Từ năm học 2014-2015, TP.HCM đã thực hiện đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt (Đề án SSC), còn gọi là thẻ học đường (THĐ). Qua hai năm triển khai, TP có hơn 40 trường thực hiện với khoảng 25.000 thẻ. Đây là chủ trương của UBND TP nhằm thực hiện nghị định của Chính phủ về thanh toán không sử dụng tiền mặt. Theo đó, năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT TP dự kiến nhân rộng đề án đến 300 trường học rồi dần dần sẽ phổ biến toàn ngành.
Phụ huynh Trường THPT Tân Phong thanh toán học phí qua THĐ. Ảnh: D.Bình |
Lúng túng khi sử dụng
Theo ghi nhận, đa số các trường đánh giá cao về những lợi ích của THĐ nhưng trong quá trình triển khai còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có phụ huynh đã làm thẻ nhưng… vẫn sử dụng tiền mặt.
Ghi nhận tại Trường THPT Tân Phong cho thấy, trường triển khai thực hiện THĐ từ năm học 2015-2016. Tuy nhiên phải đến năm nay mới phổ biến được 100% HS làm thẻ. Theo đó, trường phát hành THĐ cho hơn 1.500 HS (100% HS). Tuy nhiên, thầy Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do nhiều phụ huynh trong trường còn khó khăn, thậm chí có người không biết chữ nên việc họ ra ngân hàng hoặc dùng thẻ sẽ rất khó. Vì vậy, vẫn còn khoảng 40% phụ huynh đến đóng tiền mặt cho trường, nhà trường nhập tiền mặt vào hệ thống rồi tích hợp qua thẻ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn để phụ huynh sử dụng thành thạo hơn”.
Trường THPT Ngô Quyền cũng mới thực hiện THĐ từ năm học này. Theo đó, hơn 1.500 HS/2.100 HS của trường đã làm thẻ. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên vào sáng 9-10 thì rất ít phụ huynh và HS sử dụng thẻ để đóng học phí. “Nhà trường chỉ mới phát thẻ cho HS được 1 tuần nên nhiều phụ huynh chưa quen với cách sử dụng thẻ, do đó họ vẫn đóng tiền mặt” (thầy Ngô Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho hay).
Trong khi đó, nhiều phụ huynh khác lại băn khoăn về mức phí sử dụng thẻ. Một phụ huynh (xin được giấu tên) ở Trường THPT Ngô Quyền đến nộp học phí cho con chia sẻ: “Nếu chỉ sử dụng để đóng học phí thì chúng tôi đã có nhiều thẻ rồi. Tại sao lại phải làm thêm thẻ này để tốn phí nữa?”.
Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, chia sẻ: “Việc mở thẻ ban đầu là để đồng bộ dữ liệu và cấp mã SSC ID trên hệ thống dữ liệu. Nếu phụ huynh chưa quen, có thể đem tiền đến phòng tài vụ (nơi có đặt máy POSS) và sẽ được hướng dẫn sử dụng. Ngoài ra, các ngân hàng khi tham gia đề án đều phải cam kết không thu phí sử dụng thẻ ít nhất là trong 6 tháng đầu (tính từ khi mở thẻ). Sau đó, việc thu phí thực hiện theo biểu giá của ngân hàng. Nếu phụ huynh không thỏa mãn với dịch vụ thẻ có thể ngưng sử dụng sau 6 tháng”.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện THĐ đã triển khai một số tiện ích như số hóa tài liệu và phần mềm cho bộ phận kế toán, thủ thư cho các trường. Phần mềm điểm danh của thẻ sẽ tiến hành từ đầu năm học 2016-2017. |
Được biết, mức phí dành cho thẻ này là 66.000 đồng/năm do ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, ngân hàng cũng có sản phẩm thấu chi 10 triệu sẵn trong thẻ để phụ huynh có thể sử dụng khi chưa có tiền. Điều này phù hợp với gia đình có thu nhập không ổn định hoặc còn khó khăn thì có thể ứng trả trước và trong 45 ngày mới phải trả lại nên việc thanh toán sẽ rất thuận lợi.
Kèm nhiều lợi ích
Qua việc triển khai đề án THĐ, cô Phạm Ngọc Hạnh, kế toán Trường THPT Tân Phong cho hay: “Mới đầu chúng tôi bỡ ngỡ, lúng túng trong thực hiện. Tuy nhiên, sau khi được hỗ trợ chuyên môn thì chúng tôi rút ngắn được thời gian làm việc. Thay vì trước đây phải nhận tiền mặt, kiểm tiền, đếm tiền thì nay chúng tôi đã bỏ qua được công đoạn này. Vì vậy, cũng mong toàn thể phụ huynh đều sử dụng thẻ để nhà trường giảm gánh nặng thời gian”.
Thầy Hoàng Sơn Hải cũng thông tin thêm, khi thanh toán học phí qua thẻ, phụ huynh tránh một vài rủi ro. Vì trước đây, có một vài trường hợp phụ huynh đưa tiền cho HS đến nộp cho nhà trường nhưng các em lại tiêu xài vào các khoản khác.
Không chỉ có chức năng đóng tiền học phí, THĐ còn dùng để chi trả các dịch vụ giá trị tiện ích gia tăng khác phục vụ cho HS học tập như video bài giảng, tài liệu tham khảo điện tử, học bạ điện tử, sách giáo khoa điện tử, trò chơi giáo dục và trong thời gian tới là ứng dụng y bạ điện tử…
Một điểm thuận lợi đang được nhà trường và phụ huynh kỳ vọng cao là thẻ được tích hợp để điểm danh HS. “Dự kiến tháng 1-2017, HS của trường sẽ sử dụng thẻ để điểm danh. Từ đó, phụ huynh cũng dễ kiểm soát được các em đến trường hay chưa?”, thầy Ngô Thanh Hải cho biết.
Được biết, với những dịch vụ cộng thêm này thì khi các em đến trường quẹt thẻ để điểm danh, phụ huynh cũng sẽ nhận được tin nhắn báo về là con đã vào trường. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường mong muốn khi thực hiện điểm danh thì cần phải có thêm máy để các em quẹt thẻ vì số lượng HS đông, nếu chỉ sử dụng một máy rất dễ xảy ra tình trạng ùn tắc.
Mỹ Bình
Bình luận (0)