Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thầy – trò xây dựng văn hóa học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi đề cập đến văn hóa học đường, nhiều quan điểm nhấn mạnh đến hệ thống giá trị chuẩn mực và hành vi ứng xử giữa đội ngũ thầy cô giáo, giữa thầy cô với học trò, giữa học trò với học trò và giữa nhà trường với các lực lượng giáo dục tạo nên đặc điểm riêng của từng nhà trường. Nhưng biểu hiện cụ thể và sinh động nhất đó là niềm tin, là cách ứng xử tốt đẹp được mọi người thừa nhận trong trường học và được xã hội mong đợi.
Bầu không khí tâm lý trong dạy học
Quan hệ này chủ yếu diễn ra trong hoạt động dạy học, cụ thể là tiến hành nội dung bài giảng trên lớp. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng bầu không khí trong lớp là một tiêu chí, thước đo trình độ của giáo viên. Mới nghe thì mơ hồ nhưng điều này hoàn toàn hợp lý. Người học khi đã nắm vững kiến thức, có nghĩa là họ phải nhận thức được nội dung bài giảng, kích thích tính tích cực, sáng tạo, và đặc biệt là đem lại niềm đam mê cho người học. Chính vì vậy, trong quan hệ này, giáo viên phải biết xây dựng không khí lớp học làm sao thực sự thoải mái, vui tươi, phấn khởi, học sinh tự giác và hứng thú, say mê luôn muốn được lĩnh hội tri thức đó là thành công. Để thực hiện điều này, trước hết đội ngũ giáo viên phải có một trình độ chuyên môn nhất định, cùng với bề dày kinh nghiệm hoạt động sư phạm của mình. Cụ thể là họ phải luôn có tình yêu nghề nghiệp, yêu học trò, cống hiến nền văn hóa xã hội cho thế hệ là niềm hạnh phúc của thầy cô. Đặc biệt, trên bục giảng, người giáo viên không chỉ truyền thụ tri thức mà còn giáo dục hình thành nhân cách đạo đức người học. Vì vậy, bên cạnh nội dung tri thức họ còn phải biểu hiện thái độ, cảm xúc, tình cảm trong suốt quá trình dạy học. Một ánh mắt, một cử chỉ, một thái độ mẫu mực sư phạm hay một giọng nói truyền cảm, sẽ tạo nên sự thiện cảm trong chính người học, giúp các em có thể hứng thú, tiếp thu nhanh hơn, hiệu quả hơn, ngày càng gần gũi với giáo viên của mình.
Cần lưu ý đội ngũ nhà giáo không được phép bộc lộ thái độ, cảm xúc tiêu cực trên bục giảng, điều này không thể đem lại niềm tin cho học trò thậm chí gây ra sự phản cảm, tiêu cực, chống đối.
Bầu không khí trong sinh hoạt
Là giáo viên, bên cạnh đó nhà giáo còn đóng vai của người anh, người chị, nhà tư vấn, người bạn chân thành… Sự ảnh hưởng của giáo viên không chỉ trên bục giảng mà còn thể hiện qua các mối quan hệ, trong cuộc sống, sinh hoạt, giao tiếp. Là người anh, người chị, người bạn họ luôn quan tâm đến đời sống sinh hoạt, học tập của các em, giúp đỡ các em có thể vượt qua những khó khăn vướng mắc…
Vừa là nhà tâm lý, người thầy luôn tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của các em học sinh. Tháo gỡ những rào cản tâm lý để giúp các em vững vàng vượt qua. Đồng thời, bên cạnh đó, luôn thể hiện tình cảm thân thiện, yêu mến học trò, luôn là tấm gương sáng trong lời nói và hành động, thể hiện hết lòng vì học sinh thân yêu.
Có thể nói quan hệ thầy trò tạo nên bầu không khí tâm lý tích cực. Môi trường sư phạm thân thiện – nơi đó luôn diễn ra những mối quan hệ lành mạnh, thoải mái trong quan hệ thầy – trò. Ở bất kì môi trường sư phạm nào dù phổ thông hay cao đẳng, đại học thì bầu không khí quan hệ thầy trò luôn là động lực quan trọng để nhà trường thực hiện thắng lợi các mục tiêu giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng văn hóa học đường.
Nguyễn Văn Công 
(Trường Sĩ quan Lục quân 2)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)