Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Thế giới sắp trải nghiệm một phút bằng 61 giây

Tạp Chí Giáo Dục

Thế giới sẽ trải nghiệm giây nhuận, tức là một phút kéo dài 61 giây vào cuối tháng 6.

unnamed-6911-1434610505.jpg

Cửa sổ và đồng hồ ở bảo tàng Orsay, Paris.

Vào lúc 23h59 GMT ngày 30/6, các đồng hồ nguyên tử trên thế giới sẽ được thêm một giây, còn gọi là giây nhuận. Sự kiện khác thường này nhằm mục đích đồng bộ thời gian trên các đồng hồ nguyên tử với vòng quay của Trái Đất.

Theo Huffington Post, vòng quay của Trái Đất bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn của Mặt Trời và Mặt Trăng. Điều này làm cho thời gian tính theo vòng quay của Trái Đất không chính xác hoàn toàn.

Do đó, vào những năm 1970, thời gian được tính lại theo giờ UTC (Thời gian Phối hợp Quốc tế), chuẩn quốc tế về ngày giờ thực hiện bằng phương pháp nguyên tử. UTC được đo bằng hàng trăm đồng hồ điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử (đồng hồ nguyên tử, loại đồng hồ chính xác nhất hiện nay).

Xét về khía cạnh khoa học, thêm một giây là cả vấn đề. Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra về việc nên giữ hay bỏ đi "giây nhuận". Daniel Gambis, thành viên Tổ chức Quốc tế về Vòng quay của Trái Đất và các Hệ thống Tham chiếu, cho rằng thêm một giây sẽ ảnh hưởng đến máy tính toàn cầu.

"Vấn đề là sự đồng bộ hóa giữa các máy tính", Phys dẫn lời Gambis. "Lần thay đổi gần đây nhất, ngày 30/06/2012 làm gián đoạn nhiều máy chủ như hệ thống đặt vé trực tuyến hãng hàng không Quantas Australia sụp trong vài giờ."

Mạng Internet truyền thông tin trên toàn thế giới thông qua các gói nhỏ, sau đó kết nối chúng lại với nhau trong một phần triệu giây. Một số thuật toán tin học trong lĩnh vực giao dịch tài chính tính toán sự hơn kém nhau một phần rất nhỏ của một giây để tạo ra lợi nhuận.

Đồng hồ nguyên tử có độ chính xác cao bởi mỗi giây được đo bởi năng lượng phát ra của các electron chuyển động xung quanh nguyên tử. Thời gian ở cấp độ nguyên tử không ảnh hưởng đến đồng hồ báo thức của chúng ta. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ chính xác của thời gian nhận dữ liệu của hệ thống định vị GPS.

"Đã đến lúc loại bỏ giây nhuận," Sebastien Bize, chuyên gia đồng hồ nguyên tử tại phòng thí nghiệm SYRTE, đài quan sát Paris, nói.

Việc loại bỏ giây nhuận sẽ không ảnh hưởng nhiều tới con người trong tương lai gần. Tuy nhiên, sau 10 nghìn năm nữa, giờ giấc sẽ đảo lộn. Khi đó, chúng ta sẽ ngắm mặt trời mọc lúc nửa đêm và ăn sáng lúc 2h.

Xuân Dũng (theo vnexpress)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)