Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thế nào là “trường học thân thiện”?

Tạp Chí Giáo Dục

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bìa phải) tại lễ phát độngMới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phát động trong toàn ngành, trước hết là các trường tiểu học và THCS, cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tại Trường THCS Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Tây (cũ). Thế là sau hai năm, từ cuộc vận động “hai không” đến “bốn không”, rồi xuất hiện “cái có” thứ nhất (Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo), và nay bắt đầu “cái có” thứ hai (Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực).

“Cái có” này cơ bản hơn, toàn diện hơn “cái có” trước. Tất nhiên, không phải khi thêm “cái có” thì bỏ “cái không”. Phải vừa “xây” vừa “chống”. Muốn “chống”, phải “xây”. Muốn “xây”, phải “chống”. Và chỉ “xây” cơ bản, toàn diện (nhất là “xây” từ cấp tiểu học, THCS) mới là cái đích. Vậy thì : Xin hoan nghênh Bộ.

* Mô hình đã có từ lâu

Trường học thân thiện là mô hình trường do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề xướng từ những thập kỷ cuối của thế kỷ trước, và đã được triển khai có kết quả tốt ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, phối hợp với UNICEF, Bộ đã làm thí điểm nhiều năm nay ở 50 trường tiểu học và THCS (trong đó có một số trường ở TP.HCM). Từ kết quả thí điểm, Bộ chủ trương tiến hành đại trà trong năm học 2008 – 2009 ở tất cả các trường tiểu học và THCS trong toàn quốc, rồi “lan ra” tất cả các trường phổ thông cho tới năm 2013.

Mô hình này không hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Từ những thập niên 60, 70, với triết lý “đời sống học đường là cuộc sống thực của trẻ em ngay ngày hôm nay, lúc này; chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai), nên phương châm “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” đã được phổ biến và áp dụng ngay từ những ngày đó. Đặc biệt phương châm này đã được bền bỉ thực hiện rất có kết quả tại Trung tâm Công nghệ giáo dục (do GS.TS Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc), và sau đó, được áp dụng rộng rãi ở nhiều tỉnh trong cả nước từ năm học 1992 – 1993, khi đề tài khoa học cấp nhà nước “Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm” được nghiệm thu với kết quả đánh giá tốt. Tiếc là sau nhiều “trào” Bộ trưởng, vì những lẽ khác nhau (phải chăng do “bụt chùa nhà không thiêng”, do “tân quan, tân chính sách”, và cả sự nghi ngại áp dụng công nghệ giáo dục trong tất cả các môn học, cấp học…?), nên người ta đã mau chóng lãng quên nó. (Giữa “trường học thân thiện” và “công nghệ giáo dục” gặp nhau ở phần “ngọn” (mỗi ngày đi học là một niềm vui), nhưng có sự khác biệt ở phần “gốc” (triết lý giáo dục).

Dù sao thì điều rất đáng mừng là ông Bộ trưởng mới đã chính thức phát động toàn ngành thực hiện cuộc vận động này (và một lần nữa, ngày 22-7 ông Bộ trưởng đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông trong giai đoạn 2008 – 2013).

* Thế nào là “trường học thân thiện”?

“Thân thiện” là có tình cảm tốt, đối xử tử tế, và thân thiết với nhau. Bản thân khái niệm “thân thiện” đã hàm chứa sự bình đẳng, dân chủ về pháp lý và sự đùm bọc, cưu mang đầy tình người về đạo lý. Bởi nếu bất bình đẳng, mất dân chủ, vô cảm trong quan hệ giữa người với người thì đâu còn gì mà “thân” với “thiện”. “Thân thiện” bắt nguồn từ sứ mệnh của nhà trường và thiên chức của nhà giáo đối với thế hệ trẻ và xã hội, chứ không dừng ở thái độ bề ngoài trong quan hệ ứng xử.

Trường học thân thiện” đương nhiên phải “thân thiện” với địa phương – địa bàn hoạt động của nhà trường; phải “thân thiện” trong tập thể sư phạm với nhau; giữa tập thể sư phạm với học sinh; “Trường học thân thiện” phải đảm bảo cơ sở vật chất phù hợp với yêu cầu giáo dục và thỏa mãn tâm lý người thụ hưởng.

1. Trước hết, trường học phải thân thiện với địa bàn hoạt động, mà nội dung chủ yếu của sự thân thiện là:

– Thu hút 100% trẻ em đến tuổi học thuộc địa bàn phục vụ của trường được đi học và học đến nơi đến chốn (nghĩa là thực hiện tốt phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS). Trường phải bảo đảm cho mọi học sinh đều bình đẳng về quyền lợi (đồng thời là nghĩa vụ) học tập, không phân biệt giàu nghèo, giới tính, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, dân tộc, vùng miền, tình trạng thể chất (kể cả các em không may bị khuyết tật nhưng trí tuệ phát triển bình thường).

– Nhà trường phải phấn đấu trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục ở địa phương. Phải gương mẫu trong việc gìn giữ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở địa phương. Từ đó, địa phương sẽ đồng thuận, đồng lòng, đồng sức tham gia xây dựng nhà trường, xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa đôi bên.

– Một nội dung trọng tâm về trường học thân thiện với địa phương mà Bộ đề ra: mỗi trường học là địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử ở địa phương, và tích cực chăm lo xây dựng các công trình công cộng, trồng cây, chăm sóc cho đường phố, ngõ xóm sạch sẽ. (Ngoài 5 khu di tích lịch sử mà Bộ chọn ra để chăm sóc chung).

2. Thân thiện trong tập thể sư phạm với nhau. Điều này rất quan trọng, vì nó là “cái lõi” để thân thiện với mọi đối tượng khác. Tại đây, vai trò của hiệu trưởng, của lãnh đạo tổ chức Đảng và các đoàn thể là cực kỳ quan trọng. Muốn vậy, trong quan hệ quản lý, phải thực thi dân chủ, phải thực hiện bằng được quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong quan hệ tài chính, phải trong sáng, công khai, minh bạch đối với mọi thành viên trong nhà trường. Về mặt tâm lý, phải thực sự tôn trọng lẫn nhau, từ chú bảo vệ, chị lao công đến hiệu trưởng. Không thể có thân thiện, nếu trong trường mất dân chủ, bất bình đẳng, nếu thiếu tôn trọng lẫn nhau, hiệu trưởng hống hách, quát nạt nhân viên dưới quyền. Cũng không thể có thân thiện, nếu mọi khoản thu chi trong nhà trường cứ “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.

3. Thân thiện giữa tập thể sư phạm, nhất là các thầy, cô với các em học sinh. Thầy cô cùng các bộ phận khác trong nhà trường đều hoạt động theo phương châm: “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Từ đó, trò sẽ quý mến, kính trọng thầy cô chứ không là “kính nhi viễn chi”. Sự thân thiện của các thầy, cô với các em là “khâu then chốt”, và phải thể hiện:

Tận tâm trong giảng dạy và giáo dục các em. Muốn vậy, hãy mạnh dạn chuyển lối dạy cũ thụ động “thầy đọc, trò chép”, “thầy giảng, trò nghe” sang lối dạy “thầy tổ chức, trò hoạt động”, “thầy chủ đạo, trò chủ động”, “thầy trò tương tác” với quan điểm “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” và “dạy học cá thể”. Có vậy mới phát huy được tính tự giác, tích cực học tập của các em, mới thực hiện được việc quan tâm đến từng em học sinh, nhất là đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh “cá biệt”.

Công tâm trong quan hệ ứng xử. Điều này cực kỳ khó, bởi người ta có thể chia đều tiền bạc, chứ khó “chia đều” tình cảm. Tuy vậy, “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì – không có cách nào khác – thầy, cô giáo phải rèn bằng được cho mình sự công tâm trong quan hệ ứng xử, công tâm trong chăm sóc các em (em có hoàn cảnh khó khăn hơn, chăm sóc nhiều hơn, chứ không phải công tâm là cào bằng sự chăm sóc), công tâm trong việc đánh giá, cho điểm (nghĩa là phải công bằng, khách quan với lương tâm và thiên chức nhà giáo).

– Phải coi trọng việc giáo dục bình đẳng giới để các học sinh nam, nữ biết quý trọng nhau, sống hòa đồng với nhau. Phải rèn kỹ năng sống cho học sinh thích ứng với xã hội, bởi cuộc sống nhà trường là cuộc sống thực, ngay ngày hôm nay, bây giờ, chứ không chỉ chuẩn bị cho tương lai. Đừng để trò phải “ngơ ngác” trước cuộc sống xã hội đang từng ngày thay đổi.

4. Nhà trường thân thiện phải đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng không chỉ yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, mà còn cho cuộc sống an toàn, văn minh, phù hợp với tâm lý của đối tượng thụ hưởng. Trường học thân thiện thì không thể thiếu sân chơi, bãi tập đối với lứa tuổi “học mà chơi, chơi mà học”; không thể để lớp học “xếp cá mòi”, ánh sáng như đom đóm, bàn ghế không đúng quy cách, nhà vệ sinh buộc trẻ phải bịt mũi, bặm môi mà vào… Ngược lại, trường học phải được xây dựng khang trang, xanh, sạch, đẹp, đúng yêu cầu sư phạm.

Tất cả những nội dung trên, trước mắt được gói gọn vào 3 điểm trọng tâm :

a. Học tốt.

b. Đẩy mạnh việc “chơi mà học”.

c. Mỗi trường học là một địa chỉ nhận chăm sóc công trình văn hóa, lịch sử.

Tóm lại, trường học thân thiện phải là nơi mà mọi thành viên đều là bạn, là đồng chí, là anh em; giaó viên nêu cao tinh thần “càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”; mọi hoạt động giáo dục trở nên nhẹ nhàng, vui tươi, hấp dẫn mọi người, nhất là người học; trường học gắn bó mật thiết với địa phương, và có chất lượng giáo dục toàn diện với hiệu quả giáo dục không ngừng được nâng cao.

Để đạt được điều đó, vai trò của hiệu trưởng tựa như một “nhạc trưởng” là cực kỳ quan trọng. Cuộc vận động đã được “phát”. Nay muốn nó “động”, mong Bộ hãy khẩn trương triển khai việc bồi dưỡng cho các hiệu trưởng (về cả phẩm chất đạo đức lẫn nghiệp vụ quản lý), để những “nhạc trưởng” này bắt đầu triển khai đúng tiến độ và bảo đảm duy trì tốt phong trào, không để bị rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột” như không ít phong trào khác. Trên cơ sở đó, thực hiện một sự “đột biến” về chất lượng giáo dục của ngành ta ngay từ bậc tiểu học và THCS, rồi mở rộng ra toàn ngành, nhằm đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới.

C.Dân

Bình luận (0)