Để đạt hiệu quả giảng dạy trực tuyến toàn thời gian trong bối cảnh như hiện nay, các thầy cô giáo không khỏi có những trăn trở. Từ kinh nghiệm cá nhân, chúng tôi chia sẻ một vài suy nghĩ…
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) trong giờ học trực tuyến (ảnh minh họa)
Giảm thiểu thời gian nhìn màn hình
Nếu trẻ phải học trực tuyến nhiều buổi liên tục sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sự vận động cơ thể, tâm lý và tâm trí của trẻ. Để khắc phục điều này, chúng ta hãy thiết kế bài dạy thành nhiều hoạt động nhỏ, trong đó có những hoạt động không nhất thiết thầy và trò phải tương tác trên không gian lớp học ảo thông qua các thiết bị điện tử. Chẳng hạn, sau một tiết kiến thức lý thuyết, thầy cô có thể giao một bài tập nhỏ thực hành (kèm kết quả sản phẩm) vào tiết sau mà trẻ không cần phải mở máy. Điều này vừa giúp trẻ không nhìn nhiều vào màn hình vừa có thể tiết kiệm điện, giúp các thiết bị điện tử phục hồi năng lượng, giảm hao phí sử dụng. Để quản lý tốt việc thực hành của trẻ, ngoài việc yêu cầu kết quả sản phẩm cụ thể, chúng ta cần xây dựng sự liên kết giữa tiết thực hành làm bài tập với tiết học trước và sau đó, tức là trẻ phải tham gia làm bài tập thực hành thì mới có thể tiếp tục vào phần nội dung học tiếp theo. Kiểu thiết kế này đòi hỏi chúng ta bỏ thời gian chăm chút hơn cho bài giảng, và sự khéo léo trong việc liên kết nội dung giữa các hoạt động để tạo ra bố cục hợp lý. Ngoài ra, cũng cần thông báo cách thức học này với phụ huynh, để tránh hiểu lầm vì không thấy trẻ mở máy; và đồng thời, nếu có thể, phụ huynh sẽ giúp thầy cô hỗ trợ quản lý hoạt động thực hành của trẻ.
Chú ý tâm thế, tâm lý người học
Phàm làm việc gì, muốn hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là tâm thế thực hiện. Trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp, lại ở lứa tuổi chưa có nhiều trải nghiệm, hiếu động, chưa nhận thức cao về việc học, trẻ cần nhận được sự cảm thông, chia sẻ, đồng hành từ phía thầy cô. Chúng ta cần tránh tạo ra những áp lực không đáng có cho trẻ về việc học trực tuyến mùa dịch. Hãy cùng nhau hứa hẹn và tạo sự đồng thuận về một số giao ước, quy tắc của lớp học. Nếu có thể, chúng ta để các em đề xuất, sau đó thầy cô khéo léo chốt lại; thay vì chúng ta áp đặt đưa ra ngay từ đầu, sẽ khiến trẻ cảm thấy gò bó, áp lực, thiếu sự lắng nghe. Trong quá trình học, việc thưởng phạt rõ ràng, minh bạch, công bằng cũng là điều cần thiết để giúp kỷ luật lớp học trực tuyến được đảm bảo một cách tối đa. Và hãy chú ý đến những hình phạt tích cực. Kỷ luật để trẻ thay đổi nhận thức và sửa sai hành động, chứ không phải để hả cơn giận của thầy cô và tăng sự bất phục, phản kháng ở trẻ.
Tận dụng phù hợp các công cụ hỗ trợ dạy học tương tác
Trong quá trình học, việc thưởng phạt rõ ràng, minh bạch, công bằng cũng là điều cần thiết để giúp kỷ luật lớp học trực tuyến được đảm bảo một cách tối đa. |
Có khá nhiều công cụ hỗ trợ dạy học tương tác miễn phí trên internet như Kahoot, Mentimeter, Nearpod, Padlet… Thầy cô có thể tận dụng các công cụ này để giúp bài dạy trở nên sinh động, cuốn hút với trẻ. Điều này giúp chúng ta đa dạng hóa các hoạt động học tập bởi biết kết hợp bài giảng bằng nhiều kênh truyền tải khác nhau như kênh chữ, kênh hình ảnh, kênh âm thanh, kênh trò chơi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cần tránh lạm dụng các công cụ này. Thực tế cho thấy nhiều thầy cô cảm thấy học sinh đam mê các hiệu ứng nên rất hứng khởi, sa đà tổ chức nhiều hoạt động sử dụng công cụ hỗ trợ, dẫn đến làm loãng nội dung bài học, khiến trẻ mất tập trung vào lượng kiến thức cần đạt. Vì vậy, chúng ta chỉ sử dụng các công cụ hỗ trợ với mỗi nội dung kiến thức tương ứng, phù hợp.
Hình thành và tăng cường kỹ năng tự học
Học trực tuyến đòi hỏi ở trẻ kỹ năng tự học cao hơn so với học trực tiếp. Để xây dựng ở trẻ ý thức và khả năng tự học, chúng ta cần cung cấp và giới thiệu cho trẻ các tài liệu tham khảo, hướng dẫn trẻ việc đọc, ghi chú tài liệu, hệ thống hóa các nội dung theo hình thức sơ đồ tư duy hoặc các bảng tóm tắt đơn giản nếu trẻ ở độ tuổi nhỏ. Các hoạt động tìm hiểu tài liệu không chỉ giúp trẻ có thêm động cơ, động lực học tập mà còn tạo cơ hội để trẻ thể hiện năng lực sáng tạo. Muốn hoạt động này hiệu quả, thầy cô cần xác định kết quả sản phẩm rõ ràng để trẻ dễ dàng hướng đến mục tiêu cụ thể.
Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)
Bình luận (0)