Sinh ra và lớn lên ở miền núi, trải qua nhiều khó khăn, Nguyễn Văn Nhân quyết tâm theo đuổi nghề giáo với ý nghĩ: “Mình dạy cho bọn trẻ biết mặt chữ. Lớn lên, chúng sẽ đi học xa hơn, cao hơn. Có kiến thức sẽ có việc làm để cuộc sống bớt khổ”…
Thầy Nguyễn Văn Nhân cùng học trò vùng cao Trà Dơn
1.Sáng sớm đầu tuần, như đã hẹn, chúng tôi cùng thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Nhân rời nhà ở trung tâm xã Trà Dơn (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) ngược lên nóc Ông Bình – nơi thầy Nhân đang dạy học. Đoạn đường đến trường vỏn vẹn tầm 11km nhưng chúng tôi phải mất tới 3 giờ đồng hồ, một nửa chặng đường ấy phải dắt xe đi bộ vì đường trơn trượt, bùn nhão quấn chân. Thầy Nhân nói: “Nhiều lúc, cảm giác như không thể dắt nổi chiếc xe. Cũng có lúc gửi xe lại cho nhà dân ven đường rồi đi bộ. Mệt nhưng vẫn ráng bước nhanh vì không muốn để lũ trẻ trễ giờ học”.
Nghề báo đã giúp chúng tôi gặp rất nhiều giáo viên lặng thầm vì học trò như thầy Nhân, cô Tý. Ở họ, gánh nặng áo cơm đôi khi được gói gọn trong hai từ “không sao” một cách nhẹ bẫng, vì tình thương dành cho học trò. Ở họ, ước mong được chắp cánh cho học trò vươn xa, thoát ra những bó buộc khó nghèo để thay đổi tương lai cũng chính là động lực lớn nhất để họ theo nghề, giữ nghề. |
Lớp học có 17 học sinh, ghép lớp 1 và lớp 2. Phòng học chia làm đôi, học sinh hai lớp ngồi quay lưng lại với nhau. Giảng xong bài lớp này, thầy Nhân lại quay sang giảng bài cho lớp khác. Cầm tay học sinh nắn nót từng con chữ, chậm rãi giảng từng phép tính. Kiên nhẫn trước sự mất tập trung của học sinh, nhẹ nhàng nhắc nhở để các em chú ý vào bài học. Để học sinh theo kịp chương trình, nắm chắc kiến thức, các đêm trong tuần, thầy Nhân mở lớp dạy phụ đạo miễn phí. Chuyện nghe dễ với miền xuôi nhưng ở nóc Ông Bình, từ đầu năm, thầy Nhân đã phải tranh thủ thời gian đến từng nhà, lắng nghe tâm tư và động viên phụ huynh, học sinh. Từ tháng 10-2022 đến nay, cứ tầm 19 giờ tối, lớp học miễn phí lại sáng đèn. Tiếng ê a đọc bài vang ấm một góc bản. “Nóc Ông Bình có 47 hộ dân, là đồng bào Xê Đăng. Đời sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, còn nhiều khó khăn. Thương các cháu học trò thiệt thòi nên mình mở lớp phụ đạo miễn phí để bày thêm cho các cháu. Không chỉ hết lớp 2, các cháu phải rời bản đến trung tâm xã theo học mà còn phải đi xa hơn, đến trường nội trú huyện và giảng đường đại học… Vì thế, hành trang kiến thức hôm nay phải chắc và vững từ gốc mới mong hành trình đi được dài”, thầy Nhân chia sẻ.
2.Sau giờ học mỗi ngày, thầy Nhân còn cùng phụ huynh nấu cơm trưa phục vụ bán trú để giữ chân học trò. Mỗi ngày, nóc cử 2 phụ huynh đến nấu cơm trưa, công việc tình nguyện vì tương lai con trẻ. Chị Hồ Thị Bé, có con đang theo học lớp 2 tại điểm trường nóc Ông Bình vui vẻ nói: “Thông thường người dân ở đây rất bận rộn với việc lên nương rẫy. Đầu năm, nghe thầy Nhân phân tích, tôi thấy cũng hợp lý nên đồng ý tham gia công việc hỗ trợ nấu cơm trưa cho các con. Phụ huynh luân phiên nhau nên không mất nhiều thời gian. Đổi lại, các con được chăm sóc, được học để sau này thoát nghèo”.
Lớp học của thầy Nguyễn Văn Nhân
Đường sá đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nên thực phẩm ở nóc Ông Bình khá khan hiếm. Cuối tuần, thầy Nhân lại lặn lội về nhà ở trung tâm xã, ra chợ mua thực phẩm. Đầu tuần mang đến trường phục vụ bữa ăn đủ chất dinh dưỡng cho học trò. Chị Bé nói đùa mà rất thật: “Thầy Nhân vừa làm thầy giáo dạy chữ vừa làm bảo mẫu cho các con. Người mẹ thứ 2 của trẻ nóc Ông Bình đấy”.
Nhà chỉ có hai mẹ con, ngày còn tuổi đi học, bà Hồ Thị E Rờ luôn động viên Nhân cố gắng. Lớn lên, vào THPT, Nhân ra học trường nội trú huyện. Để con yên tâm học hành, bà E Rờ làm mọi việc để có chút thu nhập hỗ trợ thêm cho con, ngoài các khoản chi phí đã được Nhà nước hỗ trợ. Biết mẹ vất vả nên dù nhà cách trường chỉ 30km nhưng vài tháng Nhân mới về thăm một lần để đỡ tốn tiền lộ phí đi xe đò. “Cũng có bữa em chỉ đi nửa chặng xe, còn lại em đi bộ. Vất vả lắm nhưng hễ nghe đến chuyện nghỉ học là mẹ nhất định không đồng ý”, Nhân kể.
Nụ cười ngây thơ của trẻ vùng cao là động lực để thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Nhân trụ lại với nghề
3.Nhân chọn nghề sư phạm vì yêu trẻ và thích nghề giáo. Có một lý do khác mà tôi biết, chàng trai người Xê Đăng ấy không muốn những em nhỏ sau bị đứt đường học vấn. Vì chỉ có học mới là cách thoát nghèo bền vững. Tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học – Trường ĐH Quảng Nam, Nhân tình nguyện trở về quê, xin đến dạy ở các bản làng khó khăn nhất của xã. Nhân nhẩm tính, 3 năm dạy học ở điểm trường nóc Ông Văn, 1 năm về nóc Ông Thái và 2 năm nay dạy ở nóc Ông Bình. Nóc nào đời sống của bà con cũng khó khăn. Sóng điện thoại là thứ xa xỉ. Đó là chưa kể không điện thắp sáng, nước sinh hoạt lấy từ suối. Điều níu chân thầy Nhân ở lại có lẽ là tấm lòng của các phụ huynh và sự ngoan ngoãn, lễ phép của học trò.
Trải nghiệm một ngày ở nóc Ông Bình, thầy Nhân đưa chúng tôi trở lại trung tâm xã qua con đường đất sình lầy. Nhiều con dốc cảm giác chỉ cần mất tập trung là có thể bị trượt ngã bất cứ lúc nào. Thầy Nhân bảo: “Vất vả thế đấy nhưng nói chung vẫn còn… leo qua dốc được”. Trong câu chuyện xua tan sự mệt nhọc trên đường đi, chúng tôi như lặng đi khi nghe thầy Nhân bảo: “Em và cô Tý đang dạy mầm non ở nóc này đều đang là giáo viên hợp đồng, lương chỉ có 3,8 triệu đồng/tháng. Khó khăn đấy nhưng vì học trò thì đều có thể vượt qua được”.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)