Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thèm được tâm sự với mẹ cha!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Hình thức cơ bản và thuyết phục nhất của việc dạy dỗ con chính là trò chuyện với con. Đó là một trong những phương pháp giáo dục tốt và hiệu quả để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T

Thông qua những câu chuyện, cha mẹ sẽ hiểu được tâm tư, nguyện vọng, sở trường… của con. Vậy nhưng, khi trao đổi với một nhóm trẻ ở độ tuổi teen, có một điều cho thấy rằng ngoài chuyện học tập, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt cơ bản của con thì hầu hết cha mẹ không có điều kiện để trao đổi, tâm sự với con. Có nhiều lý do như thiếu thời gian, bận rộn vào trăm công ngàn việc, thiếu kỹ năng làm cha mẹ… khiến cho khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa. Có không ít trẻ ngày càng trở nên lầm lỳ, khó bảo, mà nguyên nhân là do trẻ không tìm được điểm tựa tinh thần và tiếng nói chung từ phía gia đình.

Trò chuyện thân mật với con có nghĩa là cha mẹ cùng con trao đổi cùng nhau tìm ra cách giải quyết vấn đề. Một khi trẻ có những vấn đề vướng mắc, cha mẹ cần kịp thời trò chuyện cùng con, giúp đỡ trẻ từ góc độ tâm lý và tình cảm. Đối với mỗi đứa trẻ đang trong độ tuổi dậy thì, chúng luôn mong muốn được tự do, không muốn cha mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của mình. Mỗi đứa trẻ khác nhau có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, vì thế, cha mẹ cần sử dụng linh hoạt các cách thức khác nhau để tiến hành trò chuyện sao cho hiệu quả.

+ Tạo ra không gian trò chuyện gần gũi, hòa hợp. Bầu không khí tâm lý gia đình ấm cùng, hài hòa là cơ sở để bảo đảm cuộc trò chuyện diễn ra một cách hiệu quả. Cha mẹ cần tạo ra và nắm lấy cơ hội trò chuyện cùng trẻ mọi lúc mọi nơi, những khi trẻ rảnh rỗi, kể cả khi trẻ đạt được thành công hoặc gặp phải vấn đề. Khi trò chuyện, cha mẹ cần bảo vệ và phát huy lòng tự tôn của trẻ. Dùng ngôn ngữ, khẩu khí, cử chỉ thân thiện để biểu thị sự thông cảm, cố gắng không dùng thái độ trịch thượng để trò chuyện với trẻ.

+ Tận dụng ví dụ điển hình, nắm bắt cơ hội trò chuyện. Bất kỳ lúc nào trẻ cũng có thể nảy sinh những vấn đề không lường trước được đối với môi trường xung quanh. Cha mẹ nên gần gũi để nắm bắt kịp thời, trò chuyện để làm rõ những trọng tâm, trọng điểm. Thông thường sau khi họp phụ huynh là thời điểm mà cha mẹ và con trẻ có nhiều điều để trao đổi, bàn luận. Nếu cha mẹ nắm bắt được thời cơ này có thể hiểu được rất nhiều điều về con mình.

+ Tạo thái độ thân thiện, loại bỏ ý thức cảnh giác, rào đón của trẻ. Cha mẹ khi trao đổi, tâm sự với con, cần giữ thái độ chân thành, cởi mở. Không nên để trẻ cảm thấy buổi trao đổi với cha mẹ như một buổi rao giảng. Khi trẻ mang một tâm lý “phòng ngự” để nói chuyện sẽ khiến không khí căng thẳng, nặng nề, trẻ không thể bộc lộ một cách chân thành nhất. Nếu trẻ chủ động tìm đến cha mẹ để giãi bày tâm tư, nguyện vọng thì dù có bận việc gì, cũng nên tạm thời dừng lại để lắng nghe với thái đội chân tình, cởi mở. Tuyệt đối không nên đánh mất cơ hội được trò chuyện với con, bởi có thể bạn sẽ khám phá ra những điều thú vị mà chỉ có thế giới trẻ thơ mới có.

+ Lời nói phải gọn gàng, súc tích, chủ động toàn bộ cuộc trò chuyện. Điều tối kỵ nhất trong giáo dục trẻ là nói quá nhiều. Trẻ con hầu hết không thích những cuộc trò chuyện dài dòng, lan man.

Trẻ con luôn mong muốn được cha mẹ lắng nghe, mong muốn được có điểm tựa tinh thần để dốc bầu tâm sự, biểu đạt cảm nhận của mình và mong được mọi người tôn trọng và thấu hiểu. Cha mẹ nên chủ động dẫn dắt trẻ nói ra những nỗi niềm chan chứa trong lòng mình, nhằm giúp trẻ giải tỏa được những nỗi ấm ức, băn khoăn. Trẻ cảm nhận mọi vấn đề rất đơn giản và cảm tính, vì thế sau khi nghe trẻ tâm sự, cha mẹ cần có những động thái kịp thời, để trẻ yên tâm “cha mẹ đã hiểu lòng mình”.

Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)