Các nhà quản lý ngành ngân hàng Mỹ ngày 17/7 đã đóng cửa hai ngân hàng ở bang California và 2 ngân hàng ở các bang Georgia và Nam Dakota, nâng tổng số ngân hàng bị phá sản ở Mỹ từ đầu năm tới nay lên con số 57.

Lớn nhất trong số 4 ngân hàng bị đóng cửa lần này là Vineyard Bank ở bang California, với tài sản lên tới 1,9 tỷ USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 1,6 tỷ USD tính ở thời điểm 31/3/2009.

Tiếp đó là một ngân hàng nữa cũng của bang California làTemecula Valley Bank, với tài sản 1,5 tỷ USD và 1,3 tỷ USD tiền gửi của khách.
Còn lại là hai ngân hàng là First Piedmont Bank và Bank First. Tính tới ngày 6/7, First Piedmont Bank ở bang Georgia có tài sản 115 triệu USD và nắm giữ 109 triệu USD tiền gửi của khách hàng.

Ở thời điểm ngày 30/4, Bank First ở Nam Dakota có 275 triệu USD tài sản và 254 triệu USD tiền gửi. Alerus Financial N.A có dự định mua lại khoảng 72 triệu USD tài sản từ ngân hàng bị đóng cửa. Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ tính toán vụ sụp đổ của ngân hàng Bank First sẽ tiêu tốn 91 triệu USD. First American Bank and Trust Co. of Athens sẽ tiếp quản ngân hàng Bank First.

Tính tới thời điểm này của năm 2009, hai bang Georgia và California là hai bang “nóng” nhất ở Mỹ xét về số vụ ngân hàng đổ vỡ, do đây là hai bang có thị trường địa ốc suy giảm nghiêm trọng nhất ở Mỹ.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, tại Mỹ đã có tới 57 ngân hàng đổ vỡ, so với con số 25 ngân hàng trong cả năm 2008 và 3 ngân hàng trong năm 2007. FDIC ước tính, 4 vụ giải thể ngân hàng lần này sẽ tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi tới gần 1,1 tỷ USD.
Thời gian tới, nhiều khả năng số lượng các ngân hàng đóng cửa sẽ vẫn tiếp tục tăng bởi ngành vẫn còn quá nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Nam Phương (dddn)