Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Thẻ mua xăng dầu vẫn bị bỏ xó

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn một năm kể từ ngày Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) phối hợp với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phát hành thẻ mua xăng, hay còn gọi là thẻ thanh toán đa năng Flexicard. Thế nhưng, hiện hầu hết các cây xăng của Petrolimex ở Hà Nội, rất ít khi thấy khách hàng sử dụng, nhiều người thậm chí còn không biết đây là thẻ gì.
Một nhân viên bán hàng của cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên đường Định Công cho biết: “Hồi thẻ mua xăng mới ra mắt vào tháng 10 năm ngoái, thỉnh thoảng còn có khách mang thẻ qua mua, đến giờ thì ít lắm”. Tại cây xăng này, thiết bị chấp nhận thẻ (POS) thay vì lắp đặt quay ra mặt đường thì lại được đặt ở phía trong của bức tường có cột xăng. Nếu không nhờ tấm băng rôn khuyến mãi “mua xăng dầu qua thẻ, trúng thưởng lớn” thì có lẽ nhiều khách hàng không biết đây là điểm chấp nhận thẻ mua xăng. Thậm chí, nhiều người còn chưa từng biết đến khái niệm mua xăng dầu qua thẻ.

Nhiều khách hàng còn không biết đến khái niệm có thể mua xăng dầu qua thẻ và rất ngạc nhiên khi thấy băng rôn khuyến mãi của Petrolimex. Ảnh: Đông Nhiên.

Mới đây, vào đầu tháng 7, Ngân hàng thương mại CP Đại Dương (OceanBank) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho ra mắt hai loại thẻ dùng mua xăng dầu là OP Card và OP Plus, với các tính năng tương tự thẻ Flexicard. Theo anh Lê Trung Kiên, Cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu thuộc PV Oil trên đường Thái Thịnh, mặc dù mua xăng qua thẻ OP Card và OP Plus đang có khuyến mãi giảm 100 đồng mỗi lít xăng, song khách hàng vẫn thờ ơ với việc này. Anh Kiên cho biết, mỗi ngày lượng tiền thanh toán xăng qua thẻ tại cây xăng Thái Thịnh chỉ đạt vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng, chiếm chưa đầy 1% so với tổng số tiền bán xăng cửa hàng thu được. Khách mua xăng qua thẻ chủ yếu là nhân viên của một vài doanh nghiệp vận tải, taxi, còn khách hàng cá nhân rất ít.

Hiện trên thị trường chỉ có Petrolimex và PV Oil là liên kết với các ngân hàng để tung ra thẻ mua xăng dầu. Thời điểm này, khách hàng mua xăng qua thẻ tại các cây xăng có chấp nhận thẻ của hai đơn vị trên đều được hưởng các chương trình khuyến mãi như giảm giá hay có cơ hội “rinh” ô tô và xe máy Honda SH 125, Honda Future… Song, theo các nhân viên bán hàng của cây xăng Petrolimex ở địa chỉ 185 Nguyễn Lương Bằng, lượng khách chẳng tăng lên là mấy.
Ông Nguyễn Quang Định, Tổng giám đốc PG Bank, cho hay: “Không phải là khách hàng không “mặn mà” với thẻ mua xăng dầu, mà có lẽ nguyên do là việc thanh toán hàng hóa nói chung và xăng dầu nói riêng còn rất mới tại Việt Nam, nên để người dân xài thẻ phổ biến thì cần một quá trình lâu dài, chứ không phải chỉ một hai năm. Thực tế, số lượng thẻ Flexicard ngân hàng phát hành ra vẫn ngày càng tăng và hiện lên tới 500.000 thẻ. Trên toàn quốc có khoảng gần 1.800 điểm bán xăng của Petrolimex chấp nhận thẻ, với gần 3.800 POS. Chỉ trong một năm ra mắt thì số lượng này không phải là ít”. Tuy nhiên, ông Định thừa nhận, nếu so với con số khoảng vài chục triệu người là khách hàng phải mua xăng thường xuyên tại Việt Nam thì còn số trên vẫn còn quá nhỏ bé.
Ông Định cũng cho biết, thời gian đầu, ngân hàng và Petrolimex đang hướng đến đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải, taxi. “Thẻ Flexicard hiện có được những khách hàng trung thành như Tập đoàn Mai Linh…”, ông Định nói.
Thực tế, thẻ Flexicard hay OP Card mang lại rất nhiều ưu điểm cho khách hàng khi sử dụng, như không tốn thời gian đưa tiền và đợi trả lại khi mua xăng, người dùng dễ dàng kiểm soát chi tiêu, tránh được các rủi ro như nhầm lẫn, mất mát khi thanh toán bằng tiền mặt. Ngoài ra, khách hàng còn có thể rút tiền, nhận lương qua thẻ này. Anh Đạo, một nhân viên lái xe của hãng taxi Mai Linh còn cho hay, khi anh đi đường dài hoặc liên tỉnh, lúc cần tiền mà không tìm thấy một máy ATM nào để rút thì anh có thể rút qua thẻ Flexicard tại các cây xăng dọc đường. Hầu như khách hàng đều nhìn ra được những cái lợi của thẻ, song vì sao vẫn chẳng mấy người sử dụng thẻ?
Chị Nguyễn Thị Nhâm, nhà ở phường Định Công cho biết, để sở hữu một chiếc thẻ Flexicard hay OP Card, chị phải ra ngân hàng PG Bank hay Ocean Bank để mở thẻ, hoặc phải có tài khoản ATM của 2 ngân hàng này, trong khi chị dùng thẻ ATM của ngân hàng khác từ rất lâu rồi, nên ngại mở thêm thẻ. Bên cạnh đó, khi mua xăng qua thẻ, chị phải tìm đúng cây xăng của đơn vị phát hành và cây xăng đó phải gắn thiết bị chấp nhận thẻ, thì chị mới mua được. “Thế nên tôi không hồ hởi lắm với thẻ mua xăng”.
Thực chất, thẻ mua xăng mà PG Bank và Ocean Bank phát hành cũng là một loại hình của thẻ ghi nợ ATM. Và hiện nay, ngày càng nhiều ngân hàng chạy đua tích hợp các dịch vụ giá trị gia tăng lên thẻ ATM, song số lượng người sử dụng ngày càng khhiêm tốn. Thực ra việc thanh toán xăng qua thẻ cũng giống như các hình thức thanh toán hóa đơn điện, nước hay mua vé tàu qua thẻ đã được triển khai lâu nay, song các dịch vụ này cũng chỉ mang tiếng là có, chứ người dân Việt Nam vẫn không mấy “mặn mà”.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific đã ứng dụng tiện ích thanh toán tiền vé máy bay thông qua gần 1.000 máy ATM của BIDV, song đa số khách hàng còn chưa biết đến dịch vụ này. Cách đây khoảng 2 năm, Ngân hàng Công thương liên kết với Công ty Đường sắt Sài Gòn để tung ra tiện ích giúp khách hàng mua vé tàu có thể thanh toán qua thẻ ATM, song đến nay, dịch vụ này vẫn “kén” khách và mới chỉ triển khai tại TP HCM.
Thu Hạ / Đất Việt

 

Bình luận (0)