Cuộc sống sinh viên trôi nhanh lắm, bố mẹ cũng có lo được cho mình suốt đời đâu? Mình cứ sống theo cách của mình, Nkhông thua kém bạn bè là được- nhấp ngụm cà phê đặc sánh, Việt Anh phân bua.
Thế mới là ăn chơi chứ!
Năm, cô sinh viên năm thứ 2 trường CĐ Sư phạm Trung ương, quê ở một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa. Bố mất sớm, nhà có 4 anh chị em. Gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên vai mẹ, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, đến bữa ăn hàng ngày cũng phải tằn tiện. Các anh chị của Năm đều phải bỏ dở con đường học hành lao vào cuộc sống mưu sinh. Năm là con út, nên được ưu tiên tạo mọi điều kiện học hành, và được xem là “niềm hi vọng” của gia đình.
Nhưng cứ nhìn vào cái “niềm hy vọng” của gia đình này thì thấy hy vọng đó thật xa vời: Đồ dùng của cô luôn là những thứ thời trang nhất, và phải là hàng hiệu. Quần áo, giày dép, kính mắt… phải là các hãng lớn như D&G, Lacoste, CK (calvin Klein), Convert, GUCCI… giá có bộ lên đến cả triệu đồng. Năm giải thích: Đồ dùng của mình thế này là bình thường! Bạn của mình còn lên mạng đặt hàng xịn từ Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… chuyển về cơ. Chỉ cần có chút quen biết, chuyển qua tài khoản của họ trước một nửa tiền là vài hôm sau có hàng ngay. Thế mới là chơi chứ!
Năm quan niệm: Đời sinh viên chẳng được mấy mà hết, không ăn chơi cũng phí! Sau này ra trường rồi, lúc ấy lo cho cuộc sống cũng chưa muộn.
Là sinh viên năm thứ 2 nhưng Năm thuê hẳn một phòng trọ riêng với mức giá 1,2 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước chỉ để: “Ở một mình cho tự do, lại tập được thói quen “tự lập”. Mình có làm gì cũng chẳng sợ ai xoi mói, bàn tán gì. Cuộc sống lại thoải mái”.
Cuộc sống của Nguyễn Việt Anh cũng thay đổi hẳn từ khi Việt Anh từ giã miền quê nghèo ven biển Nam Định lên Hà Nội học ĐH Sư phạm Nhạc – Họa Trung ương.
Cách đây 5 năm, sau một chuyến đi biển bố cậu bị tai nạn, và phải nằm liệt một chỗ. Bao nhiêu tiền của gia đình đều dành lo chạy chữa, thuốc thang cho ông bố nhưng bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Từ đó bố cậu phải từ bỏ nghề đi biển. Tiền thuốc cho bố, tiền các con ăn học… tất cả chỉ trông chờ vào số tiền ít ỏi chạy chợ của mẹ cậu.
Vượt qua khó khăn, Việt Anh đã thi đỗ đại học. Việt Anh kể: “Khi ấy mình tính bỏ học, để ở nhà phụ giúp mẹ. Nhưng mẹ mình động viên mình đi học, chỉ có học thì sau này mới đỡ khổ được”. Không muốn làm mẹ buồn, Việt Anh khăn gói lên thành phố theo học Đại học.
Bước chân vào cổng trường đại học cũng là lúc những suy nghĩ ấm áp tình nghĩa nơi quê nhà trong Việt Anh dần phai nhạt. Nhìn những người bạn cũng lớp, cùng trường mặc những bộ quần áo hàng hiệu, dùng những chiếc điện thoại đi động xịn, đi xe tay ga, cậu cảm thấy ghen tỵ. Trong lớp, Việt Anh trở thành một người “lạc loài” khi mặc những bộ đồ rẻ tiền, đi chiếc xe đạp mà bố mẹ phải tằn tiện lắm mới mua được cho con ngày nhập trường.
Khi những người bạn xem mình bằng con mắt khinh thường, Việt Anh đã quyết “thay đổi” mình. Hàng tháng, gia đình chắt chiu gửi cho cậu 1,5 triệu đồng để học hành. Nhưng số tiền quá ít để cho cậu thực hiện ý nguyện của mình.
Số tiền ít ỏi đó Việt Anh đầu tư vào mua những bộ quần áo, giày dép hàng hiệu đắt tiền như D&G, Prada, Valentino, Paul Smith… và chiếc điện thoại, laptop cả chục triệu đồng… cho “bằng bạn bằng bè”. Rồi những lần vào các quán bar, vũ trường, đi du lịch cùng những đứa bạn chịu chơi…
Nhìn vẻ sang trọng khi Việt Anh ngồi cùng những người bạn trong quán cà phê, khó có ai hình dung được đó là một sinh viên thuộc diện gia đình khó khăn. “Cuộc sống sinh viên trôi nhanh lắm, bố mẹ cũng có lo được cho mình suốt đời đâu? Mình cứ sống theo cách của mình, không thua kém bạn bè là được- nhấp ngụm cà phê, Việt Anh phân bua.
Trong số bạn bè mà Việt Anh mới quen đáng “nể” nhất là Nguyễn Văn Hưng (SV năm thứ 3 – Trường Đại Học Kinh doanh và Công nghệ). Gia đình cũng khó khăn chẳng kém Việt Anh, cùng cảnh ngộ nên cả hai đã nhanh chóng tìm được sự “đồng cảm” trong chuyện tỏ ra mình sành điệu trong mắt mọi người.
Lần sinh nhật gần đây, Hưng đã gọi điện cho bạn bè đang học ở tận Nam Định, Vinh… bắt xe ra Hà Nội chơi, mọi chi phí đều được cậu chi từ A đến Z. Hưng thuê hẳn một chiếc ô tô rồi cùng cả nhóm đi chơi khắp thành phố, sinh nhật kết thúc cũng chính là lúc cậu nói lời chia tay với chiếc xe máy mà người mẹ đã chắt chiu, vay mượn để mua cho cậu.
Áy náy chứ, nhưng… bí quá!
Số tiền học gia đình gửi cho chẳng bao giờ là đủ, để có tiền phục vụ công cuộc ăn chơi của mình, các bạn như Năm, Việt Anh, Hưng phải nghĩ ra trăm phương, nghìn kế để “kiếm thêm thu nhập” mà không phải lao động.
Mỗi tháng gia đình chắt bóp gửi cho Năm 1,2 triệu đồng tiền ăn học. Nhưng chừng ấy chỉ đủ trả tiền nhà! Năm kể cách tìm tiền của mình rất thản nhiên: Mới đầu thì vay tiền bạn bè, nhưng vay tiền thì phải có lý do, mình nói dối mẹ ốm cần tiền về quê… nhưng rồi về sau bạn bè biết được sự thật chẳng ai còn cho vay nữa. Mình chuyển sang nói dối gia đình, bịa ra đủ các thứ tiền đóng góp, nào thì quỹ lớp, quỹ đoàn, tiền kiến tập, thực tế… lúc đầu cũng áy náy lắm chứ. Nhưng bí quá, bao nhiêu khoản phải chi mà không biết lấy đâu ra? Với lại thấy bạn mình cũng làm vậy nên mình làm theo thôi.
Nhưng rồi, bạn bè hết tin, gia đình cũng không thể lúc nào cũng chu cấp thêm được. Vậy là Năm phải tìm phương kế mới, đó là cặp bồ với các đại gia thực thụ, hay những chàng công tử con nhà giàu.
Mới 2 năm nhưng cô đã thay đến 3 lần người yêu. Giờ đây, hình ảnh những chiếc xe sang trọng đưa đón cô tận cổng trường đã không còn lạ nữa.
Bí tiền, nợ nần chồng chất… không còn cách nào khác Việt Anh lao đầu vào thử vận may với những canh bạc đỏ đen lô đề, cá độ. Ít thì cũng ngốn của cậu vài ba trăm nghìn đồng, nhiều thì lên đến tiền triệu. Có được bao nhiêu tiền cậu nướng sạch vào những điểm lô, những đêm thức trắng để bắt độ.
Những tháng ngày ngập chìm trong vận may đỏ đen, số lần trúng thì ít mà số tiền nợ dần nhiều lên, những gì có thể “cắm” được như điện thoại, xe máy, đến cả thẻ sinh viên cũng được mang ra hiệu cầm đồ.
Vào những đêm cuối tuần, có thể dễ dàng bắt gặp Việt Anh tại quán cà phê bóng đá để bắt độ. Cậu kết: “Nhớ trong đợt Euro vừa rồi, mình sắm hẳn một chiếc ti vi, sáng sáng đều đặn mua những tờ báo để biết tỉ lệ cá cược. Kết thúc mùa bóng, thống kê lại mất đứt gần chục triệu cùng với chiếc xe máy của thằng bạn mình cũng đem “gửi” trong tiệm cầm đồ. Nợ nần lại chồng chất nợ nần, giờ cũng chẳng biết phải làm sao nữa. Đâm lao thì theo lao vậy…”
Đình Hưng – Lê Việt – Đinh Liên (VNE)
Bình luận (0)