Go-Viet và Fastgo- 2 ứng dụng gọi xe chính thức được hoạt động thí điểm theo dạng hợp đồng điện tử tại TP HCM.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có văn bản thông báo ứng dụng Go-Viet (Công ty TNHH Thương mại công nghệ Go-Viet) và Fastgo (Công ty CP FastGo Việt Nam), chính thức được các cơ quan có thẩm quyền cho phép triển khai thí điểm kết nối xe chở khách theo hợp đồng tại TP HCM.
Thời gian thí điểm của 2 đơn vị này thực hiện đến lúc nghị định thay thế Nghị định số 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.
Theo Sở GTVT, Go-Viet và Fastgo được hoạt động trên toàn địa bàn TP HCM. Các đơn vị này phải thực hiện theo các chính sách, đóng thuế đầy đủ. Đồng thời, phải xây dựng các thỏa thuận hợp tác với những điều khoản rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia.
Go-Viet, một trong hai đơn vị vừa được tham gia thí điểm tại TP HCM
Go-Viet và Fastgo cũng được yêu cầu phải công bố mẫu logo của đơn vị và niêm yết trên các xe tham gia ứng dụng. Đồng thời, ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị vận tải được Sở GTVT cấp phép kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với loại hình chở khách theo hợp đồng, xe dưới 9 chỗ đáp ứng đủ các điều kiện, quy định…
Trước đó, hồi đầu tháng 4, Bộ GTVT có văn bản thống nhất đề xuất của UBND TP HCM về việc cho phép 2 ứng dụng gọi xe nêu trên được phép thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ và quản lý kết nối hoạt động vận tải khách trên địa bàn TP.
Việc cho phép 2 đơn vị trên tham gia, theo Bộ GTVT là ngoài việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án thí điểm tại Quyết định số 24 thì giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch, tránh độc quyền.
Từ lúc triển khai loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử như Grab, Uber…, lượng ôtô con tại TP HCM tăng nhanh và nhiều ý kiến cũng lo ngại việc có thêm nhiều ứng dụng gọi xe kéo theo áp lực giao thông ngày cảng lớn
Trao đổi với phóng viên trước đó, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TP HCM, cho rằng các Công ty Grab, GoViet… ứng dụng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải là xu hướng chung, phù hợp và mang lại nhiều lợi ích. Vì vậy, trong khi chờ nghị định thay thế Nghị định 86, việc mở rộng các đơn vị được tham gia là phù hợp.
"Trách nhiệm của cơ quan quản lý là nếu lượng xe tăng trưởng quá nhanh, gây quá tải cho hạ tầng thì bắt buộc phải điều chỉnh phù hợp, cần thiết thì sẽ hạn chế số lượng xe" – ông Tính nói.
Theo Gia Minh/NLĐO
Bình luận (0)