Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Thể hiện tình yêu Bác theo cách của người trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

“Thương nhớ thương/ Người sống cần kiệm cả đời/ Thương nhớ thương/ Bộ áo kaki bạc màu/ Thương nhớ thương/ Ngục ký cho ai/ Như đánh rơi hạt ngọc…”. Những ca từ giản dị, thiết tha trên là lời trong ca khúc “Thương nhớ thương” được học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thực hiện dự án “Theo dấu chân Người” ở bộ môn ngữ văn.


Bà Nguyễn Trung Châu Tuyên – Trưởng Ban tuyên giáo Quận ủy quận 1 chia sẻ với giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Với ý nghĩa lan tỏa, ca khúc đã được Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1 “đặt hàng” MV do học sinh lớp 12 chuyên Văn thể hiện nhằm kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác (19-5-1890/ 19-5-2024).

Cô Nguyễn Thị Ngân Sương – tổ phó chuyên môn tổ ngữ văn, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết, ca khúc “Thương nhớ thương” là một trong sản phẩm được học sinh lớp 12 chuyên văn hoàn thành khi thực hiện dự án “Theo dấu chân Người”. Ca khúc thể hiện tình yêu lãnh tụ, tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc theo cách của người trẻ.

Theo cô Sương, “Theo dấu chân Người” được hình thành từ bài học Nhật ký trong tù và một số bài thơ trong tập Nhật ký trong tù mà học sinh đã học từ năm lớp 11 và các bài Tuyên ngôn Độc lập, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh với học sinh chuyên văn năm lớp 12. Dự án do học sinh lớp 12 chuyên Văn thực hiện, với sự hỗ trợ thêm của các giáo viên dạy văn trong suốt năm học 11, 12 của lớp.


Học sinh lớp 12 chuyên văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thể hiện ca khúc "Thương nhớ thương"

“Theo dấu chân Người” trước hết hướng đến cho học sinh tìm hiểu, có thêm những kiến thức, hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó học tập những phẩm chất, đạo đức của Người để bồi đắp thêm phẩm chất, đạo đức cho chính mình. Khi tham gia vào thực hiện các sản phẩm dự án, là cơ hội để mỗi học sinh thể hiện tình yêu lãnh tụ của mình bằng cách thể hiện của người trẻ, gắn với chính năng lực, phẩm chất của mỗi học sinh.

Ngoài ca khúc “Thương nhớ thương”, dự án còn có các sản phẩm: trò chơi 40 câu hỏi do học sinh tự xây dựng, thể diện dấu chân Người từ lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Bác về nước, hoạt động bí mật ở Pác Pó, Cao Bằng và đọc Tuyên ngôn Độc lập; Sản phẩm bộ lịch để bàn và treo tường về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc Bác còn trẻ cho đến khi Bác từ nước ngoài về nước. Những sự kiện liên quan đến Bác, những ngày kỷ niệm lớn được Bác chỉ thị ra đời đều được in dấu trên bộ lịch; Sản phẩm thiết kế bìa sách từ cảm hứng những tác phẩm của Người thông qua cuộc thi sáng tác bìa sách.

“Được thể hiện tình yêu Bác theo cách của người trẻ, mỗi sản phẩm của dự án đều mang một màu sắc riêng, thể hiện cảm nhận, tình cảm của mỗi học sinh dành cho Bác với sự sáng tạo, và bằng hành động cụ thể theo đặc thù của học sinh lớp chuyên Văn. Qua dự án cũng là cách tổ bộ môn đưa Không gian văn hoá Hồ Chí Minh đến với học sinh một cách sâu rộng, thiết thực” – cô Sương đánh giá.

Thể hiện tình yêu Bác theo cách của người trẻ

Đóng vai trò nhạc sĩ chính sáng tác ca khúc “Thương nhớ thương” trong dự án, Trần Thụy Mỹ An – lớp 12 kể, mất hơn nửa năm mới có thể hoàn thành ca khúc.

“Nhóm bắt đầu sáng tác ca khúc từ năm lớp 11, đến tận năm lớp 12 mới có thể hoàn thành. Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) – tác phẩm chúng em được học trong chương trình ngữ văn lớp 11 là nguồn cảm hứng để nhóm sáng tác ca khúc. Khi dạy về tác phẩm, cô giáo có giảng rằng: ““Nhật ký trong tù” là hạt ngọc mà Người đánh rơi trên thi đàn văn học Việt Nam. Và đây cũng là cảm hứng để ra đời của câu hát “Thương nhớ thương ngục ký cho ai, như đánh rơi hạt ngọc” trong ca khúc Thương nhớ thương” – Mỹ An chia sẻ.


Dự án "Theo dấu chân Người" nhằm thể hiện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa một cách sâu rộng

Bạn cho biết “Thương nhớ thương” là bài nói về những đức tính tốt đẹp của Bác đó là cần, kiệm, liêm, chính với mong muốn thế hệ trẻ ngày nay noi theo việc học theo Bác, gửi gắm thông điệp về lý tưởng sống cho mỗi người trẻ. Bài hát có âm hưởng dân gian gần gũi, thân thuộc với mỗi người Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc và dễ đi vào lòng người, dễ truyền tải hơn.

“Bác Hồ là một vị lãnh tụ lớn của dân tộc, vì vậy khi viết về Bác ca từ đòi hỏi phải được chắt lọc rất kỹ, lựa chọn làm sao bằng ca từ giản dị nhưng toát lên những đức tính tốt đẹp nhất của Bác để truyền tải đến mỗi người trẻ. Bài hát không chỉ thể hiện lòng kính yêu Bác mỗi thành viên trong nhóm dâng lên Bác, mà qua bài hát chúng em mong muốn lan toả về tình yêu nước, về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác đến với mỗi người trẻ. Thế hệ trẻ ngày nay chúng em có thể thể hiện tình yêu nước qua nhiều mặt trận, đó là mặt trận văn học, mặt trận âm nhạc” – Mỹ An bày tỏ.

Với vai trò là ca sĩ thể hiện bài hát “Thương nhớ thương”, Nguyễn Thị Thu Trang – lớp 12 chuyên văn bày tỏ: Em cố gắng thể hiện bài hát bằng sự chân thành nhất. Qua âm nhạc, em mong muốn góp thêm một phần nhỏ không chỉ thực hiện thành công dự án mà còn là truyền tải các thông điệp về việc học tập theo tấm gương, phong cách, đạo đức của Bác một cách giản dị, gần gũi nhất.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)