Một cuộc thăm dò với quy mô toàn cầu do MSN News thực hiện cho thấy 81% người dân thế giới ủng hộ ông Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng
Cuộc thăm dò được tiến hành với khoảng 570.000 người ở 36 nước như Bồ Đào Nha, Anh, Đức, Indonesia, Úc, Thái Lan…
Cuộc đua gay cấn nhất lịch sử nước Mỹ
Nhiều nước có trên 90% người dân ủng hộ ông Obama như Bồ Đào Nha (94%), Bỉ (93%), Úc (93%), Đức (92%), Thụy Điển (90%)… Tại Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, tỉ lệ ủng hộ đương kim tổng thống Mỹ thấp hơn, song cũng ở mức 65%-75%.
Chỉ mỗi Trung Quốc là nước duy nhất trong số 36 nước có tỉ lệ ủng hộ ông Obama dưới 50%, mặc dù trước đó cuộc khảo sát của hãng tin Ipsos cho thấy hầu hết người Trung Quốc (63,42%) tin rằng chiến thắng thuộc về ông Obama.
Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai ông Obama và Romney đuợc đánh giá là ngang bằng . Ảnh: ABC NEWS
Ông Duncan Hooper, Tổng Biên tập của MSN News & Sport, nhận xét: “Ông Mitt Romney đã đánh mất lòng tin của người Anh sau khi ông đưa ra nhận định nước này chưa sẵn sàng tổ chức Olympic 2012 trong một chuyến thăm London. Lúc đó, ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa bị người dân nơi đây gọi là “ông Romney lóng ngóng”.
Trong khi đó, ông Obama vẫn được nhớ đến với hình ảnh người đại diện cho sự cải cách, thay đổi sau hai nhiệm kỳ bị chỉ trích nặng nề của ông George W. Bush trong Nhà Trắng. Ông Obama dồn nỗ lực nhiều cho các nhiệm vụ quốc nội và cũng thể hiện tốt trong công tác đối ngoại. Một số nước ở Trung Đông cũng dành nhiều thiện cảm đối với ông Obama với tỉ lệ người dân ủng hộ ông lên đến 79%.
Cuộc đua vào Nhà Trắng giữa ông Barack Obama và Mitt Romney được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử tổng thống gay cấn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tác động đến chính sách ở châu Á
Theo một biên tập viên của MSN News, tuy bầu cử tổng thống Mỹ không chịu tác động của người dân thế giới nhưng kết quả cuộc thăm dò cho thấy sức ảnh hưởng của ứng viên tổng thống Mỹ đối với toàn cầu.
Báo The Jakarta Post nhận định rằng nếu Tổng thống Barack Obama tái đắc cử, gần như chắc chắn rằng các chính sách về châu Á của Mỹ không thay đổi. Lúc đó, Mỹ vẫn là một cường quốc thường trú ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo đuổi chính sách tái cân bằng cả về quân sự lẫn kinh tế. Tổng thống Obama sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao hiện tại để duy trì vị thế của nước này ở châu Á, đồng thời bảo đảm Trung Quốc sẽ trở thành đối tác lâu dài.
Ngược lại, trong trường hợp ông Romney chiến thắng, một số nhà quan sát cho rằng chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ sớm thay đổi. Nhiều người quan ngại mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ xấu đi bởi vì ông Romney từng đưa ra những tuyên bố gay gắt về cường quốc châu Á này. Khi đó, có khả năng Mỹ chuyển sự chú ý sang khu vực khác ngoài châu Á.
Như vậy, theo đường hướng của ông Romney, chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ sẽ bị thay đổi và một lần nữa châu Á sẽ bị “bỏ rơi”. Tuy nhiên, cũng có người nhận định dù ai đứng đầu Nhà Trắng đi nữa, Mỹ vẫn thiết lập quan hệ hợp tác với Trung Quốc và duy trì địa vị lãnh đạo của mình ở châu Á.
Theo NLĐ
Bình luận (0)