Tòa soạnThư đi – tin lại

Thấy từ một bài kiểm tra môn tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-9-2014, tôi thật buồn khi cầm trên tay bài kiểm tra chất lượng đầu năm môn tiếng Việt (lớp 5) của con. Tôi nhận thấy một điều thật nguy hại cho các cháu từ lối ra đề như thế này của Trường Lê Lợi – một trong những trường tiểu học nổi tiếng học tốt dạy tốt của TP.Huế.
Câu (1) yêu cầu khoanh câu nào cho đúng có từ in đậm là từ đồng âm. Tôi thấy trong đề không in đậm từ nào cả (ảnh kèm). Mặt khác, dù có in đậm cũng sai, không có dòng nào đúng cả. Ở câu (b) “đồng đội, đồng hành” – từ đồng cũng không phải là hiện tượng từ đồng âm bởi nó có nghĩa chung là “cùng”. Tất cả các trường hợp (a), (b), (c), (d) đều không phải là hiện tượng từ đồng âm. Vậy nên ở đây không còn là sự sai sót do không tô đậm các từ. Thử hỏi một đề chưa chất lượng như vậy nhà trường dùng để kiểm tra chất lượng học sinh đầu năm thì có thực chất không hay là sẽ mang lại những cách hiểu sai lầm và mơ hồ của các cháu khi phải làm những bài tập như thế này? Kiểm tra chất lượng học sinh nhưng chất lượng của đội ngũ giáo viên lại thể hiện như vậy thì thật là đáng buồn.
Từ bài tập trong đề kiểm tra này, tôi có suy nghĩ rằng, ngày trước chương trình sách giáo khoa cũ không gọi là “từ đồng âm” như sách giáo khoa hiện tại mà gọi là “từ đồng âm khác nghĩa”. Nếu sách giáo khoa hiện tại nêu khái niệm “từ đồng âm là những từ có vỏ âm thanh (viết và phát âm) giống nhau nhưng nghĩa nó khác xa nhau, không liên quan gì đến nhau”, thì tôi cũng có thể bổ sung thêm: Từ đồng âm là tất cả những từ đọc giống âm với nhau và nó có thể khác nghĩa, đồng nghĩa, gần nghĩa (trong trường hợp chuyển nghĩa của từ – hiện tượng từ nhiều nghĩa). Ví dụ trường hợp câu (c) ở bài tập (1) trên: cánhđồng, cánhchim, cánhquạt, cánhcửa thì từ cánh là từ đồng âm chuyển nghĩa (hiện tượng từ nhiều nghĩa). Thật khó cho học sinh tiểu học khi phân biệt từ đồng âm (âm giống nhau nhưng nghĩa khác nhau) và từ nhiều nghĩa (âm giống nhau và nghĩa có sự tương đồng).
Vậy nên, khi tiếng Việt là loại hình ngôn ngữ đơn lập, nó không biến đổi hình thái khi ta thay đổi cú pháp hay từ ngữ, các từ đồng âm có thể là: Đồng âm khác nghĩa, đồng âm cùng nghĩa hay gần nghĩa (từ nhiều nghĩa). Vậy nên chăng cần có những cách gọi về khái niệm của từ ở học sinh tiểu học phải rõ ràng để những đầu óc còn non nớt của các cháu được tiếp thu những kiến thức rõ ràng hơn ngay từ cách gọi khái niệm.
Nguyễn Hoàng Anh Thư
(Giáo viên ngữ văn Trường Hai Bà Trưng – Huế)

Bình luận (0)