Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thấy vậy mà không phải vậy!

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi có người đồng nghiệp dạy ngữ văn ở một trường vùng sâu của tỉnh. Tuy vậy, thầy rất ham học hỏi, luôn tìm tòi những cái mới để bài dạy sinh động, hấp dẫn hơn… Vừa rồi, ở trường thầy vận dụng phương pháp mới: cho học sinh (HS) thuyết trình, tự tìm hiểu tác phẩm theo hướng dẫn của giáo viên…

Vừa rồi, thầy lên FB hình ảnh một lớp học trong giờ thuyết trình tiết học ngữ văn thấy rất sôi nổi, hào hứng; tôi liền nhắn tin bày tỏ sự thích thú và nói rằng: các em HS bây giờ nhanh nhạy, năng động, giỏi quá!

Bài học khó như vậy mà thuyết trình trơn tru, trôi chảy từ đầu đến cuối. Giáo viên (GV) chỉ ngồi một chỗ, lâu lâu kêu các nhóm cùng tranh luận mỗi khi có nhóm làm xong phần của mình. Trên bảng chỉ có tiêu đề Thuyết trình “Chí Phèo”, ngoài ra không có dàn ý gì hết! Trong lúc bạn mình nói, các nhóm còn lại ngồi nghe; có em ghi chép, có em không ghi; thậm chí có em còn mang điện thoại ra quẹt quẹt…

Xong đến phần GV nhận xét một số ý kiến của buổi thuyết trình và cho điểm các nhóm. Tiết học kết thúc trong không khí tươi vui vì nhóm nào cũng đạt điểm cao…

Tôi đem nhận xét của mình về tiết học, khen trình độ của HS bây giờ khác xa ngày trước cho người đồng nghiệp nghe. Nghe xong, bạn cười lớn và nói ngay:

– Thấy vậy mà không phải vậy thầy ơi!

Sau khi tìm hiểu một số GV khác về những tiết thuyết trình, tự tìm hiểu bài của HS, tôi mới “vỡ” ra nhiều điều! Đó là việc thực hiện trả lời câu hỏi do từng nhóm thực hiện trước ở nhà.

Lẽ ra theo đúng nghĩa “học nhóm” thì cả nhóm cùng ngồi lại, cùng tranh luận, cùng nhau tìm ra câu trả lời. Nhưng các bạn trong nhóm lại “phân công” cho một vài bạn học khá có “nhiệm vụ” tìm câu trả lời… trên mạng! Thế là các em tải về, thêm mắm thêm muối thành câu trả lời của mình.

Khi thuyết trình, những bạn được “phân công” sẽ thay mặt nhóm trình bày; còn lại ngồi nghe và ghi nhận những ý kiến phản biện (nếu có). Còn GV cứ thấy các em nói “nhiệt tình”, không biết được đó là ý của người khác nên ghi điểm luôn cao!

Dạy tiết thuyết trình thấy GV thật khỏe, không phải đứng nói, điều hành, quản lý tiết học suốt buổi như tiết học truyền thống. Nhưng vấn đề đặt ra là HS không hiểu bài thì sao? Quản lý, bao quát, hướng dẫn HS ghi bài như thế nào? Những lời thuyết trình có phải là sự hiểu biết của các em, có phải là kiến thức thật sự của các em hay không?

Thực ra, một tiết thuyết trình không hề đơn giản; đòi hỏi GV phải có năng lực, trình độ nhất định. Phải biết lường trước các câu hỏi, các cách hiểu của HS để có sự định hướng cần thiết. Phải kỳ công soạn câu hỏi phù hợp đối tượng, điều kiện chứ không cứng nhắc như câu hỏi trong SGK…

Đúng như người đồng nghiệp nói: “Thấy vậy mà không phải vậy” thật đúng trong những trường hợp “thuyết trình” như thế này!

Hng Lam Sơn

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)