Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Thế hệ vàng” thêm một người ra đi…

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà viết kịch Hoàng Hữu Đản

Hay tin nhà giáo – nhà biên kịch Hoàng Hữu Đản qua đời, tôi thật sự tiếc thương. Trước Tết Nguyên đán, khi viết bài cho số báo Giáo Dục TP.HCM xuân Nhâm Thìn,  tôi đã đến nhà riêng gặp ông, tác giả vở kịch nói nổi tiếng Bí mật vườn Lệ Chi vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi có may mắn gặp người mà mình mến mộ suốt mấy chục năm qua. Đã gần 20 năm gặp lại ông, tôi như được sống lại cái thời mình ngồi tập viết kịch bản và xem không bao giờ chán những vở diễn vào tối thứ bảy trên chiếc ti vi trắng đen cũ kỹ. Tôi lại càng bất ngờ, kính trọng hơn khi biết ông từng là thầy đồ hay chữ một thời gieo mầm văn hóa cho chính quyền cách mạng trên dải đất miền Trung. Câu chuyện đã “cụ thể hóa” thêm những khó khăn gian khổ của người thầy khi mang ánh sáng văn hóa đến từng bản làng xa xôi hẻo lánh mà sự hình dung của tôi chỉ là một góc nhỏ mơ hồ. Trong buổi gặp có một không hai đó,  được ông kể cho nghe về sự hoài thai của vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi, về những khắc khoải của người cầm bút trước vong linh của nhà văn hóa nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi. Như thế hệ đi trước, ông đã dạy cho tôi về cách mở rộng cánh cửa khi bước vào thế giới sân khấu kịch nói. Điều đáng kính nơi ông là biết trân trọng những lớp tài năng trẻ trên sân khấu Việt Nam như Ngọc Giàu, Minh Vương, Thành Lộc, Thanh Thủy … Đọc nhiều bài báo viết về ông, cứ tưởng mình đã hiểu hết về con người này, nhưng khi trò chuyện trực tiếp tôi mới thật sự thấu hiểu nỗi lòng canh cánh của người cầm bút khi tuổi cao mà ước vọng còn đầy. Nghiên cứu sâu về lịch sử nước nhà, ông có ấn tượng sâu sắc với thân thế và sự nghiệp của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh nên đang ấp ủ một vở kịch về vị tướng thời Hậu Lê từng theo cờ Tây Sơn khởi nghĩa. Thế nhưng điều mong ước đó đã đi theo ông… Tôi viết những dòng này như một nén hương thành kính chia buồn với gia đình nhà viết kịch Hoàng Hữu Đản, đồng thời cũng để bày tỏ niềm tiếc thương tới một “thế hệ vàng” trong sáng tác và cả trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Bài, ảnh: Ngọc Quang

Bình luận (0)