật dụng hữu ích”.
Vật dụng mà Trung nói chính là máy bắt muỗi thông minh. Máy được cấu tạo từ ba bộ phận chính gồm: phần thân được làm từ các hũ nhựa dung tích khoảng từ 1 đến 2 lít, trên thân có đục nhiều lỗ nhỏ; quạt hút gió được làm từ quạt tản nhiệt cũ lấy từ máy tính gắn trên thân đèn và đèn led xanh được đặt phía trên cánh quạt. Khi ghim điện, đèn led phát ra ánh sáng xanh tạo “mồi nhử” thu hút muỗi đến gần (theo nghiên cứu của các nhà khoa học, muỗi hay các loại côn trùng đều bị thu hút bởi ánh sáng xanh của đèn led). Lúc này muỗi dễ dàng bị hút vào trong bởi lực hút của cánh quạt thông qua các lỗ nhỏ trên thân máy và mắc kẹt tại đây, muỗi cũng bị chính những cạnh sắc nhọn của lỗ nhỏ này tiêu diệt mà không cần phải dùng nhang hay thuốc xịt gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Thực tế thử nghiệm sản phẩm cho thấy, máy bắt muỗi hoạt động tốt ở các nơi ẩm thấp, tối, ở dưới đáy hộp nhựa có dung dịch nước đường sẽ thu hút muỗi lại gần và máy đạt hiệu quả cao hơn”, thầy Vũ cho biết.
Các thành viên của lớp 8A1 “khoe” mô hình nhà nổi của mình
Kiến thức vật lý còn giúp học sinh lớp 8A1 sáng tạo ra đèn học bài bằng ống nước. “Đèn học ở ngoài chợ bán hơn 100 ngàn đồng/cái. Trong khi đó chúng em mua vật liệu về làm chỉ có mấy chục ngàn đồng mà lại an toàn vì mình thực hiện đúng quy tắc, nguyên lý, chất liệu cũng tự chọn lựa nên an tâm sử dụng hơn. Hiện chúng em đang sử dụng cái đèn tự tay mình làm”, một học sinh cho biết.
Từ việc vừa giúp học sinh hiểu sâu về công thức tính áp suất chất lỏng (p=d.h, trong đó p là áp suất chất lỏng, d là trọng lượng riêng của chất lỏng
(N/m3); h là độ sâu của chất lỏng) vừa lồng ghép giáo dục các kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, học sinh của thầy Vũ còn được tận mắt chứng kiến một công trình đê chống lũ từ miếng mút xốp và 2 đường nước (chai nhựa bỏ đi, cắt theo chiều dọc, lấy một nửa) tượng trưng cho dòng chảy của lũ. Công trình này gồm 2 con đê. Con đê thứ nhất được thiết kế theo hình chữ nhật, con đê thứ 2 theo dạng hình thang (phần chân đê lớn hơn phần ngọn đê). Khi đổ cùng một lượng nước xuống 2 con đê cùng lúc sẽ dễ dàng nhận thấy con đê có hình thang lâu vỡ hơn con đê hình chữ nhật. Lý do p tỉ lệ thuận với h, khi h càng lớn (tính từ mặt thoáng xuống càng sâu) thì p càng lớn. Do đó đòi hỏi phần chân đê phải lớn hơn phần ngọn, phải đắp đê theo hình thang thì đê mới chịu được áp suất lớn của dòng chất lỏng, nếu chân đê nhỏ và yếu theo dạng hình chữ nhật đê rất dễ vỡ.
Phấn khởi khi học sinh thích thú cách học này, thầy Vũ cho biết: “Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của các em nên tôi luôn cố gắng tìm tòi và suy nghĩ ra những điều mới mẻ nhưng gần gũi để các em có thể liên hệ kiến thức của từng bài học với thực tế cuộc sống. Và tôi cũng nhận thấy một điều, ở tuổi của các em rất hiếu động, rất tò mò và thích vui chơi. Do đó, mỗi tiết dạy tôi luôn tạo điều kiện để các em được thỏa sức sáng tạo, vui chơi nhưng thực chất chính là học. Thông qua câu lạc bộ sáng tạo này, tôi còn tạo cho học sinh một tinh thần đoàn kết khi các em đồng sức đồng lòng tạo ra sản phẩm”.
Đến nhà nổi chống lũ
Hằng năm, cứ đến độ tháng 7, tháng 8, nước ta lại đối phó với lũ lụt. Những ngôi nhà bị lũ “rình rập” phải di dời nơi khác, làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân, nhất là đối với các em học sinh. Điều đó đã khiến thầy Vũ đau đáu và đặt ra câu hỏi: “Vậy có cách nào để giúp bà con không phải chạy lũ khi mùa lũ về?”. Qua nhiều năm giảng dạy, cuối cùng thầy Vũ đã tìm ra được đáp án, góp sức cùng thầy là học sinh lớp 8A1. Thầy Vũ bộc bạch: “Là một người gốc Bắc nhưng lại gắn bó với đồng bằng sông Cửu Long suốt những tháng năm học ĐH nên tôi thấy được nỗi khổ của con người nơi đây. Bây giờ lại là một giáo viên dạy môn vật lý, không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải giáo dục các em về đời sống thực tế, những giá trị nhân văn để sau này giúp ích cho xã hội”.
Thế là trong một căn phòng 24m2 của trường, cứ đến các tiết học vật lý trong tuần, thầy và trò lại ngồi bên nhau tẩn mẩn thiết kế mô hình nhà nổi bằng những vật liệu “ai bỏ thì xin” như: gỗ, ván ép, mica (nhựa dẻo, có màu sắc đa dạng), mút xốp…, trong đó mút xốp giúp cho ngôi nhà nổi lên. “Tuy nhiên khi áp dụng mô hình này vào thực tế, người ta sẽ thay mút xốp bằng thùng phuy và dùng những vật liệu nhẹ như: tôn, sàn gỗ, nhôm… Điểm đặc biệt của nhà nổi phải có lỗ trống ngay trọng tâm để cấm cây trụ xuống. Cây trụ này sẽ giúp cho ngôi nhà nằm ở vị trí cố định nhưng vẫn nổi lên hoặc chìm xuống theo con nước. Đến mùa lũ, ngôi nhà sẽ theo con nước dâng lên cao mà không bị ngập lụt, hư hao tài sản hoặc phải di dời nơi khác”, thầy Vũ nhấn mạnh.
Trải qua 2 tuần thực hiện, thầy và trò đã thiết kế ra hàng loạt ngôi nhà nổi với nhiều kiểu dáng, kích thước, màu sắc và cách trang trí khác nhau. Có em tạo ra không gian xanh bằng hoa, lá. Em thì làm thêm hồ bơi cho ngôi nhà để sử dụng khi mùa cạn đến… “Điểm khó của mô hình này là phải tính toán từng li từng tí, từ cách sắp xếp các vật dụng trong nhà. Như vậy khi đặt ngôi nhà xuống nước mới được cân bằng, tránh trường hợp bị nghiêng, lật khi gặp gió, bão”, em Lại Thị Ngọc Ngân bật mí.
Hồ Trinh
Bình luận (0)