Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thẻ ngân hàng chạm hoặc vẫy từ xa khi thanh toán thay thế dần thẻ quẹt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời gian gần đây, các ngân hàng đồng loạt ra mắt thẻ không tiếp xúc, thanh toán chỉ qua một lần chạm hoặc vẫy nhẹ.

Đây là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang được các ngân hàng theo đuổi vì phương thức này không chỉ phong cách, tiện lợi mà được cho là có tính an toàn cao.

Qua rồi thời quẹt thẻ

Trước đây, khi thanh toán mua sắm, khách hàng thường sử dụng các phương thức cà thẻ qua máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ), qua ví điện tử, qua mã QR. Hiện nay, khi mua sắm tại các đơn vị bán lẻ như Saigon Co-op, Lotte Mart, eMart, Aeon Citimart, các chuỗi rạp chiếu phim CGV, BHD và chuỗi Starbucks, The Coffee House, KFC… khách hàng sẽ thấy một logo Visa và các lằn sóng như sóng wifi tại quầy thu ngân. Đây chính là logo giới thiệu điểm chấp nhận thanh toán không tiếp xúc (contactless).

Phương thức thanh toán này, khách hàng không cần quẹt thẻ, chỉ cần chạm thẻ ngay trước thiết bị thanh toán tại quầy thu ngân thì giao dịch sẽ được thực hiện. Với những khoản thanh toán có giá trị trên 400.000 đồng thì chủ thẻ mới phải ký tên lên hóa đơn. Trong quá trình thanh toán, người dùng chẳng may chạm phải nhiều lần, giao dịch cũng chỉ diễn ra đúng 1 lần.

Khách không cần quẹt, chỉ cần chạm hoặc vẫy là có thể thanh toán

Eximbank được cho là ngân hàng triển khai hình thức này sớm hơn cả khi phát hành thẻ không tiếp xúc MasterCard PayPass. Tuy nhiên, một thời gian khá dài thẻ này vẫn chưa thực sự thu hút được khách hàng.

Gần đây khi có thêm hàng loạt các ngân hàng ra mắt dòng thẻ này như thẻ SCBbeYOU của SCB, ABBank YOUcard của ABBank; Vietcombank triển khai cho tất cả các thương hiệu thẻ như Visa, MasterCard, American Express, JCB, UnionPay; Sacombank triển khai trên các dòng thẻ Visa, MasterCard, JCB; Techcombank triển khai với các dòng Visa Credit và Visa Debit… thì công nghệ này mới được người dùng chú ý.

Trên thế giới nhiều quốc gia  đã phát triển công nghệ này từ lâu. Chẳng hạn, theo số liệu từ tổ chức Visa (Mỹ), ở Mỹ, trung bình cứ 100 điểm chấp nhận thanh toán thì có 78 điểm cho phép thanh toán không tiếp xúc. Tại Canada, có đến 70% giao dịch nội địa với giá trị nhỏ dưới 50USD được thực hiện bằng hình thức thanh toán không tiếp xúc. Còn tại Đông Nam Á, Singapore có đến 80% giao dịch thực hiện bằng hình thức không tiếp xúc, Malaysia thì có 4 triệu thanh toán mỗi tháng trong năm 2018. Riêng tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán không tiếp xúc khoảng 44% mỗi tháng.

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” và vẫn ở giai đoạn đầu thâm nhập vào các hình thức thanh toán hiện đại. Nhưng ông Phạm Duy Hiếu – Quyền Tổng Giám đốc ABBank cho rằng, dư địa để thanh toán không tiếp xúc tại Việt Nam sẽ bùng nổ trong tương lai, nhất là khi phương thức thanh toán này đang là xu hướng trên thế giới và được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên phát triển để hướng tới mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ đã đề ra.

Có thật sự an toàn và tiện lợi?

Một số ý kiến cho rằng, công nghệ này chưa được hệ thống ngân hàng tại Việt Nam kiểm chứng mức độ an toàn, bởi lẽ công nghệ mới đều có những rủi ro nhất định. Việc các ngân hàng phát hành ào ạt thẻ này liệu có đang đặt nhẹ quyền lợi khách hàng?

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển – Chuyên gia tài chính ngân hàng, công nghệ không tiếp xúc này từ nước ngoài đưa về, một khi các ngân hàng áp dụng là đã đánh giá được mức độ an toàn và rủi ro, có sự chuẩn bị về bảo mật. Việc các ngân hàng ào ạt phát là hành nhằm tăng sự cạnh tranh, nếu không kịp thời thì sẽ tụt hậu.

Công nghệ này không áp dụng trên thẻ từ thông thường mà trên thẻ chip. Thẻ từ dễ dẫn đến rủi đánh cắp thông tin thẻ và gian lận giao dịch do toàn bộ dữ liệu thẻ bao gồm số thẻ, ngày phát hành, mã dịch vụ (service code), giá trị xác thực thẻ (CVV) được lưu trữ cố định trên dải từ, dễ dàng nhìn thấy. Nhưng đối với thẻ chip, toàn bộ dữ liệu của thẻ được lưu cố định tại chip nên mức độ bảo mật cao hơn.

Thẻ này sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bị tội phạm công nghệ tấn công bằng hình thức skimming, tức sao chép thông tin rồi làm thẻ giả để rút tiền. Thẻ không tiếp xúc còn đáp ứng được nhu cầu là khách không phải xuất trình thẻ cho người bán hàng, không phải quẹt POS – một hình thức mà các chuyên cho rằng có thể lộ thông tin in trên thẻ, lộ mã số PIN và dễ xảy ra các vụ đánh cắp chiếm đoạt tài sản.

“Thời gian qua, nhiều khách hàng khi thanh toán bằng quẹt thẻ tại nhà hàng đã bị nhân viên lén ghi lại thông tin thẻ tín dụng và chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc và tâm lý hoang mang cho nhiều khách hàng. Thẻ không tiếp xúc ra đời sẽ hạn chế được tình trạng này” – Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nói.

An toàn về bảo mật đã thấy trước mắt, nhưng về sự tiện lợi, nhiều khách hàng cho rằng vẫn không rút ngắn được thời gian là bao so với hình thức thanh toán quẹt thẻ, qua ví điện tử hoặc mã QR. Để giao dịch được thực hiện, thẻ phải nằm trong phạm vi cách thiết bị đọc thẻ từ 2,5-5cm. Nhiều khách hàng không rành phương thức này, để thẻ không đúng vị trí nên cứ đứng vẫy thẻ liên tục. Hoặc để đúng vị trí nhưng tại một số điểm, thiết bị chấp nhận thẻ được cho là “không nhạy”, phải chạm hoặc vẫy vài lần mới thực hiện được.

Cách nhận biết thẻ có chức năng thanh toán tiếp xúc hay không là dựa vào logo hình sóng wifi được in trên thẻ. Song thực tế, không ít khách hàng khi cầm chiếc thẻ này trên tay vẫn không hiểu rõ chức năng của nó, vẫn tiến hành quẹt thẻ thay vì chạm thẻ. Lý do được đưa ra là do khi ngân hàng phát hành thẻ đến khách, không thấy tư vấn gì.

Thẻ này chỉ rút ngắn thời gian thanh toán với trường hợp thanh toán dưới 400.000đồng/lần giao dịch vì không phải ký tên vào hóa đơn. Với hóa đơn trên 400.000 đồng thì khách vẫn phải ký tên như hình thức thanh toán khác. Song theo các chuyên gia, những điểm hạn chế trên không đáng trở ngại và theo thời gian sẽ được hoàn thiện.

Chính vì thẻ không tiếp xúc có độ bảo mật cao hơn, kẻ gian khó sao chép hơn nên một số khách hàng có tâm lý không cần bảo vệ thẻ kỹ. Ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, không phải thẻ không tiếp xúc được làm từ thẻ chip là bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nếu khách hàng lộ thông tin thẻ thì kẻ gian vẫn sử dụng và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Theo Thanh Hoa/PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)