Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thầy và trò cùng xài hàng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã tham gia tích cực. Điều này được thể hiện qua việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy và học của nhà trường…

Năm học 2011-2012, TP.HCM có gần 1.100 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Theo đó hầu hết các trường đều trang bị gần như 100% đồ dùng là hàng Việt Nam.
Đơn cử như Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3, Q.11. Trước đây, trường có 2 cơ sở, cả 2 đều xuống cấp – trời nắng thì nóng, trời mưa thì dột. Theo đó trường chỉ có 5 lớp với khoảng 200 học sinh. Năm 2010, trường được khởi công xây mới và đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2011-2012. Số học sinh cũng tăng lên trên 350 em với 10 lớp. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nhà trường đã trang bị mới gần như hoàn toàn. Trước tiên là dụng cụ nhà bếp, từ dụng cụ phục vụ nấu ăn cho tới tô, muỗng của học sinh đều là hàng Việt Nam. Các dụng cụ phục vụ việc dạy và học của cô và cháu cũng là hàng Việt Nam được mua của Công ty Trang thiết bị mẫu giáo Ti Ti, Công ty Trang thiết bị dạy học TP. Đồ chơi bằng nhựa thì mua của Công ty nhựa Đại Đồng Tiến, Thành Phát… Cô Nguyễn Thị Tám – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có thể nói Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 sử dụng 100% hàng Việt Nam. Nhìn chung hàng Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học ở các trường mầm non. Bởi ở mầm non, đồ dùng học tập chủ yếu là do cô giáo tự làm. Nguyên vật liệu cũng rất đơn giản như là mút, cao su, đất sét, giấy…”.
Ở mầm non, việc nuôi cũng rất quan trọng. Và nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cũng như hầu hết các trường khác, Trường Mẫu giáo Sơn Ca 3 chỉ mua thực phẩm của các công ty trong nước. Từ thực phẩm tươi sống cho đến sữa, trái cây đều là hàng sản xuất trong nước.
Tương tự, Trường Mầm non Tuổi Xanh, Q.Tân Bình và Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè là 2 trường mới được đưa vào sử dụng trong năm học này cũng tích cực sử dụng hàng Việt Nam. Từ những trang thiết bị nhỏ như cây viết bi, quyển tập cho đến bàn ghế của học sinh và giáo viên, đồ phục vụ bán trú của học sinh, đồ chơi trong lớp và ngoài trời… đều là hàng “made in Việt Nam”.
Cô Lê Thị Bạch Tuyết – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chương Dương, Q.5 cũng cho biết: “Trường Tiểu học Chương Dương không xài hàng nhập, chỉ có hàng Việt Nam. Văn phòng phẩm là hàng Việt Nam, bàn ghế trong các lớp học, phòng họp đều là hàng Việt. Ghế để học sinh ngồi mỗi khi chào cờ, làm lễ là hàng của Công ty nhựa Chợ Lớn. Đồ dùng dạy học của giáo viên như que trắc nghiệm, cặp đi tìm ẩn số… cũng là hàng Việt Nam sản xuất”…
Không chỉ có vậy, các trường cũng tuyên truyền để phụ huynh mua sắm cặp, giày dép cho học sinh là hàng Việt Nam.
Sự hưởng ứng tích cực của ngành GD-ĐT đối với cuộc vận động “Người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam”, phần lớn là do chất lượng của hàng Việt đã phần nào đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường. Bên cạnh đó, giá cả của hàng Việt Nam rất phù hợp với “túi tiền” eo hẹp của các trường…
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)