Thế giới của Truyện Nôm của nhà nghiên cứu Maurice Durand (NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp dự án ERC – Vietnamica, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại TP.HCM vừa ấn hành), có giới thiệu hai tác phẩm nổi tiếng của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Có thể nói, công trình Thế giới của Truyện Nôm (tên nguyên tác L’Univers des Truyện Nôm) đến tay độc giả một cách trọn vẹn nhất là nhờ vợ của tác giả gom góp tư liệu dưới dạng bản thảo chép tay đầu tiên, ở dạng bản nháp từ sau khi ông qua đời.
Theo lời khuyên và tư vấn của những nhà nghiên cứu uyên thâm thân thiết với tác giả, bà gửi ông L.Vandermeersch (1994, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) đầu tiên, rồi gửi tiếp đến ông Lê Hữu Mục – nhà nghiên cứu Việt Nam sống ở Canada tiến hành biên soạn và bổ sung thêm.
Công trình được biên soạn bởi cố GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, GS Philippe Papin và PGS Philippe Le Failler. Ảnh: NXB
Sau đó, bản thảo được đưa trở lại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và ông L.Vandermeersch chuyển tiếp cho ông D.Lombard (Giám đốc kế nhiệm của Viện) – người trực tiếp mời giáo sư Đinh Gia Khánh tham gia vào việc biên soạn lại sách để có thể công bố. Công việc đưa bản thảo từ dạng nháp đến gần như hoàn thiện là một chặng đường khá dài và phức tạp, đó cũng là nhờ vào công lớn của GS Đinh Gia Khánh.
Hai kiệt tác Lục Vân Tiên cùng Ngư tiều vấn đáp y thuật cùng xuất hiện
Hai trong số kiệt tác văn học Việt Nam nổi bật là Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên với số lượng xuất bản và nghiên cứu kèm theo đáng kể. Đặc biệt là năm 2022, UNESCO vừa trao văn bản công nhận vinh danh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (1822 – 2022), Thế giới của Truyện Nôm cũng ghi nhận sự kiện này và giới thiệu hai tác phẩm Lục Vân Tiên cùng Ngư tiều vấn đáp y thuật.
Chuyên khảo này của Maurie Durand không chỉ cung cấp cho độc giả Pháp cái nhìn chính xác về hai thể loại văn học (truyện Nôm và ngâm khúc, ca…) trong văn học truyền thống Việt Nam, mà còn là một nghiên cứu phê bình về một số lượng tác phẩm đáng nể. Ảnh: NXB
Công trình được biên soạn bởi cố GS Đinh Gia Khánh, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Nguyên, GS Philippe Papin và PGS Philippe Le Failler. Trong lần xuất bản mới nhất (kể từ lần đầu xuất bản năm 1998 chỉ có bản tiếng Pháp – chữ Nôm) được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp và cải tiến thêm Việt ngữ bởi đội ngũ thực hiện hùng hậu: Olivier Tessier (tổ chức biên soạn), Marcus Durand (con trai tác giả) – Nguyễn Thị Hiệp – Philippe Papin (dịch và giới thiệu), Võ Thị Minh Tâm (hiệu đính), Hoàng Ngọc Hiếu (chế bản chữ Nôm) và còn sưu tầm thêm nhiều hình ảnh minh họa đặc sắc cho những truyện thơ.
Nguyên tác tiếng Pháp vốn là một bản di cảo còn dang dở vào thời điểm Maurice Durand qua đời (1966). Vì vậy Thế giới của Truyện Nôm không hoàn thiện và chưa thực sự ăn khớp như những trước tác của ông, thậm chí là khó tránh khỏi những thiếu sót, nhưng đội ngũ thực hiện về cơ bản vẫn tôn trọng nguyên tác và gắng công hoàn thiện nhất có thể với kho tư liệu mà tác giả để lại.
Chuyên khảo này của Maurie Durand không chỉ cung cấp cho độc giả Pháp cái nhìn chính xác về hai thể loại văn học (truyện Nôm và ngâm khúc, ca…) trong văn học truyền thống Việt Nam, mà còn là một nghiên cứu phê bình về một số lượng tác phẩm đáng nể.
Chủ đề được khai thác trong truyện Nôm thường được lấy từ tiểu thuyết Trung Hoa, từ truyền thuyết, cổ tích Việt Nam, có khi từ những giai đoạn lịch sử nổi tiếng nhất của Việt Nam, hoặc là những sáng tác theo trí tưởng tượng của một số tác giả khuyết danh hay hữu danh. Nổi tiếng nhất phải kể đến các truyện thơ Nôm Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm khúc, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính…
Tác phẩm Lục Vân Tiên gắn liền với tên tuổi danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh:T.L
Được biết, tác giả Thế giới của Truyện Nôm Maurice Durand (1914 – 1966), sinh ra ở Hà Nội, cha là GS Gustave Durand – một nhà Hán học người Pháp – Trưởng phòng dịch thuật Tòa án đồng thời là giáo viên tiếng Trung của Trường Đại học Tổng hợp, mẹ là Nguyễn Thị Bình, người Việt quê gốc ở Kiến An. Ông là một trong những nhà nghiên cứu song ngữ hiếm hoi của Viện Viễn Đông Bác cổ sở hữu hai nguồn văn hóa Pháp Việt và có mối liên hệ mật thiết với chữ Hán. Ông đảm trách giám đốc trung tâm của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (từ 1954 đến 1957). Trở về Pháp công tác, ông vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp và Maurice Durand tin tưởng giao gửi trách nhiệm xuất bản toàn bộ các công trình nghiên cứu của mình.
Maurice Durand vừa là nhà sử học, ngữ văn học, vừa là nhà phê bình văn học và nhà phân tích mỹ thuật. Ông đã để lại nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ và có giá trị lâu dài như: Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu, Nhập môn văn học Việt Nam, Tri thức văn hóa cổ truyền Việt Nam, Lịch sử thời Tây Sơn, Thế giới của Truyện Nôm… nhiều công trình dịch, hàng trăm bài viết và một số lượng bản thảo đồ sộ chưa từng được xuất bản. Trong đó, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam từng hai lần vinh danh tác phẩm của ông thực hiện và đóng góp chung vào các năm 2019 với Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu; Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Thánh Mẫu linh tiêm (năm 2021, đều do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành). |
Theo Lê Công Sơn/TNO
Bình luận (0)