Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thêm gánh nặng nhà trọ tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Gần một tháng trở lại đây, sinh viên, công nhân lao động từ các tỉnh bắt đầu đổ về TPHCM nhập học và làm việc sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Do đó, nhu cầu thuê nhà trọ tăng đột biến. Lợi dụng điều này, một số chủ nhà trọ đã cố tình đẩy giá lên cao khiến không ít sinh viên, người lao động đã khó càng thêm khó.

Đến hẹn lại tăng
Ghi nhận từ đầu tháng 10-2020 đến nay, nhiều tân sinh viên đang đổ xô đi tìm nhà trọ trước khi bước vào năm học mới. Nghề kinh doanh phòng trọ tại TPHCM cũng đang lên cơn “sốt”, giá cho thuê tăng cao chóng mặt.
Hơn một tuần qua, Nguyễn Quốc Bảo (19 tuổi, quê Quảng Bình), tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, phải rong ruổi khắp các tuyến đường ở quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận 12 để tìm thuê nhà trọ, nhưng vẫn chưa thuê được căn phòng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình.
Bảo tâm sự: “Nhà mình ở quê cũng khá khó khăn, nhất là đang phải trải qua đợt lũ lụt, kinh tế gia đình kiệt quệ. Do vậy, mình muốn tìm một căn trọ giá khoảng 1,5 triệu đồng/tháng trở lại, sau đó kiếm thêm bạn ở ghép để giảm bớt chi phí, nhưng từ bữa giờ tìm đỏ mắt không ra, chỗ nào cũng hét giá trên 3 triệu đồng/tháng, đã vậy còn phải đặt cọc một tháng tiền nhà. Với số tiền này thật tình là quá sức đối với gia đình, khi mới vào đầu năm học nên còn rất nhiều khoản phải chi tiêu”.
Thêm gánh nặng nhà trọ tăng giá ảnh 1
Một dãy nhà trọ trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM)
Đậu đại học ngành kỹ thuật điện, Vũ Công Mạnh (18 tuổi, quê Bình Định) rất vui mừng. Tuy nhiên, Mạnh cũng đang gặp khó khăn khi tìm thuê nhà trọ gần trường để tiện việc học tập.

“Mấy ngày nay, mình đi khắp các khu nhà trọ gần trường để tìm phòng ở nhưng chỗ nào cũng giá cao ngất ngưởng. Không còn cách nào khác, buộc phải xin ở ghép với các anh chị khóa trên để giảm bớt một khoản chi tiêu hàng tháng”, Mạnh cho biết.
Không chỉ các sinh viên mà nhiều công nhân, người lao động xa quê cũng rơi vào cảnh lao đao vì giá nhà trọ tăng liên tục. Số tiền phải bù đắp trả tiền nhà trọ thêm mỗi tháng cũng đồng nghĩa với việc chắt bóp trong chi tiêu, ăn uống hàng ngày.
Chị Đặng Thị Hạnh (37 tuổi), công nhân may tại quận Bình Tân, cho biết tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng, chỉ riêng tiền nhà trọ, điện nước đã ngót nghét 4 triệu đồng.
“Hai vợ chồng tôi thuê trọ gần công ty với giá 2,9 triệu đồng/tháng. Trước dịch Covid-19, chủ nhà có giảm giá 2 tháng tiền nhà, mỗi tháng 300.000 đồng. Sau khi dịch tạm lắng, chủ lại tăng mỗi phòng lên 500.000 đồng/tháng, với lý do tăng theo giá mặt bằng chung. Cứ như thế này chắc chúng tôi buộc phải trả phòng để kiếm một chỗ ở xa hơn, rẻ hơn, để sớm ổn định cuộc sống sau dịch”, chị Hạnh than thở.
Cần sự sẻ chia 
Theo tìm hiểu, thông thường sau 1 năm, nhiều phòng trọ trên địa bàn TPHCM lại đua nhau tăng giá. Việc tăng giá cũng không theo một quy luật nào, mà chủ yếu tăng theo… cảm hứng. Nhiều chủ nhà trọ còn nắm bắt thời điểm nhu cầu thuê nhà trọ tăng cao để dễ dàng đẩy giá cho thuê lên.
Lý giải nguyên nhân tăng giá nhà trọ, bà Bùi Thị Kim Luyến (50 tuổi, chủ một dãy nhà trọ ở đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) phân bua: “Vật giá mỗi năm mỗi khác, chỉ có tăng chứ không có giảm. Để bù lại các khoản chi phí phát sinh nên chúng tôi buộc phải tăng giá cho thuê. Hơn nữa, mặt bằng chung giá nhà trọ tăng hàng năm, nên chúng tôi cũng tăng theo quy luật thị trường”.
Còn ông T.H. (45 tuổi, chủ một nhà trọ tại quận Thủ Đức) cho rằng: “Sau mỗi năm, giá nhà trọ ở TPHCM đều tăng. Tuy nhiên tăng nhiều hay ít tùy thuộc vào vị trí, xa hay gần trung tâm thành phố hoặc các trường học. Phòng càng rộng, càng sạch sẽ thì tăng giá càng cao để bù đắp vào các chi phí sửa chữa, hoa hồng cho môi giới… Dù giá tăng nhưng hiện tại cung không đủ cầu, nhu cầu thuê phòng trọ vẫn luôn nóng mỗi năm”.
Thực tế, bên cạnh tình trạng tăng giá phòng trọ, nhà trọ vô tội vạ của một bộ phận chủ nhà thì vẫn có nhiều chủ nhà trọ ở các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã và đang giảm tiền cho những người thuê là sinh viên hoặc người lao động nghèo.
Bà Trịnh Thị Châu (63 tuổi, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) chia sẻ: “Biết được hoàn cảnh khó khăn của các sinh viên, người lao động từ quê lên thành phố học tập và mưu sinh nên từ khi mở dịch vụ kinh doanh nhà trọ, tôi chưa tăng giá lần nào, luôn giữ ở mức giá cố định. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi cũng chủ động giảm 500.000 đồng/phòng trong vòng 3 tháng. Thời gian tới, tôi cũng sẽ tiếp tục giảm giá thuê cho sinh viên và người lao động ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt”. 
Khi giá nhà trọ tăng hẳn nhiên là người đi thuê sẽ thêm phần nặng gánh, thêm những lo toan, vất vả, chắt bóp chi tiêu để có thể tồn tại. Bởi đại đa số người thuê trọ đều là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo từ quê tới thành phố để học tập, mưu sinh. Vì vậy, rất cần sự cảm thông, chia sẻ, nhất là trong thời điểm nhiều người lao động đang bị mất việc làm, mất thu nhập, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do bão lũ, thiên tai.
Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM cho biết, thường xuyên kết nối và phối hợp với các cá nhân, đơn vị cho thuê phòng trọ lâu năm, uy tín để cùng hỗ trợ sinh viên với cam kết không tăng giá thuê phòng. Bên cạnh đó, trên các trang thông tin của trung tâm cũng liên tục cung cấp những địa chỉ thuê trọ an toàn để giúp sinh viên và gia đình có nhiều sự lựa chọn nhằm tránh các rủi ro, đảm bảo cho các bạn sinh viên có nơi ở tốt, giá phù hợp.
 

BÙI ANH TUẤN (theo SGGP)

Bình luận (0)