Trong vài tuần qua, tôi nhận được khá nhiều tin nhắn nêu cùng câu hỏi: 1 bài thơ chủ yếu có các dòng 8 chữ nhưng lại đan xen một hoặc một số dòng thơ không phải 8 chữ (mà là 7, 9 hoặc 10 chữ) thì đó là thể thơ gì? Có giáo viên còn đưa 3 phương án: thơ 8 chữ, 8 chữ biến thể hay thơ tự do? Với câu hỏi trên, tôi xin trình bày cụ thể như sau (đây chỉ là ý kiến cá nhân tôi):

Các thể thơ được học trong chương trình ngữ văn 2018 và vấn đề biến thể
Chương trình ngữ văn 2018 xác định: với yêu cầu học vấn phổ thông, chỉ cung cấp cho học sinh hiểu biết cơ bản về những thể thơ tiêu biểu, quen thuộc và gần gũi. Một số thể thơ khó hoặc ít phổ biến thì không học. Theo đó, chương trình yêu cầu dạy và học các thể thơ 4, 5, 6, 7, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát, thơ song thất lục bát, thơ Đường luật.
Có thể thấy, các thể thơ nêu trên đều xuất phát từ số chữ (âm tiết) trong mỗi dòng để gọi tên cho thể thơ đó. Khi số chữ thay đổi sẽ dẫn đến tên gọi thể thơ thay đổi. Ngoài ra, mỗi thể thơ nói trên đều có những yêu cầu về hình thức cố định như cách gieo vần, ngắt nhịp, bằng trắc, đối… Gọi chung là thi luật. Mỗi thể có một mô hình, cấu trúc, hình thức chuẩn (tiêu biểu, điển hình). Ai làm thơ cũng phải tuân thủ theo thi luật của mỗi thể. Tuy nhiên, trong thực tế sáng tác có một số bài thơ vượt ra khỏi quy tắc, làm khác đi ít nhiều so với mô hình chuẩn… được gọi là biến thể.
Các yếu tố làm cho bài thơ biến thể so với chuẩn gồm: a) Vị trí gieo vần, cách ngắt nhịp, sử dụng bằng trắc, đối… và b) số chữ trong mỗi dòng. Nhìn chung, các bài thơ biến thể chủ yếu do thay đổi các yếu tố ở mục a). Ví dụ, với lục bát biến thể thì có nhiều cách, chẳng hạn gieo vần ở vị trí khác. Trong câu “Con vua thì được làm vua/ Con sãi ở chùa, thì quét lá đa”, chữ 6 dòng 6 vần với chữ 4 dòng 8, khác với quy định chuẩn (chữ 6 dòng 6 vần với chữ 6 dòng 8…). Hoặc Đường luật biến thể cũng chủ yếu thay đổi các yếu tố đã nêu trong mục a). Cần chú ý là các biến thể như lục bát hoặc thơ Đường luật số chữ mỗi dòng không thay đổi, bài biến thể lục bát vẫn gồm dòng 6 chữ và dòng 8 chữ; bài Đường luật (tứ tuyệt hoặc bát cú) vẫn phải mỗi dòng 7 chữ…
Khi bài thơ làm theo một thể nào đó, nếu có một số dòng có số chữ thay đổi theo một quy tắc nhất định (quy luật) thì không còn là thể thơ ấy nữa. Ví dụ, một bài vốn là tứ tuyệt (Đường luật) nhưng 3 dòng đầu là 7 chữ , dòng cuối lại chỉ 1 chữ thì không còn là bài tứ tuyệt mà là thể yết hậu, chẳng hạn bài “Anh nghiện rượu” (tương truyền là của Phạm Thái). Hoặc trong một bài thơ 7 chữ, cứ mỗi khổ có 1 dòng 6 chữ thì đó không còn là thơ 7 chữ mà là thơ thất ngôn chen (xen) lục ngôn, một thể thơ xuất hiện rất nhiều trong thơ Nôm Nguyễn Trãi. Tương tự, nếu 1 bài thơ cứ 2 dòng 7 chữ lại xen vào 2 dòng 6/8 thì không phải thơ 7 chữ nữa mà có tên là song thất lục bát…
Tóm lại, nếu bài thơ có sự thay đổi về số chữ trong một số dòng theo một quy tắc/ quy luật nào đó, được nhiều người làm theo thì thường đã chuyển sang một thể thơ khác có tên cụ thể. Tuy nhiên, có những bài phá cách có quy tắc/ quy luật nhưng chưa thành lệ như bài “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh. Bài thơ vốn làm theo thể 5 chữ, nhưng có 4 dòng đứng đầu các khổ sau lặp lại nhan đề “Tiếng gà trưa”. Đây là sự lặp lại có chủ ý, tạo được hiệu quả thẩm mỹ trong việc biểu đạt nội dung nên có thể coi là bài thơ 5 chữ biến thể. Khác với một số bài thơ có các dòng thay đổi số chữ nhưng không có quy luật, tùy vào cảm xúc, tình cảm của người viết mà thêm hoặc bớt chữ so với đa số các dòng trong bài.
Vậy 1 bài thơ chủ yếu mỗi dòng 8 chữ, nhưng có một số dòng không phải 8 chữ, theo tôi, nên gọi là thơ tự do. Bởi vì, thứ nhất chương trình không nêu khái niệm biến thể, nghĩa là giáo viên có thể dạy, có thể không dạy về biến thể trong thơ. Thứ hai, ba bộ sách đều có chung cách hiểu: thơ 8 chữ là bài thơ mỗi dòng có 8 chữ (âm tiết). Ba bộ sách cũng đều hiểu: thơ tự do là bài thơ các dòng có số chữ dài ngắn khác nhau. Theo đó, nếu gọi thơ 8 chữ thì học sinh sẽ bảo không đúng, vì so với định nghĩa, có dòng không phải 8 chữ. Nếu bảo đó là thơ 8 chữ biến thể thì sẽ khó lý giải biến thể ở đâu hay ít nhất phải chỉ ra các dòng không phải 8 chữ được lặp lại có quy luật. Hơn nữa, như đã nói, chương trình không nêu khái niệm biến thể. Còn lại nói là thơ tự do, vì đúng như cách hiểu của sách giáo khoa: là bài thơ có một số dòng không giống các dòng 8 chữ. Có điều trong trường hợp này, tôi nghĩ đó là một bài thơ tự do không điển hình.
Kiến nghị giải pháp
Do tính phức tạp của vấn đề biến thể nêu trên, nên để tránh những tranh luận không cần thiết, theo tôi, trong dạy học và đặc biệt trong kiểm tra đánh giá, giáo viên cần chú ý:
Thứ nhất, phải chọn được các văn bản ngữ liệu tiêu biểu (điển hình), đúng thể thơ với các quy định về thi luật, nhất là bảo đảm số chữ của mỗi dòng theo đúng tên gọi của thể thơ đó. Chẳng hạn, nếu là thơ 8 chữ thì tất cả mỗi dòng trong bài hoặc đoạn trích đều 8 chữ; không thiếu gì bài thơ 8 chữ tiêu biểu như thế…
Thứ hai, khi dạy học về thơ có thể nêu vấn đề biến thể, cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản, tối thiểu… Nhưng khi ra đề thi, nhất là các kỳ thi chung nhiều lớp, nhiều trường tham gia thì nên tránh các ngữ liệu và câu hỏi về biến thể. Vì như tôi đã nêu, chương trình không có yêu cầu này và không phải giáo viên nào cũng dạy vấn đề biến thể cho học sinh.
Thứ ba, nếu thấy vấn đề biến thể có ý nghĩa và quan trọng thì Bộ GD-ĐT cần chỉnh lý chương trình, nêu yêu cầu và xác định rõ khái niệm biến thể trong thơ.
Việc thay đổi thêm bớt một vài chữ vào các dòng của bài thơ 8 chữ nhìn chung không làm thay đổi nhiều nội dung tư tưởng cũng như giá trị nghệ thuật của bài thơ. Gọi là thơ 8 chữ, 8 chữ biến thể hay thơ tự do với những bài thơ như thế chỉ có ý nghĩa nhiều hơn trong việc kiểm tra yêu cầu nhận biết về thể thơ. Học sinh trả lời đúng hoặc sai có thể mất điểm. Vì thế nên trao đổi, thống nhất để có giải pháp phù hợp. Tôi viết bài này chỉ có mục đích và mong muốn như thế.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)