Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Thầy, trò vùng lũ cùng vượt khó

Tạp Chí Giáo Dục

Những ngày qua, tình hình mưa, lũ gây ngập lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền trung đang diễn ra phức tạp, phá hỦY nhiều công trình công cộng trong đó có trường học và gây ảnh hưởng  việc học tập, giảng dạy. Vượt lên những cơn lũ, thầy, trò cùng các bậc phụ huynh và các cấp chính quyền địa phương  đã tích cực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng chương trình dạy học.


Thầy và trò Trường THCS Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An GIang) đắp bao cát ngăn lũ ngập sân trường. Ảnh: BẢO TRỊ  

Những ngày này, chúng tôi đến trường học các tỉnh vùng lũ An Giang, Ðồng Tháp, Kiên Giang, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Ðà Nẵng, Thừa Thiên –  Huế… tận mắt thấy được những khó khăn, vất vả của thầy và trò vùng lũ. Ðến nay, các tỉnh nói trên có hơn 160 nghìn học sinh phải nghỉ học dài ngày hoặc trong ngày. Ðến huyện đầu nguồn tỉnh An Giang, đồng chí Huỳnh Hữu Thêm, Trưởng phòng Giáo dục huyện An Phú cho chúng tôi biết: Tính từ đầu lũ đến nay, An Phú là địa phương thiệt hại nặng nhất khi có đến 20 điểm trường bị ngập, 63 điểm sân bị ảnh hưởng nước lũ, nhiều điểm sóng vỗ gây hư hại nền, mái ta-luy. Nhiều tuyến đường đến trường bị ngập sâu từ 0,3m đến 1,5m, giáo viên và học sinh phải sử dụng các phương tiện thủy đến trường.
Không kém phần khó khăn, lũ đổ về làm cho 21 phòng học của các trường ở tỉnh Quảng Ngãi bị hư hại nặng. Nhiều tường rào, cổng ngõ, công trình vệ sinh, nhà xe của các trường học đã bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ cũng đã làm hư hỏng nhiều máy phát điện, điện thoại bàn, thiết bị lý, hóa, sinh, đồ dùng phổ thông, đồ chơi mầm non… với tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng hàng tỷ đồng (trong đó các trường đã tự khắc phục 470 triệu đồng)… Về vùng rốn lũ huyện Mộ Ðức, chúng tôi chứng kiến cảnh tàn phá của trận lũ vừa đi qua. Nhiều phòng học của trường mầm non, tiểu học, THCS ở thị trấn Mộ Ðức và các xã Ðức Hòa, Ðức Phú, Ðức Tân đã bị sập hoàn toàn. Hồ sơ, tài liệu quan trọng của nhà trường bị ướt. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Mộ Ðức Trần Như Thế cho biết: Do nước lũ tràn về quá nhanh cho nên ban giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo trong vùng lũ không trở tay kịp, nhiều tủ tài liệu, máy móc bị nước lũ nhấn chìm trong tích tắc.
Trong các ngày 16, 17-10, do mưa lớn, nước trên đầu nguồn các sông Túy Loan, sông Cu Ðê (Ðà Nẵng) chảy về nhanh gây ra tình trạng lũ lụt, ngập úng ở một số địa phương như các xã Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Một số trường học bị nước ngập hơn 0,5m. Tại các xã vùng ven sông Ô Lâu thuộc huyện Phong Ðiền (Thừa Thiên – Huế), mưa lũ khiến nhiều trường học bị ngập sâu. Thống kê ban đầu cho thấy, toàn huyện có nhiều bàn ghế, sách, vở và 35 tường rào tại các trường bị hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính hơn 170 triệu đồng. Hiệu trưởng Trường THCS Phong Bình (xã Phong Bình, Phong Ðiền) Lê Thừa Triều cho biết: "Ðến ngày 19-10, nước lũ vẫn còn ngập ở sân, học sinh tại các thôn Vân Trình, Siêu Quần, Phò Trạch của xã hiện nước vẫn còn ngập sâu 0,8m nên chưa thể đến trường được". Theo thông tin từ Phòng GD và ÐT huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), lũ đã làm ngập 45 trường học, đặc biệt sóng lớn đánh vỡ toàn bộ hệ thống cửa của 400 phòng học, hàng rào của một số trường bị đổ; mười nghìn bộ sách giáo khoa của học sinh bị ướt do nước lũ dâng cao…
Trước diễn biến phức tạp của đợt lũ tại đồng bằng sông Cửu Long và miền trung, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã yêu cầu các cơ sở giáo dục liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Ban phòng, chống lụt bão địa phương sẵn sàng phối hợp để ứng phó với các tình huống thiên tai; theo dõi sát diễn biến của bão, lũ để có biện pháp ứng phó kịp thời. Ðặc biệt để bảo đảm an toàn cho học sinh, ban giám hiệu các đơn vị trường học vùng ngập nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cha mẹ học sinh tổ chức đưa, đón học sinh đến trường an toàn. Riêng đối với các vùng có nhiều sông suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho học sinh khi đến trường.
Những ngày qua, các địa phương đã nỗ lực giúp các trường khắc phục khó khăn với nhiều cách làm khác nhau phù hợp đặc thù riêng của địa phương mình. UBND tỉnh An Giang xuất nguồn kinh phí dự phòng bảo đảm cho học sinh chịu ảnh hưởng lũ lụt bữa ăn đủ dinh dưỡng với 15 nghìn đồng/em/ngày duy trì trong khoảng thời gian ba tháng từ khi lũ về đến lúc lũ rút hẳn. Trước mắt, tỉnh chi 4,5 tỷ đồng cho công tác gia cố, tu sửa ban đầu. Công tác đưa đón học sinh vùng lũ được duy trì đến nay khoảng 5.880 em đến lớp thường xuyên. An Giang tạm chi một tỷ đồng cho các địa phương tổ chức đò đưa đón trẻ đến trường.
Ðến với vùng ngập lũ các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp những ngày này, chúng tôi rất cảm động trước cảnh thầy và trò cùng nhau vượt khó. Tại một số nơi nước lũ ngập, đường giao thông bị sạt lở, học sinh không thể tự đến trường, nhiều thầy, cô giáo đã thức dậy từ rất sớm bơi xuồng đưa đón học sinh đến lớp. Ðến nơi, thấy đồ dùng trang thiết bị dạy học trong trường vẫn bộn bề do phải "chạy lũ", không đợi thầy, cô giáo sai bảo, nhiều học sinh tự nguyện tham gia việc dọn dẹp vệ sinh trường, lớp. Sáng sớm tại điểm Trường tiểu học A Tràm Chim, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, chúng tôi thấy hàng chục thầy, trò (giáo viên và học sinh) đang hì hụi xúc đất cát vào bao rồi vác đến sân đắp thành hàng làm đê dẫn từ ngoài đường vào trường vì sân vẫn còn ngập nước. Mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên từng khuôn mặt của các học trò nhỏ và thầy, cô giáo thân yêu.
Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Kiên Giang Ninh Thành Viên, sau khi lũ rút các trường sẽ tổ chức dạy bù cho học sinh vào ngày thứ bảy, chủ nhật, hoặc tổ chức dạy hai buổi/ngày. Thấy chúng tôi băn khoăn về chương trình dạy học để bù lại một tuần nghỉ lũ của các trường vùng sâu, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Hải Lăng (Quảng Trị) Trần Ðới cho biết: Hải Lăng là huyện vùng trũng, mỗi năm đón nhận từ ba đến bốn trận lũ, cho nên hằng năm vào năm học mới, phòng giáo dục tổ chức cho học sinh đến trường sớm hơn các nơi khác một tuần. Nếu thời gian nghỉ học do lụt bão dài ngày hơn, các trường sẽ tổ chức cho học sinh học bù vào thời gian nghỉ giữa kỳ để theo kịp chương trình học.
Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế Lê Khuôn cho biết, ngay trong dịp hè vừa qua, ngành GD và ÐT tỉnh đã tập huấn cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên của các trường về công tác phòng, chống lụt, bão cho nên các trường học đã chủ động, có kế hoạch đối phó, kê cao bàn ghế, bảo quản máy móc, thiết bị dạy học khi mưa bão kéo dài. Ngay từ đầu năm học, hầu hết các trường thuộc vùng thấp trũng đều khai giảng trước hai tuần để bù lại thời gian phải nghỉ học do lụt bão.

Theo NDDT

Bình luận (0)