Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Thể thao làm chậm quá trình lão hóa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Kênh truyền hình France 3 dẫn báo cáo của Giáo sư François Carré thuộc Bệnh viện Đại học Rennes cho thấy hoạt động thể chất điều độ có thể giúp bạn kéo dài tuổi thanh xuân.
Tại hội thảo của Hội Tim mạch Pháp vừa được tổ chức tại Paris, Giáo sư (GS) Carré cho biết việc tập luyện thể thao đều đặn và chừng mực sẽ giúp làm chậm quá trình lão hóa, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống ngay cả khi “vận động viên” nghiệp dư đã ở tuổi xế chiều. Càng cao tuổi, các chức năng quan trọng trong cơ thể như hô hấp, tim mạch… sẽ ngày càng đi xuống. Trung bình kể từ độ tuổi trung niên, cứ mỗi 10 năm, những chức năng nói trên giảm từ 8-10%. Do có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng ít “lành mạnh” hơn nên tỷ lệ này ở nam giới nhìn chung cao hơn phụ nữ (14% so với 7%).
 
Ảnh: shutterstock
Thể thao không thể làm trái lại quy luật tự nhiên nhưng giúp chúng ta “trì hoãn” quá trình lão hóa và giảm thiểu những hậu quả đi kèm. Cụ thể, chăm chỉ vận động sẽ làm cơ tim và các mạch máu được “gia cố”, lượng chất béo và đường hấp thụ vào cơ thể cũng được cân bằng hơn, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch…
Tuy nhiên, để chơi thể thao một cách hiệu quả và an toàn khi đã có tuổi, cần chú ý các điểm sau.
Tăng sức bền
Ưu tiên chọn những môn giúp tăng cường sức bền của cơ thể như đạp xe, bơi lội… Các môn thể thao đồng đội như bóng chuyền, bóng đá, vốn mang tính đối kháng cao, thường bị xem là “chống chỉ định” với người cao tuổi. Với những lão tướng U.70, lựa chọn hàng đầu là một số môn vận động nhẹ nhàng như thể dục dưới nước, khí công, thể dục dưỡng sinh. Những môn này giúp tăng cường khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Đi bộ cũng là một môn “sáng giá” vì giúp ngăn ngừa tình trạng cơ bắp “xuống cấp” nhanh chóng ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, người có tiền sử bệnh về cơ xương khớp nên hỏi qua ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu trước khi tập luyện môn này.
Theo GS Carré, người trên 65 tuổi cần hoạt động thể chất đều đặn và vừa sức ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi ngày tập từ 30-60 phút. Tuân thủ chế độ này, các bậc cao niên có thể tăng thời gian sống độc lập, không lệ thuộc con cháu lên từ 10-12 năm.
Chậm mà chắc
Trong trường hợp vì theo lời khuyên của bác sĩ mà tập luyện trở lại sau một thời gian dài không hề “đụng” tới thể dục thể thao, người cao tuổi nên khởi đầu một cách thật nhẹ nhàng. Cần thực hiện một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát trước để nắm rõ “vốn liếng” thể trạng hiện tại. Dựa vào đó, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên thích hợp.
Ngay cả trong trường hợp có kết quả khám “đẹp như mơ”, các lão tướng cũng nên kéo dài giai đoạn “khởi động” từ 6-8 tuần. Cường độ tập trong giai đoạn này sẽ rất nhẹ nhàng và được tăng dần cho đến khi đạt mức phù hợp nhất. Trong lúc tập, chú ý không để quá sức, tức không bao giờ tập đến mức phải thở gấp gáp. Cần phải lắng nghe những lời “phàn nàn” của cơ thể, đừng quên rằng mình đã có tuổi.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)