Thể dục thể thao (TDTT) luôn được coi là hoạt động quan trọng trong mỗi nhà trường khi không chỉ rèn luyện thể chất mà còn nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhận thức được tầm quan trọng này, nhiều trường học tại TP.HCM đã “làm mới” hoạt động TDTT, tăng sự thích thú cho HS. Đặc biệt, nhiều trường còn chủ động mang TDTT đến với giáo viên.
Cô và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) hào hứng tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Ảnh: L.Đ
Học thể dục chưa bao giờ là nhàm chán
Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Trường THPT Tenlơman (Q.1) mạnh dạn đưa thêm các môn: võ, khiêu vũ, Aerobic vào thời khóa biểu buổi hai của các lớp, trở thành những tiết học kỹ năng sống cho HS. Ngoài các tiết học thể dục bắt buộc trong thời khóa biểu chính khóa, HS được phép lựa chọn các môn học kỹ năng sống trên với thời lượng 2 tiết học/tuần.
Chia sẻ về cách làm này, cô Trần Thị Thơm – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, việc đưa những môn thể thao mới vào trong trường học không chỉ nhằm tăng cường chất lượng hoạt động thể chất cho HS mà trên hết là trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hiện đại.
“Đó là kỹ năng ứng phó với những bất trắc trong cuộc sống, rèn luyện thân thể, kỹ năng hội nhập thời đại. Xen kẽ với các bộ môn văn hóa, những môn học kỹ năng này còn mang đến cho HS những phút giây thư giãn, thả lỏng cơ thể, giải tỏa năng lượng, từ đó sẽ tiếp thu bài một cách tốt hơn”, cô Thơm cho hay.
“Mạnh tay” nhất trong việc rèn luyện thể chất cho HS phải kể đến Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Với nhiều sân chơi như sân bóng, hồ bơi, bóng rổ cùng nhiều CLB TDTT, thể dục chưa bao giờ là môn học nhàm chán của HS nhà trường. Đặc biệt, đây là cũng ngôi trường đầu tiên tại TP.HCM tiên phong đưa bộ môn võ Judo vào giảng dạy chính thức.
“HS đến trường không chỉ giỏi về kiến thức mà các em còn phải được rèn luyện về thể chất. Sức khỏe có tốt thì việc học mới tốt. Nhất là trong thời hội nhập, ngoài kiến thức các em còn phải có những kỹ năng để tự tin hội nhập”, cô Nguyễn Thị Hồng Chương – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ.
Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) lại lựa chọn mô hình đưa Yoga đến HS. Theo đó, hơn 2 năm nay, HS khối 11 được lựa chọn thời gian học bộ môn này, đảm bảo 2 tiết/tuần trong tiết học buổi 2. Bên cạnh đó, hoạt động TDTT của HS còn được làm mới bằng nhiều môn học thể dục tự chọn như cầu lông, bóng rổ, bóng bàn, bóng chuyền, võ Judo…
Ở lứa tuổi tiểu học, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) được biết đến với nhiều hoạt động “kéo” HS đến với các hoạt động rèn luyện thể chất. Trong 25 CLB của trường thì có tới 13 CLB là về TDTT như cờ vua, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, bóng đá, võ Vovinam, Taekwondo, múa ba lê, múa dân gian, Aerobic, nhảy hiện đại… Một ngày, mỗi HS sẽ được tham gia ít nhất 3 CLB.
Đây cũng là trường đầu tiên tại TP.HCM mạnh dạn áp dụng hình thức cấp giấy chứng nhận kiểu bơi cho HS vào phổ cập bơi từ năm học 2017-2018. Theo cô Lâm Hồng Lãm Thúy – Hiệu trưởng nhà trường, phổ cập bơi cho HS thôi chưa đủ, bằng hình thức cấp giấy chứng nhận kiểu bơi sẽ thể hiện được trách nhiệm của các bên liên quan (Trung tâm TDTT Q.1, hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm Q.1) trong việc nâng cao chất lượng bơi cho HS.
“Giấy chứng nhận kiểu bơi sẽ giúp HS có ý thức hơn trong việc học bơi, chất lượng bơi đi vào thực chất, phụ huynh tin tưởng hơn và huấn luyện viên cũng sẽ có trách nhiệm hơn”, cô Thúy khẳng định.
Cũng theo cô Thúy, những HS giỏi bơi lội sẽ được rèn luyện và trang bị thêm các kỹ năng cứu người trong các tình huống khẩn cấp để thành lập đội tuyển cứu đuối. Đối với những HS đã biết bơi, ngay trong giờ học bơi các em sẽ được lựa chọn học cờ vua hoặc học an ninh quốc phòng. Đây cũng là năm đầu tiên nhà trường thành lập CLB An ninh quốc phòng, lồng ghép giữa tình yêu quê hương đất nước với GD thể chất cho HS. Thể dục giữa giờ cũng được nhà trường duy trì và làm mới bằng các hình thức như tập võ Vovinam trên nền nhạc cổ truyền (vào thứ ba, năm), múa cộng đồng (thứ tư, sáu). Tất cả các hoạt động TDTT của nhà trường đều được tổ chức ngoài không gian lớp học nhằm mang đến cho các em sự thoải mái. HS tiểu học các em rất hiếu động nhưng cũng nhanh chán. Để thu hút được các em đến với hoạt động rèn luyện thể chất thì trước tiên những hoạt động này phải có sự đa dạng và làm mới, để các em tìm được niềm yêu thích, say mê…
Thầy cô cũng… tập thể dục
Để “kêu gọi” HS say mê TDTT thì chính giáo viên phải là lực lượng đi đầu trong rèn luyện thể chất để “làm gương” cho các em. Theo đó, nhiều trường đã đưa giáo viên đến với các bộ môn thể thao rèn luyện sức khỏe.
Hơn 1 năm nay, cứ sau cuối giờ học buổi chiều (từ 17-18 giờ), hơn 30 giáo viên nữ của Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9) lại say mê đến với lớp học Yoga ngay giữa sân trường hoặc phòng hội trường.
Cô Dương Thị Hải Quý – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, lựa chọn Yoga vào nhà trường bởi đây là bộ môn thể thao nhẹ nhàng mà vẫn rèn luyện được sức khỏe, ý chí, sự kiên trì và dẻo dai. Nhà trường thuê giáo viên Yoga về dạy, các cô giáo rất thích và hăng say tập luyện. Sau những giờ dạy căng thẳng, Yoga giúp các cô điều hòa cơ thể, lấy lại năng lượng cho những giờ lên lớp sau. Thấy các cô tập luyện, HS cũng rất thích thú, từ đó nêu cao tinh thần TDTT cho các em.
Không riêng Trường THPT Nguyễn Huệ, Yoga cũng là môn thể thao được nhiều trường lựa chọn cho giáo viên tập luyện. Tại Trường THPT Tenlơman, bộ môn này được mang đến cho giáo viên từ đầu năm học 2018-2019.
“Tận dụng thời gian nghỉ buổi trưa từ 11 giờ 30 đến 12 giờ 45, các ngày thứ hai, tư, sáu, phòng Lab của trường biến thành phòng tập Yoga cho các cô. Điều thuận lợi là giáo viên trong trường là HLV Yoga nên đứng luôn lớp dạy. Dù rất bận rộn nhưng cô nào cũng sắp xếp để học”, cô Thơm cho biết.
Theo cô Thơm, rèn luyện TDTT không chỉ cần thiết với HS mà ngay cả giáo viên cũng phải có tinh thần, trách nhiệm. Chỉ khi người thầy khỏe mạnh, minh mẫn thì việc giảng dạy mới thật sự chất lượng.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Du, Yoga không chỉ được đưa vào cho HS mà ngay cả giáo viên cũng được trải nghiệm. Theo thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng nhà trường, mỗi tuần giáo viên có 2 buổi học Yoga từ 12 giờ đến 13 giờ 15 trưa. Trước tiên là để nâng cao sức khỏe cho thầy cô. Sau nữa là từ Yoga mong muốn các thầy cô biết “điều tiết bản thân” để công việc giảng dạy đạt hiệu quả cao.
Còn tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm trong mỗi giờ tập thể dục giữa giờ, thầy cô luôn được khuyến khích xuống sân “nhảy múa” cùng HS để giải tỏa năng lượng, rèn luyện sức khỏe và… “cổ vũ” HS.
Lan Đỗ
Bình luận (0)