Sự kiện giáo dụcTin tức

Thầy và trò thi đua phát triển sự nghiệp GD-ĐT thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Các tập thể và cá nhân được tặng bằng khen

“Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mỗi cán bộ – giáo viên của ngành GD-ĐT TP cũng phải thực hiện tốt thiên chức của nhà giáo trong sự nghiệp trồng người. Vì vậy, công tác thi đua khen thưởng là một trong những biện pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sự nghiệp GD-ĐT…”. Đó là phát biểu của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước và nhân tố điển hình tiên tiến ngành GD-ĐT (giai đoạn 2005-2009) do Sở GD-ĐT TP tổ chức sáng 17-11.
Thi đua để tiến bộ
Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và nhân điển hình tiên tiến), trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo ngành GD-ĐT TP đã định hướng gắn phong trào thi đua với nhiệm vụ chính trị của ngành, của đơn vị.
Theo đó, phong trào thi đua hai tốt đã được cụ thể hóa thành những cuộc vận động với các nội dung thiết thực thể hiện nhiệm vụ trọng tâm từng năm học. Cụ thể như cuộc vận động “Hai không”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Giỏi việc trường – đảm việc nhà”, “Tự học tự rèn”… Bên cạnh đó, các hoạt động chuyên môn cũng được chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều hình thức phong phú, sinh động và hiệu quả như hội thi giáo viên giỏi trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên, giải thưởng Võ Trường Toản. Qua đó đã chọn được những thầy, cô giáo dạy giỏi và có tâm huyết với ngành, tạo được sự tín nhiệm của xã hội.
Ngoài ra những giải thưởng dành riêng cho học sinh như “Giải Trần Đại Nghĩa”, “Giải Lê Quí Đôn”, “Giải Lương Thế Vinh”, cuộc thi “Văn hay chữ tốt”… đã tạo cho các em động lực học tập nghiêm túc, hiệu quả.
Về phía Sở GD-ĐT đã thực hiện kịp thời việc xét chọn giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua, phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú và đề nghị xét tặng các danh hiệu thi đua cho các đơn vị tập thể, cá nhân… Mỗi năm ngành GD-ĐT đều chọn những đơn vị xuất sắc của từng ngành học, bậc học để nhận cờ thi đua của UBND TP, của Bộ GD-ĐT…
“Trong giai đoạn 2005-2009, toàn ngành GD-ĐT TP có 4 đơn vị nhận Huân chương Lao động (HCLĐ) hạng I, 8 đơn vị nhận HCLĐ hạng II, 46 đơn vị và cá nhân nhận HCLĐ hạng III, 10 cá nhân được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc, 16 nhà giáo ưu tú. Và ngành cũng là một trong những đơn vị của các nước có sự phát triển toàn diện bền vững, 2 năm liền là đơn vị dẫn đầu cụm thi đua vùng 7 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, nhận cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD-ĐT, cờ thi đua của UBND TP…”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn cho biết.
Song song với thành tích của thầy là những thành quả của trò. Nhiều học sinh đã làm rạng danh cho thành phố và đất nước tại các cuộc thi quốc tế bằng việc rinh về những huy chương bạc. Ngoài ra, hàng năm còn có hàng ngàn học sinh đứng đầu các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp thành phố…
Toàn xã hội sẽ cùng quan tâm đến giáo dục

Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho các tập thể

Để đạt được những thành tích nói trên, không phải ngành GD-ĐT TP không có những khó khăn. Đó là “Các điều kiện đảm bảo phát triển giáo dục toàn diện còn nhiều hạn chế. Tốc độ tăng dân số cơ học còn cao, tiến độ xây dựng mới và mở rộng trường lớp còn chậm so với tốc độ phát triển của ngành hiện nay. Thêm vào đó là mâu thuẫn giữa yêu cầu đổi mới và cơ chế hoạt động vốn có luôn là sự cản trở nặng nề. Sự thiếu thống nhất về quan điểm cũ mới đan xen dẫn đến những trở ngại không nhỏ trong tiến trình đổi mới nhà trường. Chế độ chính sách và đặc biệt là cơ chế hoạt động của các trường công lập chưa phát huy hết khả năng tích cực và sáng tạo của cơ sở, của giáo viên”, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định.
Song, vượt lên những khó khăn, ngành GD-ĐT TP đã có những bước đi đúng hướng, xây dựng nhiều phong trào thi đua, tổ chức các cuộc vận động sôi nổi… Và “đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, khẳng định vị trí – vai trò và chất lượng GD-ĐT của thành phố. Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, của từng thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người”, ông Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngành GD-ĐT TP không nên bằng lòng với những kết quả đạt được mà cần phát huy để ngày càng phát triển. Theo ông Thuận, “Ngành GD-ĐT TP cần thực hiện việc đổi mới toàn diện nhà trường, đi đầu trong triển khai thực hiện kết luận số 242/TB-TW của Bộ Chính trị: Xây dựng một nền GD-ĐT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tích cực đổi mới quản lý và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ quản lý, giáo viên tự học, tự rèn, không ngừng nâng cao trình độ chủ động và sáng tạo trong thiên chức dạy người. Giáo viên phải tổ chức cho học sinh tích cực rèn luyện trở thành những người công dân có ích cho xã hội…”.
Và với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “Thay mặt UBND TP, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cùng chung sức quan tâm nhiều hơn nữa cho lĩnh vực GD-ĐT. Phấn đấu xây dựng ngành GD-ĐT TP phát triển đi trước một bước, ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực”, ông Thuận nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)