Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thế giới biển của nhà văn Lê Đức Dương

Tạp Chí Giáo Dục

"Đảo Thần Kiếm", "Cá voi Eren đến hòn Mun", "Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh"… đều là những tác phẩm mang đậm dấu ấn biển của nhà văn Lê Đức Dương. Anh cũng là một trong những cây bút tích cực lan tỏa văn hóa đọc đến bạn đọc thiếu nhi.

Những cuộc phiêu lưu trong lòng biển

Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh là tác phẩm mới nhất của nhà văn Lê Đức Dương (dự giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất 2023-2025, vừa được phát hành).

Một số tác phẩm được yêu thích, tràn ngập không gian biển của nhà văn Lê Đức Dương

Một số tác phẩm được yêu thích, tràn ngập không gian biển của nhà văn Lê Đức Dương

Trước đó, anh từng chinh phục bạn đọc với truyện dài Cá voi Eren đến hòn Mun – tác phẩm được trao giải C, giải thưởng Sách Quốc gia năm 2021. Cả hai đều viết về cuộc phiêu lưu của các loài sinh vật biển: một về hành trình di cư của gia đình cá voi từ Nam Cực đến hòn Mun (Nha Trang) và một về cuộc khám phá đáy biển, khám phá thế giới của chú còng gió vừa chào đời.

Biển cả rộng lớn, muôn màu trong trang viết của Lê Đức Dương. Nếu quê hương của cá voi Eren tận Nam Cực thì mái nhà của Còng Gió là bờ cát Nha Trang. Với Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh, nhà văn đã cho bạn đọc một cuộc đồng hành thú vị với nhân vật Còng Gió từ lúc mới ra đời, đào cát chui lên mặt đất và bắt đầu khám phá thế giới. Còng Gió theo bầy vích con xuống đáy biển, đối mặt với bao nhiêu hiểm nguy nhưng cũng gặp gỡ, kết giao với rất nhiều bạn mới. Thế giới sinh vật nơi miền cát trắng hiện lên sống động, đa dạng trong tác phẩm: ghẹ xanh, cua đỏ, rạm vàng, tiên sinh Cóc Đốm, nhà Dông Cát, “nghĩa quân” kiến sa mạc… Còng Gió bé nhỏ hòa vào cuộc đời lớn, trải qua quá trình trưởng thành nhiều thử thách nhưng đầy bất ngờ, thú vị.

Nhiều năm sống và làm việc tại TP Nha Trang, nhà văn Lê Đức Dương (sinh năm 1967, tại Hải Dương, hiện công tác tại Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng) đã có những miêu tả rất sống động về không gian biển. Trong tác phẩm lần này, câu chuyện bảo tồn rùa biển cũng được anh đặc biệt nhắc đến qua câu chuyện vích mẹ được con người cứu khỏi mắc lưới và gỡ hàu bám trên lưng. “Phép màu trên thế gian là có thật! Chính con người đã làm nên điều kỳ diệu của lòng nhân hậu” – trích chương 5, Vích mẹ bị bắt. Con người xuất hiện trong tác phẩm thoáng qua, chỉ như những “vị khách” của biển cả nhưng góp phần truyền tải thông điệp lớn về bảo vệ môi trường và các loài sinh vật biển.

Viết cho thiếu nhi là niềm hạnh phúc

Nhà văn Lê Đức Dương đã in tác phẩm đầu tay từ năm 1988, với tập sách Ơi con sáo mùa hạ. Đến nay, anh đã xuất bản 10 tác phẩm, trong đó có: Cào cào áo đỏ, Chú ve sầu mùa thu, Thám tử tìm mèo, Biển một thời xa vắng, Con tim mùa phượng vĩ… Năm 2017, anh gây ấn tượng với bạn đọc thiếu nhi lẫn người lớn qua tác phẩm Đảo Thần Kiếm. Với bối cảnh làng chài, Đảo Thần Kiếm không chỉ là cuộc thám hiểm ly kỳ, hồi hộp của các nhân vật thám tử nhí mà còn chuyển tải nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý và những giá trị của văn hóa biển.

Với Cá voi Eren đến hòn Mun, nhà văn xứ biển lại cho thấy trí tưởng tượng và sự sáng tạo vô biên cũng như tình yêu lớn anh dành cho biển cả cùng các loài sinh vật biển. Cá voi Eren còn là hình ảnh của sự kết nối toàn cầu khi cậu từ Nam Cực đến, được muôn loài bảo bọc, chăm sóc ấm áp ở hòn Mun. Thế giới dưới đáy biển hiện lên sống động trong trang viết, không gian tinh thần của các sinh vật biển tràn ngập tình yêu thương. Cá voi Eren đến hòn Mun thêm một lần nữa khẳng định tầm vóc của một nhà văn viết cho thiếu nhi được đông đảo bạn nhỏ yêu thích ở thời điểm này.

Nhà văn Lê Đức Dương tâm tình, viết cho thiếu nhi với anh là một niềm hạnh phúc lớn lao. Những năm qua, anh cũng tích cực về các trường giao lưu với bạn đọc nhỏ tuổi từ thành phố biển Nha Trang đến miền cao nguyên. Anh cũng vừa thiết kế một không gian dành riêng cho những buổi sinh hoạt giao lưu tác giả – tác phẩm, cũng như làm điểm đến vui chơi, đọc sách cho các em nhỏ ở TP Nha Trang.

Những năm qua, nhà văn Lê Đức Dương luôn tích cực lan tỏa văn hóa đọc đến các em nhỏ  - Ảnh từ Facebook nhân vật

Những năm qua, nhà văn Lê Đức Dương luôn tích cực lan tỏa văn hóa đọc đến các em nhỏ – Ảnh từ Facebook nhân vật

Lê Đức Dương chia sẻ, anh vẫn còn rất nhiều ý tưởng để viết cho thiếu nhi. Những câu chuyện cứ đến và đầy lên trong lòng, giàu cảm xúc đến mức có bản thảo anh hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng. Khi Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh ra mắt, anh cũng đang hoàn thành bản thảo mới mình tâm đắc. Thế giới biển đậm trong trang viết cũng là không gian rất riêng trong các sáng tác của Lê Đức Dương. Bạn đọc nhỏ tuổi có thể tiếp tục tin tưởng chờ đợi nhiều tác phẩm đáng đọc của nhà văn xứ biển. Mỗi câu chuyện anh đã viết đều chuyển tải những thông điệp về tình yêu thương và bài học để trưởng thành.

"Rừng vàng, biển bạc” trong tác phẩm dự giải thưởng Kim Đồng lần 1

Ngoài Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh, giải thưởng Văn học Kim Đồng lần 1 quy tụ tác phẩm của nhiều nhà văn tên tuổi. Biển xanh, rừng thẳm đều đã xuất hiện trong các tác phẩm cùng các nhân vật là những cô bé/cậu bé hay các nhân vật loài vật: Hải âu đi tìm cha (Trần Thu Hằng), Mùa động rừng (Sương Nguyệt Minh), Quà tết của rừng xanh (Hồng Chiến), Đại náo nhà ông ngoại (Nguyễn Xuân Thủy), Nhẩy lên và hét (Phong Điệp), Cánh diều hình nốt nhạc (Niê Thanh Mai)… Giải thưởng nhận tác phẩm dự thi đến tháng 3/2025, hứa hẹn sẽ có một mùa bội thu của văn học thiếu nhi trong thời gian tới.

Theo Lục Diệp/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)