Y tế - Văn hóaThư giãn

Thẻ hành nghề vẫn rắc rối

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù trước đây đã áp dụng nhưng cuối cùng phải hủy bỏ, thẻ hành nghề biểu diễn vẫn trở thành nỗi ám ảnh của đời sống văn hóa nước ta.
Nhiều lần soạn thảo đi soạn thảo lại và những lần bẽ bàng vì những ý kiến phản biện của dư luận, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT&DL) vẫn quyết định triển khai xét duyệt và cấp phát thẻ hành nghề cho ca sĩ và người mẫu từ tháng 4/2014. Theo dự kiến, đến năm 2016 thì tất cả các nghệ sĩ đều phải có thẻ hành nghề.
Thực chất, thẻ hành nghề là một quan niệm quản lý hành chính trong lĩnh vực biểu diễn mà hầu như không có quốc gia nào trên thế giới tỏ ra mặn mà. Chính vì không có khuôn mẫu để mô phỏng nên quy chế về thẻ hành nghề bị phơi bày không ít bất cập.
Ví dụ qui định “những người biểu diễn lần đầu tiên không cần thiết phải có thẻ hành nghề”, nhưng làm sao biết lần biểu diễn ấy thứ bao nhiêu? Hơn nữa, những tài danh đã được trao danh hiệu NSND hoặc NSƯT mà vẫn phải làm đơn để xin cấp thẻ hành nghề thì phi lý quá!
Theo tổng kết sơ bộ của Cục Nghệ thuật biểu diễn, cả nước có khoảng 2.000 Cty tổ chức biểu diễn. Tại sao không xây dựng biện pháp hữu hiệu để quản lý những đơn vị nghệ thuật này mà cứ sốt ruột với thẻ hành nghề?
Ai cũng biết văn hóa thời hội nhập nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhưng để giải quyết vướng mắc cần cân nhắc phương án cụ thể. Muốn nắm dao, phải nắm đằng chuôi, chứ ai lại nắm đằng… lưỡi? Nếu các Cty tổ chức biểu diễn đều hoạt động nghiêm túc thì làm gì có chỗ cho nghệ sĩ bát nháo?
Thử hình dung, từ nay đến năm 2016 phải cấp hàng trăm ngàn thẻ hành nghề, thì tiêu tốn bao nhiêu kinh phí của ngân sách? Và có gì bảo đảm, có thẻ hành nghề rồi thì bức tranh sàn diễn sẽ sáng sủa hơn, đẹp đẽ hơn?
Hãy so sánh đơn giản, nghệ sĩ biểu diễn cũng giống như người viết báo. Chẳng lẽ thấy cộng tác viên nào gửi bài đến tòa soạn thì việc đầu tiên là truy xem người ấy có… thẻ nhà báo không à? Chất lượng bài báo không thể căn cứ vào thẻ nhà báo. Chất lượng biểu diễn cũng không thể căn cứ vào thẻ hành nghề.
Càng mở cửa, trình độ nghệ thuật của nước ta càng bộc lộ nhiều khập khiễng. Nghệ sĩ Việt Nam trở nên nao núng trước những trào lưu và kỹ xảo của Mỹ, Pháp lẫn Nhật, Hàn. Nền nghệ thuật biểu diễn của các nước phát triển đã đạt đến công nghệ, và họ không hề cần đến… thẻ hành nghề.
Khi đặt vào hoàn cảnh thử thách, chúng ta muốn khẳng định giá trị bản thân thì nên tư duy tích cực hơn. Mọi đề án hay mọi qui chế về văn hóa cần đặt ra tiêu chí tôn vinh cái đẹp, chứ không thể nhăm nhăm hạn chế cái xấu. Khi và chỉ khi cái đẹp lên ngôi thì cái xấu mới thực sự chịu lép vế!
theo NNVN

 

Bình luận (0)