Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thế giới “khát” khẩu trang, đồ bảo hộ sao doanh nghiệp Việt thờ ơ?

Tạp Chí Giáo Dục

Châu Âu, Mỹ phải tranh giành mua khẩu trang, thiết bị bảo hộ. Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam chuyển sang sản xuất khẩu trang nhưng lại chẳng thể xuất khẩu vì đủ lý do.

Cờ đến tay… khó phất

Theo Bộ Công thương, thị trường Canada đang có nhu cầu cao đối với các mặt hàng khẩu trang N95, khẩu trang phẫu thuật, găng tay, áo choàng y tế, bộ đồ bảo hộ y tế, nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị đo nhiệt độ, bộ KIT xét nghiệm COVID-19…

Tương tự, thị trường Mỹ cũng đang có nhu cầu lớn đối với quần áo phòng hộ cho nhân viên y tế; thị trường Nga đang cần cung cấp bộ đồ bảo hộ dùng một lần, khẩu trang y tế… với số lượng từ một triệu đến hai triệu cái hoặc hơn. Đó còn chưa kể tới nhu cầu từ các nước châu Âu.

Doanh nghiệp Việt tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn trước nhu cầu thị trường tăng cao

Thế nhưng, nhiều DN trong nước lại không mấy hào hứng trước thông tin này. Bởi để xuất khẩu được, DN phải cung cấp giấy tờ chứng minh hàng hóa không thuộc hạng mục cấm xuất khẩu từ Việt Nam, kèm theo hàng loạt các điều khoản thanh toán, giao-nhận, khối lượng…

Bên cạnh đó, các nước yêu cầu khá khắt khe về kỹ thuật chi tiết cho các sản phẩm (SP) khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ y tế. Bên cạnh đó, có những nước không nhập khẩu các đơn hàng đơn lẻ, trực tiếp mà phải thông qua các đầu mối. Chẳng hạn, DN muốn xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha phải thông qua Hiệp hội DN Công nghệ Y tế Tây Ban Nha (FENIN).

Anh Hưng – đầu mối chuyên xuất khẩu hàng hóa đi các nước cho biết, đối tác bên Nhật vừa đặt đơn hàng gần một triệu khẩu trang và nước rửa tay khô, nhưng yêu cầu phải là loại khẩu trang N95 và nước rửa tay đạt tiêu chuẩn như dành cho mỹ phẩm. Dù đã kết nối nhiều DN nhưng hiện anh vẫn chưa nhận được phản hồi nào. Bởi thực tế, không ít DN Việt Nam sản xuất khẩu trang, nước rửa tay theo tiêu chuẩn trong nước, chưa thể đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước.

Đã có những đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước lên đến 400 triệu khẩu trang

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phi Long – Chuyên viên Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) – cho hay, tiêu chuẩn về trang thiết bị y tế của các nước châu Âu khá khắt khe, không nhiều DN trong nước đáp ứng được. DN muốn xuất khẩu thường phải đi theo các hợp đồng của Chính phủ hoặc qua các gói viện trợ nhân đạo hoặc hợp đồng ký với Bộ Y tế các nước. Bộ Y tế Việt Nam sẽ tư vấn đơn vị nào đủ chuẩn để xuất khẩu, thường chỉ những DN lớn mới đáp ứng được điều kiện xuất khẩu.

Khẩu trang vải cũng khó xuất khẩu

Nhiều DN cho biết họ chủ yếu sản xuất khẩu trang vải do thiếu nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Một số công ty phải mua lại nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc nhưng số lượng có hạn, sản phẩm sản xuất ra cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, thậm chí chỉ đủ cung ứng cho các đơn vị y tế.

Ông Quách Ngô Gia Bảo, Giám đốc Công ty Sản xuất – Thương mại Gia Bảo Phương, cho biết phần lớn lượng khẩu trang y tế của công ty sản xuất chỉ đủ cung cấp cho các bệnh viện và trung tâm phòng, chống dịch bệnh của TPHCM, chứ không đủ để bán ra thị trường. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, do có quá nhiều đơn vị nhảy vào sản xuất khẩu trang y tế, kể cả các DN ở lĩnh vực khác, nhu cầu tăng cao nên nguồn nguyên liệu không đủ đáp ứng. Vì vậy, DN chủ yếu tập trung sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu. 

Trong khi đó, Cục Công nghiệp – Bộ Công thương đánh giá, năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam đang tăng lên từng ngày, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, thậm chí còn dư để xuất khẩu. Hiện nhiều công ty đang bắt đầu xuất khẩu các lô hàng khẩu trang vải ra nước ngoài. Đây cũng là cách để các DN giải quyết được một phần khó khăn trước tác động của dịch COVID-19.

Yêu cầu phải cung cấp giấy tờ chứng minh hàng hóa không thuộc hạng mục cấm xuất khẩu từ Việt Nam, kèm theo hàng loạt các điều khoản thanh toán, giao-nhận, khối lượng… khiến nhiều DN không thể xuất khẩu khẩu trang.

Ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 – cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên trong tháng 4/2020, công ty bị thiếu hụt gần 30% đơn hàng. Đơn vị này xúc tiến may khẩu trang vải và khẩu trang y tế để bù đắp. Hiện đã có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu May 10 trong năm 2020). Đồng thời, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ quy định khẩu trang y tế sản xuất phải chỉ được phép xuất khẩu 25% và phải có chỉ định, hợp đồng; 75% còn lại là để sử dụng phòng chống dịch trong nước. Quy định này sẽ làm hạn chế DN trong sản xuất, xuất khẩu khẩu trang. Ngoài khẩu trang, đang có đối tác đặt hàng 2 triệu bộ đồ phòng, chống dịch nhưng do chưa có hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ và Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm nào kiểm tra tiêu chuẩn CE nên sẽ khó trong sản xuất.

Giám đốc một công ty may mặc tại TPHCM (không muốn nêu tên) cho biết, công ty ông và một số DN dù muốn xuất khẩu khẩu trang nhưng lại gặp vướng mắc do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi, mất thời gian.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).

Thực tế, có những đơn vị xuất khẩu khẩu trang y tế nhưng cố tình khai báo là khẩu trang khác để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Theo Tổng cục Hải quan, qua kiểm tra thực tế, nếu không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì lực lượng hải quan sẽ trưng cầu giám định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu. Những lô hàng của đơn vị xuất khẩu không phải là nhà sản xuất trực tiếp sẽ bị đưa vào diện nghi vấn để đánh giá rủi ro, ngăn chặn hành vi gian lận.

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)