Mỹ muốn gửi đến Iran và các nhóm vũ trang thông điệp mạnh mẽ nhưng cũng nỗ lực tránh kích động một cuộc xung đột rộng hơn
Hôm 27-10, chiến đấu cơ Mỹ đã không kích 2 cơ sở ở miền Đông Syria. Lầu Năm Góc nói hai cơ sở trên được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và các nhóm liên kết với Tehran sử dụng.
Các vụ không kích là nhằm đáp trả một loạt vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào căn cứ và nhân viên quân sự Mỹ tại khu vực. Cụ thể, theo Lầu Năm Góc, ít nhất 19 vụ tấn công nhằm vào các căn cứ và nhân viên Mỹ ở Iraq và Syria kể từ ngày 17-10, khiến 21 người bị thương.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh tiến hành vụ không kích trong phạm vi hẹp nói trên để chứng tỏ Washington không tha thứ những cuộc tấn công như thế, cũng như sẽ bảo vệ lực lượng và các lợi ích của mình.
Theo giới chức Mỹ, các cuộc không kích nhằm thúc ép Iran ra lệnh cho các nhóm vũ trang liên minh ngưng tấn công các mục tiêu của Washington tại khu vực.
Khói bốc lên từ Dải Gaza hôm 27-10. Ảnh: Reuters
AP nhân định hành động quân sự nói trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden nỗ lực duy trì sự cân bằng mong manh vào thời điểm Trung Đông đang căng thẳng. Một mặt, Mỹ muốn gửi đến Iran và các nhóm vũ trang thông điệp mạnh mẽ về việc không tiếp tục các cuộc tấn công như thế. Tuy nhiên, Washington cũng nỗ lực tránh kích động một cuộc xung đột rộng hơn.
Các quan chức Iran đã công khai chỉ trích Mỹ cung cấp vũ khí cho Irsael và cáo buộc số vũ khí này được dùng trong cuộc xung đột tại Dải Gaza. Trong khi đó, giới chức Mỹ cho đến giờ không công khai gắn liền xung đột Israel – Hamas với làn sóng tấn công ở Syria và Iraq.
Ngoài động thái trên, Lầu Năm Góc đã tăng cường năng lực phòng không tại khu vực để bảo vệ lực lượng Mỹ, như gửi Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một số khẩu đội tên lửa Patriot và bổ sung máy bay chiến đấu.
Ngoài ra, khoảng 900 binh sĩ đã hoặc đang được triển khai đến Trung Đông, trong đó có những người có liên quan đến các hệ thống phòng không nói trên.
Trong diễn biến khác cho thấy nguy cơ bạo lực lan rộng, giới chức Ai Cập hôm 27-10 cho biết tên lửa đã rơi trúng 2 thị trấn của nước này, khiến một số người bị thương. Hai địa phương nói trên là Taba, giáp biên giới với Israel, và Nuweiba, cách Taba khoảng 70 km.
Hiện chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Tuy nhiên, trang tin Al-Qahera News của Ai Cập cho biết tên lửa rơi trúng Taba dường như có liên quan đến xung đột Israel – Hamas tại Dải Gaza, cách đó khoảng 220 km.
Hôm 25-10, Hamas cho biết đã tấn công tên lửa về phía thị trấn Eliat của Israel, ngay gần Taba. Theo Reuters, vụ phóng tên lửa này dường như là cuộc tấn công tầm xa nhất của Hamas trong cuộc xung đột bùng phát từ hôm 7-10. Vào tuần rồi, quân đội Mỹ cho biết một tàu chiến nước này ở biển Đỏ đã đánh chặn tên lửa của nhóm Houthi tại Yemen và Israel có thể là mục tiêu tấn công.
Theo Hoàng Phương/NLĐO
Bình luận (0)