Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thêm cơ hội cho nhà làm phim

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà đầu tư phim Việt đang chập chững tiếp cận hình thức gọi vốn, đầu tư cho phim qua công nghệ blockchain – một hình thức gọi vốn mới trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ

Dự án phim "Chó săn" của đạo diễn Phạm Thanh Hải hiện ở giai đoạn tiền kỳ, lên kế hoạch bấm máy trong năm 2022, được thực hiện dựa vào việc gọi vốn đầu tư bằng hình thức bán trước NFT ("Non fungible token" – tài sản không thể thay thế) – một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ blockchain.

Gọi vốn qua công nghệ số

Các NFT này đại diện cho tập tin duy nhất, là tài sản không thể thay thế nên cũng không thể hoán đổi cho nhau như những loại tiền điện tử. Nhà đầu tư sẽ xem xét dự án phim đã được mã hóa thành các NFT trên nền tảng số nào đó, chấp thuận bỏ tiền mua các NFT này rồi phía nền tảng sẽ chuyển hóa sang tiền thật cung cấp cho nhà làm phim. Trong khi đó, tiến trình làm phim vẫn thực hiện như bình thường.

"Chó săn" đã gọi vốn cộng đồng trên NFT5 của Remitano – đơn vị hậu thuẫn của nền tảng này – và thu hút sự chú ý với chiến lược "ưu tiên hoàn vốn" cho nhà đầu tư. Trong đó, toàn bộ doanh thu ban đầu chỉ dùng chi trả cho nhà đầu tư đến khi hoàn vốn.

Sau giai đoạn hoàn vốn, 50% doanh thu từ phim sẽ tiếp tục đổ vào tài khoản nhà đầu tư như phần lợi nhuận. Thời hạn chia sẻ doanh thu là 5 năm với các doanh thu: phát hành quốc tế, phát hành tại Việt Nam, các khoản thu về âm nhạc, tài trợ và sản phẩm phái sinh.

Ngoài "Chó săn", dự án phim "Móng vuốt" của đạo diễn Lê Thanh Sơn đang mở vòng gọi vốn công khai bằng NFT trên NFT5. Dự án phim điện ảnh "Kềm thép" của Phan Thanh Nhiên cũng được giới thiệu trên NFT5, dự kiến gọi vốn vào tháng 9-2022.

Các nhà chuyên môn cho rằng phim điện ảnh là cuộc chơi đắt đỏ, cần nguồn vốn lớn, một cá nhân khó thể đáp ứng được số tiền này. Vì thế, nhà làm phim thường phải huy động vốn từ những nhà đầu tư yêu thích điện ảnh, chấp nhận chi tiền vào dự án của họ.

Những năm gần đây, các nhà làm phim độc lập tiến hành gọi vốn cộng đồng thông qua các trang web. Điện ảnh blockchain với hình thức gọi vốn thông qua công nghệ số mở ra cơ hội để nhà làm phim tiếp cận từ nhà đầu tư nhỏ nhất, tiền ít nhất đến nhà đầu tư lớn nhất; cùng đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng, phát triển, hoàn thành tác phẩm mà họ góp vốn.

Theo đạo diễn Phạm Thanh Hải, mô hình gọi vốn cộng đồng không mới ở Việt Nam, song gọi vốn cộng đồng thông qua nền tảng blockchain là hình thức rất mới. Với một nước dân số trẻ và sớm tiếp cận nền tảng công nghệ này, Việt Nam chính là thị trường nhiều hứa hẹn.

Thêm cơ hội cho nhà làm phim - Ảnh 1.

Dự án phim “Chó săn” giới thiệu trên nền tảng Remitano – NFT5. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp

Tiềm năng rộng mở

Trước đây, nhà làm phim độc lập hay nhà làm phim trẻ chưa có danh tiếng thường chọn hình thức gửi dự án lên các nền tảng gọi vốn cộng đồng để huy động kinh phí sản xuất. Tuy nhiên, hình thức này chỉ thích hợp với những phim ngắn phi thương mại, cần nguồn kinh phí thấp hoặc một giai đoạn nào đó trong lộ trình huy động kinh phí của phim độc lập hơn là cả bộ phim trọn vẹn.

Nguyên nhân là vì quyền lợi trả lại cho người đóng góp được xây dựng theo nhiều gói (vài trăm ngàn đồng đến vài trăm triệu đồng), phần lớn là quà tặng mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất. Nghĩa là, những người hỗ trợ số tiền càng lớn, quà tặng nhận về càng nhiều nhưng đa phần gắn liền với tác phẩm, như: vé tham dự buổi công chiếu phim, DVD, CD, quà lưu niệm, lời cảm ơn… Hình thức này chỉ có thể thu hút những người mê điện ảnh và ủng hộ trong phạm vi tài chính cho phép.

Trong khi đó, NFT là hệ sinh thái đầu tư thật sự. Việc mua các NFT dự án điện ảnh có thể sinh lời nhưng cũng có khi lỗ, tùy vào lựa chọn của nhà đầu tư. Hầu như tất cả nhà đầu tư đến với dự án với mục tiêu kinh doanh chứ không chỉ thỏa mãn đam mê. Các nhà đầu tư dù ít hay nhiều đều được góp ý, đánh giá chất lượng, nắm chắc tiến trình dự án.

Ông Châu Quang Phước, chuyên viên truyền thông của phim này, cho rằng nhà làm phim cũng như nhà đầu tư phim Việt đang chập chững tiếp cận hình thức gọi vốn, đầu tư qua công nghệ blockchain. Vì thế, cần có thêm thời gian cho cộng đồng người dùng trải nghiệm. Dù vậy, có thể xem đây là một hình thức gọi vốn tiềm năng, một cơ hội để nhà làm phim có vốn làm ra sản phẩm.

Điện ảnh Việt đang trong giai đoạn phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, được kỳ vọng sớm phát triển trở lại như giai đoạn trước đó. Sự xuất hiện của nhiều hình thức huy động vốn sản xuất bên cạnh hình thức truyền thống góp phần đa dạng hóa cho thị trường. Nhà làm phim trẻ, làm phim độc lập, đam mê với điện ảnh có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực.

Theo Minh Khuê/NLĐO

 

Bình luận (0)